Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.970 làng nghề với hơn 11 triệu lao động (khoảng 24% lao động nông thôn). Tuy nhiên, trong đó chỉ có 12,3% (tương đương 1,3 triệu lao động) được đào tạo nghề.
Thiếu lao động có kỹ thuật
Ông Trịnh Quốc Đạt - Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: “Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay thiếu vắng đội ngũ thợ lành nghề, thợ tạo mẫu, các nghệ nhân cao tuổi ngày càng già yếu, không còn đủ sức để truyền nghề. Đa số lực lượng lao động có trình độ văn hóa và thẩm mỹ chưa cao. Hầu hết chủ hộ sản xuất ở các làng nghề chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường”.
|
Dạy nghề theo mô hình xây dựng làng nghề mới ở Long Biên, Hà Nội. |
Hiện nay, thu nhập của người lao động trong các làng nghề thường cao gấp 2 – 3 lần so với lao động ở các làng thuần nông. Tuy nhiên, để thuyết phục người lao động học nghề và làm nghề là một điều không hề đơn giản.
Bà Hoàng Thị Phương Anh - Giám đốc Công ty TNHH An Huy (An Dương, Hải Phòng) - cho biết thêm: “Lao động trẻ có xu hướng thoát ly, tìm việc làm trong các khu công nghiệp. Vì vậy, để truyền nghề cho 1 người rất khó khăn, giáo viên phải đi lại thuyết phục gia đình, học viên nhiều lần”. Một nguyên nhân nữa khiến những làng nghề truyền thống ngày càng ít thợ giỏi, thợ lành nghề là do việc dạy nghề phần lớn theo cách cầm tay chỉ việc.
Cần một kế hoạch dài hơi
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh ở Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc (Long Biên, Hà Nội), những làng nghề truyền thống muốn phát triển bền vững, trước hết cần phải có đội ngũ thợ giỏi về tay nghề, am hiểu thị trường, có kiến thức kinh doanh. “Muốn có đội ngũ thợ giỏi thì trước hết cần khơi dậy lòng yêu nghề và ý thức tự tôn với những sản phẩm truyền thống của quê hương và đặc biệt phải được đào tạo nghề một cách bài bản”- ông Thỉnh chia sẻ.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Dạy nghề) - cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm 2010, Tổng cục Dạy nghề đã phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp mở thí điểm 119 lớp, đào tạo hơn 2.610 lao động ở 26 nghề truyền thống”.
Từ đầu năm 2010, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức thí điểm 3 mô hình dạy nghề để xây dựng làng nghề mới; đào tạo lao động xây dựng làng nghề gắn với vùng nguyên liệu; đào tạo nguồn nhân lực để phát triển làng nghề. Đến nay, sau 1 năm thực hiện thí điểm, 80% số học viên sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định.
Nhằm đẩy nhanh tỷ trọng lao động làng nghề được đào tạo ở trình độ cao, Quyết định 1956/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu xây dựng 9 trường trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ ở 9 tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống. Các trường này được hỗ trợ đầu tư xây dựng và thiết bị dạy nghề với mức đầu tư 25 tỷ đồng/trường.
Với mục tiêu phát triển nhân lực kỹ thuật cho sự phát triển làng nghề Việt Nam đến năm 2020 và thực hiện Chương trình “Mỗi làng một nghề” thì việc xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng là việc làm hết sức cần thiết.
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: “Để xây dựng nguồn lao động có chất lượng cho các làng nghề thì việc dạy nghề phải được diễn ra trên cả ba cấp độ khác nhau; đào tạo nghề cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề; bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có nghề nhưng tay nghề chưa đủ mức thành thạo để họ trở thành những người thợ giỏi; bổ túc kiến thức khoa học, công nghệ mới cho nghệ nhân để số này cập nhật được những kiến thức mới, công nghệ mới”. Nếu đạt được cả 3 cấp đó thì mới hy vọng các làng nghề Việt Nam vươn xa.
Công Trình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.