Người ta còn bảo, hễ dân Văn Lang (xã Văn Lương, huyện Tam Nông, Phú Thọ) nói mười thì chỉ nên tin một bởi người làng này từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ ai cũng mang trong mình dòng máu hài hước đến tinh nghịch.
Thần tích của làng kể rằng, Vua Hùng thứ 18 một lần vi hành qua làng Văn Lang thấy phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, phì nhiêu nên đã lệnh cho quân thần dựng nhà, lập ấp, khai khẩn làm ăn và đặt tên làng trùng với tên nước lúc ấy. Gặp thiên thời, địa lợi, khí hậu ôn hòa nên khi ấy tất cả những sản vật nông nghiệp của làng đều tươi tốt, chăn gà gà to, nuôi cá cá lớn, ruộng nương lúa tốt bời bời...
Thấy sản vật của làng mình cái gì cũng nhất nên ngay từ lúc đó người dân đã nói khuếch đại thêm để khoe với thiên hạ. Nói nhiều thành... truyền thống mãi mãi về sau này, dân làng Văn Lang lấy tinh thần lạc quan là phương châm sống, lấy tiếng cười của cả cộng đồng để xua đi những nhọc nhằn, vất vả của công việc đồng áng.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phương châm sống ấy đã ăn vào máu thịt, tạo nên tính cách, trở thành đặc điểm riêng biệt của người Văn Lang. Người làng nói khoác và cười cho quên vất vả, lo toan và để nhân lên khát vọng sống.
Nếu một lần về với Văn Lang, bên chén chè xanh, dưới gốc đa đầu đình hay trên cánh đồng đang gặt, giữa buổi cấy hái, ngoài chợ, lúc nghỉ ngơi... bất kể lúc nào chúng ta cũng có thể được nghe những câu chuyện khoác.
Đó có thể là lời lý giải chuyện hạt thóc của làng xưa kia rất to, nửa mảnh vỏ trấu to bằng cái thuyền nan, rồi chuyện xôi của làng dẻo đến mắc cả vào ngọn tre, sắn thì bở đến mức giắt vào cạp váy về đến nhà đã nở bung, rau dền trong làng to như cây cổ thụ, trèo đến chạc ba đã nhìn thấy cột cờ Hà Nội, cây bưởi ra quả to, nặng đến rụng chết trâu bò, nhãn thì cùi dày bổ ngập dao phay...
Giữa xã hội hiện đại những câu chuyện hài hước, tiếu lâm, dí dỏm của dân làng Văn Lang được chắt lọc, lưu truyền tạo nên nét văn hoá đặc sắc, trở thành một "điểm nhấn" khó quên trong không gian văn hóa vùng đất Tổ.
Dân làng Văn Lang hôm nay vẫn đang gìn giữ, phát huy truyền thống lạc quan yêu đời của mình không chỉ trong cuộc sống thường ngày mà còn qua cả những cuộc thi nói khoác cấp làng, lập hẳn một đội văn nghệ để đi biểu diễn khắp nơi nhằm giới thiệu với bạn bè về bản sắc độc đáo của một làng văn hoá. Chẳng thế mà khi khoe về những thành tích của đội văn nghệ làng, người dân ở đây nói rằng số lượng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của đội đạt được có thể chất đầy cả một chiếc... xe bò!
Trương Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.