TP.HCM "tiếp sức" cho các làng nghề bảo tồn và phát triển

Mai Ánh Chủ nhật, ngày 28/08/2022 12:40 PM (GMT+7)
TP.HCM hiện có 8 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã trở thành nét đặc trưng của mỗi địa phương. Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP đã có những chương trình "tiếp sức" cho làng nghề phát triển.
Bình luận 0

Làng nghề hoa cây kiểng Thủ Đức (TP.HCM) nổi tiếng với nghề trồng mai truyền thống hàng chục năm qua, sản xuất tập trung chủ yếu tại 4 phường, gồm: Phường Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Phước, phường Linh Đông và phường Tam Phú.

Ông Huỳnh Văn Hải, chủ vườn mai Sáu Hải với hơn 40 năm chuyên trồng giống mai giảo cho biết, hiện tại nhiều người trồng mai ở TP.Thủ Đức đã bỏ nghề, tìm hướng đi khác vì chi phí trong việc chăm sóc mai, nhân công, mặt bằng tăng cao. “Hiện, tôi thuê mặt bằng của người quen nên chi phí đỡ hơn một chút, tính thêm chi phí nhân công, chăm sóc mai thì khoảng 27 triệu đồng/tháng”.

Làng nghề truyền thống ở TP.HCM cần tiếp sức về vốn và công nghệ  - Ảnh 2.

Thiếu đa dạng trong mẫu mã, chi phí sản xuất tăng cao khiến sản phẩm số lượng sản phẩm của các làng nghề truyền thống bán ra thị trường giảm mạnh. kéo thu nhập người dân giảm theo. Ảnh: Mai Ánh

Vốn đầu tư của các chủ vườn ở làng mai Thủ Đức chủ yếu đều do tích góp hộ gia đình. "Sự hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi, tôi chưa tiếp cận được", ông Hải cho hay.

Với tuổi đời hơn 100 năm tuổi, làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) chỉ còn 1 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc đơn giản. Đối tượng lao động ở đây chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi vừa làm công tác nội trợ, đồng thời là làm thêm nghề này nhằm cải thiện thu nhập của bản thân cũng như gia đình họ.

Gia đình ông Bùi Xuân Thuận (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM), hai vợ chồng cùng làm nghề đan lát nong, nia bằng tre, trúc quanh năm. Theo ông Thuận: “Ở ấp Mỹ Khánh A, hiện tại số hộ gia đình làm các sản phẩm đan lát thường xuyên còn khoảng 10 hộ, những hộ dân khác tuy làm nghề nhưng chỉ khi có đơn đặt hàng, mối lái gọi mới tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm”, ông Thuận nói thêm. 

Vài năm trở lại đây, một số hộ dân có sử dụng máy để làm công đoạn chẻ nan, tăng năng suất lên gấp 5 lần so với chẻ nan truyền thống, giá mỗi máy hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết mọi công đoạn đều hoàn toàn dựa vào kỹ năng của đôi tay vì thế các cơ sở đan lát ở đây không phát triển về quy mô, số lượng và chủng loại hàng hóa mà còn đứng trước nguy cơ mai một. 

Trồng mai hay làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là một nghề mà nó còn là câu chuyện giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại. Việc khai thác tiềm năng từ các làng nghề truyền thống cùng với việc đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nên các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương góp phần tiếp sức làng nghề ở TP.HCM.

Làng nghề truyền thống ở TP.HCM cần tiếp sức về vốn và công nghệ  - Ảnh 3.

Ông Bùi Xuân Thuận làm nghề đan lát ở xã Thái Mỹ gần 30 năm, để có thu nhập trang trải cuộc sống ông còn chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Ảnh: Mai Ánh


Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết, Sở NNPTNT, Chi cục cùng các huyện đang từng bước tháo gỡ những khó khăn nhằm "tiếp sức" cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống. Tháng 6/2022, TP.HCM đã ban hành Quyết định 1784, kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. TP.HCM vừa tập trung phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống theo xu thế hội nhập vừa bảo tồn được giá trị, bản sắc của nó.

“TP đưa ra các giải pháp hỗ trợ các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển theo hướng kinh tế tập thể, hợp tác xã, các tổ hợp tác; triển khai giải pháp ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ dân đang sản xuất tại làng nghề. TP cũng tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân ở làng nghề”, bà Hoàng Mai chia sẻ thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem