Trồng sâm bố chính trong chậu như trồng cây cảnh, khi cây nở hoa, cả làng ai cũng trầm trồ
Anh nông dân Bình Định trồng sâm quý trong chậu như trồng cây cảnh, khi cây nở hoa, cả làng ai cũng trầm trồ
Thứ bảy, ngày 24/09/2022 18:47 PM (GMT+7)
Năm 2021, được người em làm tài xế đường dài chạy tuyến Bình Định - Quảng Bình tặng 7 cây sâm bố chính, anh Trần Minh Tâm (SN 1973, ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định, TX An Nhơn, Bình Định) trồng trong chậu với ý định trồng thử trong vườn nhà.
Nhận thấy cây thích nghi nhanh, sinh trưởng khá tốt nên anh Tâm quyết định thuần dưỡng, nhân giống và trồng với quy mô lớn.
Anh Tâm cho hay: Sâm bố chính có vị ngọt, tính mát, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được xem là cây dược liệu quý.
Ngoài việc thu hoạch củ sâm tươi, người trồng có thể tận dụng hoa và lá của cây sâm bố chính đem phơi khô để làm trà uống, hoặc ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe.
"Sau khi trồng thử nghiệm, tôi thấy loại cây này cũng có thể sinh trưởng, phát triển khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Bình Định nên quyết tâm tạo ra lứa sâm bố chính đầu dòng và nhân rộng mô hình của mình”, anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm chăm sóc vườn sâm bố chính của mình của gia đình tại khu phố Kim Châu, phường Bình Định, TX An Nhơn (Bình Định). Ảnh: LÊ NGÂN
Để có thêm thông tin, anh Tâm tìm hiểu trên sách, tài liệu, mạng internet… về đặc điểm, dược tính, cách ươm giống, nuôi cấy, cách chăm sóc, thị trường tiêu thụ của sâm bố chính.
Trải qua nhiều khó khăn, đến nay vườn sâm của anh rộng 7.000 m2 với 17.000 chậu, trong đó có khoảng 5.500 chậu đang đến tuổi thu hoạch.
Theo anh Tâm, khi hiểu được đặc tính thì cây sâm bố chính cũng rất dễ trồng, nhưng để đạt năng suất cao phải có sự đầu tư kỹ lưỡng. Đặc biệt, chú trọng vào khâu làm đất, tránh để mầm bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây.
“Việc chăm sóc cây này không phức tạp, chỉ cần thường xuyên dọn cỏ và tưới nước. Tuy nhiên, do đây là cây dược liệu nên trước tiên phải xác định được nguồn phân bón để đảm bảo không có bất kỳ hóa chất nào tồn dư trong cây sâm sau khi thu hoạch. Mặt khác, cần chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời”, anh Tâm cho biết thêm.
Thời gian thu hoạch sâm từ 8 tháng - 1 năm tuổi, nhưng thời điểm thu hoạch sâm đẹp nhất là khoảng 11 tháng. Sâm củ sau khi thu hoạch được phân thành 4 loại, với giá bán từ 400 - 800 nghìn đồng/kg.
Anh Tâm ước tính, với 5.500 gốc sâm đang đến tuổi thu hoạch (khoảng 0,2 - 0,3 kg/gốc), với giá bán như hiện nay thì anh có lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh Tâm còn cung cấp cây giống cho những hộ dân ở địa phương, với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/gốc, cũng đem về cho gia đình anh Tâm một nguồn thu nhập không nhỏ.
Mô hình trồng sâm bố chính của anh Tâm cũng đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động địa phương, với mức lương 6 triệu đồng/ người/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.