Lạng Giang (Bắc Giang): Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới
Lạng Giang (Bắc Giang): Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới
Trang Thảo
Chủ nhật, ngày 02/06/2024 12:06 PM (GMT+7)
Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo ra nhiều sản phẩm, khẳng định được lợi thế của địa phương. Phát huy giá trị đó, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang nỗ lực hơn nữa đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới.
Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã triển khai chương trình OCOP từ năm 2018 với mục tiêu phát triển các sản phẩm địa phương, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, chương trình OCOP đã tạo được những dấu ấn tích cực, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra huyện Lạng Giang đã xác định 5 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: nông sản - thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; ẩm thực - đặc sản; dịch vụ du lịch và các sản phẩm khác. Trong đó, nông sản - thực phẩm và thủ công mỹ nghệ là những nhóm sản phẩm chủ lực.
Đến nay, huyện Lạng Giang có 27 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao tập trung ở 18 xã (Quang Thịnh, Mỹ Thái, Tân Dĩnh, Tân Thanh, Nghĩa Hòa, Tân Hưng, Thái Đào, Đại Lâm, Xuân Hương, Tiên Lục, An Hà, Mỹ Hà, Đào Mỹ, Hương Sơn, Nghĩa Hưng, Xương Lâm, Dương Đức, TT Vôi) và có 19 chủ thể là hợp tác xã và hộ gia đình.
Riêng năm 2023, toàn huyện có thêm 04 sản phẩm công nhận mới gồm: Mì gạo Hương Lạc, mật ong Yên Mỹ, thịt chưng mắm tép Quyết Thắng, xôi sắc màu Hương Sơn; 5 sản phẩm công nhận lại là: Đông trùng hạ thảo Adeco, rượu men lá Thủy Thượng, thịt lợn sạch, chả lụa, bưởi Quang Thịnh.
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Lạng Giang sẽ nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận OCOP như: Rượu Thuỷ Thượng, gạo nếp thơm; nấm đông trùng hạ thảo, giò lụa của HTX kinh doanh Thao Thanh và có thêm 10 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đồng thời ưu tiên phát triển các HTX, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% chủ thể OCOP là hợp tác xã; 10% là hộ gia đình cá thể.
Khi triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị, nhằm phát huy sức sáng tạo và nội lực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có sản phẩm được công nhận luôn quan tâm duy trì chất lượng sản phẩm theo quy định của Chương trình OCOP, tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng sao cao hơn.
Anh Lương Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO (xã Đức Dương, huyện Lạng Giang) chia sẻ: Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận, thị trường tiêu thụ hiện đã mở rộng hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của ADENCO cũng đang là 1 trong 8 sản phẩm được đề nghị tham gia bình chọn cấp khu vực và các cấp quốc gia.
"Để có được kết quả này, Công ty đã đầu tư máy móc, lắp đặt phòng làm giống, nuôi cấy luôn duy trì độ ẩm từ 70% - 85% bằng hệ thống phun sương; nhiệt độ từ 18 - 20 độ C và luôn bảo đảm ở trạng thái vô trùng để nấm không nhiễm bệnh. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy sấy thăng hoa giúp giữ lại tối đa hàm lượng dưỡng chất, nguyên sợi, màu sắc và hương thơm đặc trưng. Nhờ đó, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của công ty có chất lượng, hàm lượng dược tính cao, an toàn với người tiêu dùng", anh Tú cho chia sẻ thêm.
Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện Lạng Giang luôn quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP lập phương án và tổ chức phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo đạt hiệu quả; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì. Hỗ trợ kinh phí xây dựng gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội nghị, nhằm giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, Lạng Giang còn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ các tập thể, cá nhân giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đến tay người tiêu dùng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó, không chỉ khẳng định được lợi thế các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Bùi Thị Hương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang chia sẻ: Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, do đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, được thị trường chấp nhận, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tổ chức đánh giá, xếp hạng và đề nghị cấp tỉnh đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp huyện; thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại.
Đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất OCOP nâng cao chất lượng, thiết kế bao bì, tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ rộng hơn.
"Chương trình OCOP đã trở thành một trong những chương trình quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lạng Giang. Với những kết quả đạt được và định hướng phát triển rõ ràng, chương trình OCOP hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những thành công mới cho Lạng Giang trong thời gian tới", bà Lan cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.