Làng Đăk Tăng sau “bão” Hà Mòn

Phóng sự của Ngọc Tấn Thứ sáu, ngày 16/09/2016 06:28 AM (GMT+7)
Trên mặt hồ Plei Krông nhạt nhòa, huyền ảo, làng Đăk Tăng (xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tựa một nốt lặng giữa bức tranh sơn thủy chủ một gam trầm. Ngắm cảnh này ai có thể tưởng được mươi năm trước lòng hồ Plei Krông từng là tâm sóng của tà đạo Hà Mòn. Và ngôi làng Đăk Tăng, cách nay chưa lâu còn là đỉnh tâm của con sóng ấy…
Bình luận 0

Lối rẽ

Đăk Tăng gồm 108 hộ, 554 khẩu. Nguyên thủy làng thuộc xã Hơ Mon, theo Thiên Chúa giáo thời Pháp thuộc, một xứ đạo yên bình…

img

 Bà Y Gyin (thứ 2 trái qua) chia sẻ với cán bộ xã về những “u mê” của mình. Ảnh: N.T

Đến nay, bà Y Gyin đã tham gia 4 cuộc vận động tại các làng từng là “điểm nóng” của tà đạo Hà Mòn. Thường bà chỉ nói ngắn gọn rằng: Chuyện “Đức mẹ hiện hình” và chọn mình làm “Sứ điệp” chỉ là do bà bịa đặt; xin dân làng rộng lòng tha thứ…Với đồng bào dân tộc, nói dối và lừa phỉnh như ngày xưa hẳn bà đã bị trừng phạt nặng nề, thế nhưng sự hối lỗi của bà dù muộn cũng đã góp phần mang lại sự yên bình và đấy cũng là lý do để dân làng dung thứ.

Năm 1988, Nhà máy Thủy điện Plei Krông khởi công, gần 800 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Trong khi phần lớn chấp hành chủ trương thì hơn 100 hộ chống đối. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Y Gyin tự phong mình là “Sứ điệp” rồi gieo rắc cái gọi là “Đạo Hà Mòn”.

Với sự tiếp sức của các phần tử cốt cán như A Kach, A Nhang, “đất thánh” Đăk Tăng phút chốc trở thành điểm nóng nhất trong các điểm nóng về an ninh trật tự. Họ đuổi cha xứ, quay lưng với chính quyền, thực hiện sống vô chính phủ. Ai tiếp xúc với cán bộ, nhận giúp đỡ của Nhà nước là có tội. Ốm đau đi bệnh viện là vô ích bởi đã có “Đức Mẹ” chở che. Theo “đạo” Hà Mòn, đi qua bước chân “Đức Mẹ” là hết nợ nần, vi phạm luật pháp được miễn tội… Với sự mê hoặc của “Sứ điệp” và các phần tử cốt cán ấy, dân làng đã “ngộ đạo” và cả mấy năm trời, ngoài việc dành một ít thời gian kiếm cái ăn để tồn tại, họ chỉ dồn tâm sức vào một việc là đọc kinh cầu nguyện để sớm được đến “thiên đường” (!)

Ông Nguyễn Văn Minh -  Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa kể: “Những ngày ấy chúng tôi cứ cảm giác như trong tay có hòn than lửa. Đảng ủy, Ủy ban xã đã lập 4 tổ công tác, ngày nào cũng thường trực ít nhất 3 người ăn ở tại thôn để vận động… Khổ nỗi cứ thấy cán bộ là họ bỏ chạy, một số còn trốn vào rừng. Chúng tôi chủ trương không thuyết phục bằng lý lẽ hành chính mà cảm hóa bằng tình cảm. “Bắt” được ai thì gợi tâm tư, nguyện vọng rồi cởi mở tâm sự như với người thân… Kiên trì như thế suốt cả năm trời, cuối cùng dân làng mới dần tỉnh ngộ. “Giành” được dân đã khó, khó hơn là làm sao cải thiện được đời sống cho họ để củng cố niềm tin. Vực dậy một cái làng tất cả đều thuộc diện nghèo thật vô cùng nan giải… Ủy ban xã chủ trương trước hết lo bố trí đất, xin hỗ trợ giống cây trồng, phân bón để  họ có cái ăn trước mắt. Kế đó là phát động trồng và hỗ trợ các giống cây công nghiệp, chủ yếu là cao su, cà phê để họ có sinh kế lâu dài… Rồi xin thuyền đánh cá, nước sạch, vốn làm ăn… Tạo dựng gần như từ con số “không”, bây giờ Đăk Tăng đã đủ điện – đường – trường – trạm với hơn 20ha cao su, cà phê; hai chục chiếc thuyền đánh cá… Chúng tôi mừng hơn là bà con đã lo làm ăn. Lại chính những người từng là “cốt cán” như A Nhum, A Giáp đang nổi lên như những tấm gương làm ăn cần mẫn… Với đà này, cuối năm 2016, Đăk Tăng sẽ có 8 hộ ra khỏi diện nghèo – một con số khiêm tốn nhưng với Đăk Tăng quả là ý nghĩa”.

Hoàn lương

Ngày 14.3.2015 sau quãng thời gian dài lẩn trốn rồi bị bắt, Y Gyin mới được đặt những dấu chân yên ổn lên đường làng. “Sứ điệp” chỉ bị tòa xử 3 năm tù và được tha trước thời hạn 3 tháng.

img

Bà Y Gyin (trái) nói chuyện với dân làng Kon Gu xã Ngọc Wang – nơi từng là “điểm nóng” của tà đạo Hà Mòn. Ảnh: N.T

Tôi chưa gặp bà, chỉ nghe qua lời kể, rằng Y Ên (tên thường gọi của Y Gyin) thời thanh nữ khá xinh đẹp và thông minh. Điều này đã thật sự được phát lộ khi bà cho ra cái gọi là đạo Hà Mòn rồi tự phong mình là “Sứ điệp”. Dù chẳng biết một chữ bẻ đôi nhưng kinh thánh bà thuộc làu làu; trích dẫn chính xác từng câu từng đoạn. Các tài liệu truyền “đạo” dù được cóp nhặt, nhảy cóc từ kinh thánh nhưng đều được che đậy dưới cái vỏ khá trơn tru… Chính vậy mà chẳng ít “con chiên” đã tin bà là “Sứ điệp” thật. Mỗi lời bà nói ra đều được chép lại hoặc thuộc nằm lòng để đọc trong các buổi nguyện cầu…

Bắt đầu câu chuyện với bà, tôi thấy hơi khó khăn. Gợi những điều “nhạy cảm” thì hẳn bà không muốn kể. Vả chăng tà đạo Hà Mòn đã “tận thế” và vai diễn “Sứ điệp” bà đã tuyên bố trút bỏ thì có lẽ cũng chẳng còn gì để nói. Vài câu chuyện đời thường có thể giúp tôi hiểu bà hơn rằng vì sao từ một con chiên vốn ngoan đạo lại phản chính đạo để dựng nên một tấn kịch u tối, lừa phỉnh được hàng ngàn con người mù quáng tin theo…

Qua những hồi ức nhát ngừng rời rạc, tôi hiểu thời trẻ cuộc sống của bà cũng chẳng mấy êm đềm. Bà Y Gyin sinh năm 1942, lớn lên cả trong chiến tranh, cuộc sống của gia đình bà cũng như hầu hết bà con dân tộc rất gian khó. Nghèo túng quá, trước những năm 1985 bà từng làm “pơ dâu” (thầy cúng) để kiếm chút “lộc” nuôi con. Nghèo chẳng phải là tội và có lẽ cũng chẳng là nguyên cớ để bà cho ra cái “đạo” quỷ cái gây nên hệ lụy nhường ấy cho bà con mình. Nguyên cớ ấy, bà đã khai trước tòa rằng chỉ vì “muốn được làm một người nổi tiếng”, uy quyền như các cha bề trên… Bây giờ thì bà nói thật rằng ý định lập ra một cái “đạo” gì đó để thỏa ước muốn này đã có “ý tưởng” từ những năm 1979.

Mãi cho đến năm 1998 khi Nhà máy Thủy điện Plei Krông khởi công, sự chống đối của một số hộ mới làm nguyên phát lại ý tưởng của bà. Ngay lập tức bà đã tung tin Hơ Moong là “đất thánh, được Đức Mẹ che chở”; ai dời đi là có tội. Rồi thì “Đức Mẹ hiện hình trên bàn thờ nhà mình, chọn mình làm “Sứ điệp”... Có lẽ ban đầu bà cũng không ngờ được rằng tư tưởng của bà đã bị bọn phản động Fulro lợi dụng, đẩy bà mỗi ngày mỗi dấn sâu hơn vào con đường tăm tối… Và kết cục thì danh lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy họa trước hết cho bản thân mình. Chưa nói thời gian phải đi cải tạo, suốt mấy năm liền phải trốn biệt khỏi làng, không dưng bà đã tự biến mình thành kẻ tội đồ. Thấm thía điều này, chỉ hai ngày sau khi được ra tù, bà đã có cuộc nói chuyện với dân làng Đăk Tơre.

Đến nay, bà Y Gyin đã tham gia 4 cuộc vận động tại các làng từng là “điểm nóng” của tà đạo Hà Mòn. Thường bà chỉ nói ngắn gọn rằng: chuyện “Đức mẹ hiện hình” và chọn mình làm “Sứ điệp” chỉ là do bà bịa đặt; xin dân làng rộng lòng tha thứ…Với đồng bào dân tộc, nói dối và lừa phỉnh như ngày xưa hẳn bà đã bị trừng phạt nặng nề thế nhưng sự hối lỗi của bà dù muộn cũng đã góp phần mang lại sự yên bình và đấy cũng là lý do để dân làng dung thứ.

Chuyện vãn, như là cái cớ để chào đi, tôi quay sang hỏi sinh kế hiện tại, ông H’Leo chồng bà nói nhà có 7 sào đất. Từ ngày bà dính “đạo”, nhà cửa chẳng được yên ổn mà làm ăn, cuộc sống khó khăn. Ông Nguyễn Văn Minh tiếp lời, xã đang có kế hoạch tiếp tục giúp đỡ gia đình bà nói riêng và các hộ khác nói chung, ấy là giải quyết đủ đất sản xuất, hỗ trợ vốn, triển khai mô hình đánh bắt cá… Theo ông Minh, trăn trở lớn nhất của ông vẫn là Đăk Tăng và những hộ như bà. Vì nếu không có sự cố này, Sa Nghĩa đã trở thành xã nông thôn mới từ lâu. Vợ chồng bà Y Gyin lắng nghe chăm chú lời của vị chủ tịch xã. Còn tôi, cảm nhận rõ sự xúc động hiện trên gương mặt bà…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem