Làng nghề 300 tuổi ở Thanh Hóa làm thứ gì mà quanh năm chỉ thấy nhiều người lớn tuổi?
Làng nghề 300 tuổi ở Thanh Hóa, quanh năm thấy nhiều người già, giáp Tết cũng chỉ thấy người lớn tuổi
Hữu Dụng
Thứ năm, ngày 15/12/2022 05:05 AM (GMT+7)
Những ngày này, đến làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá đều thấy mọi người tất bật cho ra những mẻ hương mới để phục vụ người dân đón Tết. Làng hương Đông Khê từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống và có tuổi đời hơn 300 năm.
Thời điểm này, làng nghề hương truyền thống Đông Khê, xã Hoằng Quỳ đang tất bật sản xuất phục vụ Tết nguyên đán là vụ tiêu thụ lớn nhất trong năm. Giờ đây nghề làm hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh trong ngày lễ tết, mà nghề làm hương này đã trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất trong dịp tết xuân về.
Các cụ cao niên trong làng kể rằng nghề làm hương nơi đây do cụ Đoàn Nhân Cảnh học được ở vùng ngoại thành Đông Đô (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) đem về dạy cho dân làng. Một số ý kiến khác lại nói ông tổ nghề này là cụ Thượng thư Lưu Đình Chất khi đi sứ nhà Thanh, triều đại Minh Thế Tông đem về truyền lại cho dân làng.
Có truyền thống làm hương qua nhiều đời, gia đình ông Đoàn Văn Mậu, thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá cũng là một trong số ít ỏi những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm hương bằng phương pháp thủ công.
Theo ông Đoàn Văn Mậu cho biết, trước đây, những ngày này cuối năm đến làng Đông Khê là bắt gặp cảnh người trong làng ai ai cũng tất bật, hối hả, nhộn nhịp với công việc làm hương, bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ. Hầu hết mọi người đều sống bằng nghề làm hương, các cụ học nghề, giữ nghề rồi truyền lại cho con cháu. Bản thân ông Mậu ngay từ khi lên 8, lên 10 cũng đã bắt chước ông bà, bố mẹ làm hương rồi bén nghề từ đó.
Nguy cơ mai một dần
Cũng theo ông Mậu, nghề làm hương vốn đã khó nhọc những cũng còn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì ngày nắng mới làm được, thậm chí ngay cả khi trời nắng, hương đang phơi mà bỗng gặp cơn mưa rào, không thu kịp thì mẻ hương đó phải bỏ đi.
Để cho ra một mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, rồi trộn lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo... tạo mùi thơm rất dễ chịu. Hương trầm là loại hương được ưa chuộng nhất không chỉ bởi mùi thơm, mà còn bởi hương cháy đều khi đốt lên, tàn hương uốn vòng lại trên bát hương, báo hiệu những điềm tốt lành.
Mặc dù đã có máy móc thay thế nhưng nhiều công đoạn, các hộ gia đình làng hương làng Đông Khê, xã Hoằng quỳ vẫn làm bằng thủ công từ công đoạn pha chế màu nhuộm cho đến xe hương. Vì vậy mà cây hương nhìn tròn trịa, dẻo và không bị bể.
Xe hương xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Đến khi thắp, hương sẽ cháy đến hết và tàn hương thì uốn cong rất đẹp. Hương của làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ không chỉ có mặt trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh khác, có mặt nhiều ở Bình Dương và Gia Lai.
Các loại hương ở làng Đông Khê chủ yếu là: hương trăm, hương sào và hương thẻ. Nhưng hiện nay nghề làm hương ở làng Đông Khê đang dần mai một, không còn mấy người trẻ mặn mà với nghề hương này, chủ yếu những người có tuổi, phụ nư còn lại ở chốn quê vẫn giữ nghề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.