Làng quan họ ở bờ bắc sông Cầu

Chủ nhật, ngày 14/08/2011 14:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ cách con sông Cầu mà con đường về với quan họ ở bờ bên này dường như xa hơn. Bên kia sông, quan họ ở Bắc Ninh đã vang danh, bên này sông, làng quan họ Trung Đồng (Bắc Giang) cũng đang cố gắng “gìn vàng giữ ngọc”...
Bình luận 0

Từ trung tâm Hà Nội theo con đường rải nhựa khoảng hơn 50km về phía Bắc, đình làng Trung Đồng (xã Vân Trung, huyện Việt Yên) to đẹp đã hiện ra trước mắt. Với chúng tôi, không khó khăn gì để tìm hiểu về quan họ Trung Đồng - môn nghệ thuật đã gắn liền với đời sống người dân trong làng hàng trăm năm qua.

Làng cổ yêu quan họ

Theo các nghệ nhân quan họ trong làng thì quan họ từ khi xuất hiện ở Trung Đồng đến giờ đã trên 200 năm. Dân làng Trung Đồng có nguồn gốc ở Quả Cảm, Bắc Ninh. Vào thời Trần, bà Hoàng Phi - vợ Vua Trần Anh Tông đã tâu với Vua xin cho khai hoang lập ấp ở đây và Trung Đồng trở thành ngôi làng bên bờ sông Cầu từ đó.

img
Các nghệ nhân quan họ làng Trung Đồng.

Cụ Hoắc Công Tào năm nay đã 90 tuổi, kể lại: “Từ xa xưa, ở Trung Đồng đã có nhiều thế hệ “nghệ nhân” tiếp nối nhau hát quan họ. Lúc nhỏ tôi đã thấy các ông, bà, bố mẹ và người trong làng đi hát. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, các cụ trong làng vẫn còn đi hát bọn, hát thi giao lưu ở các hội làng trong huyện và cả hội làng Diềm, làng Chấp bên tỉnh Bắc Ninh...

Các cụ cao niên còn nhớ lớp các cụ bà (đã qua đời) nổi tiếng hát hay như bà Bánh, bà Hẹn, bà Binh, bà Đà... Đặc biệt là bà Bánh nổi tiếng vì “biết đủ lối, thuộc đủ câu” quan họ. Lớp người cao tuổi kế tiếp hiện ở độ tuổi 78-80 như bà Hoàng Thị Ngoan, Vũ Thị Sáu, Nguyễn Thị Nhung, Hoàng Thị Trướng, Vũ Thị Thiểm… đang là những người gánh nặng trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những làn điệu dân ca quan họ cho làng”.

Ông Hoắc Công Chờ bày tỏ: “Tôi chỉ mong Nhà nước có chế độ trợ cấp cho các nghệ nhân quan họ trong làng Trung Đồng nói riêng và quan họ cả nước nói chung để họ có thêm niềm động viên, tiếp tục dạy và phát triển loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Thuộc lớp người cao tuổi ở làng Trung Đồng hiện nay có ông Hoắc Công Chờ đã hơn 75 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, hát được rất nhiều làn điệu quan họ theo lối cổ. Từ năm 1964, ông đã dạy hát quan họ cho nhiều người của làng, của xã cũng như các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Ông Chờ cũng chính là người sáng lập CLB quan họ Trung Đồng vào năm 2006. Vốn là người yêu nghệ thuật, lại sinh ra trong gia đình có truyền thống quan họ trong làng, thấy quan họ mất dần bản sắc, ông luôn trăn trở: "Chẳng lẽ đến đời con, đời cháu của mình, quan họ chỉ còn là hoài niệm?". Từ đó, ông bắt tay vào sưu tầm, chép lại lời hát cổ của quan họ rồi tập hợp những người hát hay trong làng để thành lập CLB.

“Liền anh” 9 tuổi

Ngày trước, CLB có tất cả 50 thành viên nhưng hiện giờ, do một số người không còn, một số người không thể theo được đành phải nghỉ nên chỉ còn lại 32 thành viên. “Trước đây, cũng có 4-5 cháu thiếu niên theo học, nhưng được một thời gian thì thấy khó và cứ rút dần, tôi cố gắng đến từng gia đình động viên các cháu nhưng vẫn không làm sao để các cháu quay lại với quan họ” - ông Chờ lo âu.

img
Chỉnh sửa cho cháu gái trước giờ vào canh hát.

Chồi non quan họ của làng mới được phát hiện là em Hoàng Đại Dương, 9 tuổi. Là liền anh nhỏ tuổi nhất, cũng là người duy nhất trong số thiếu niên theo học quan họ từ ngày đầu thành lập CLB, đến giờ, Dương đã thuộc, hát khá thành thục nhiều bài quan họ. Cậu cũng là niềm hy vọng của CLB Trung Đồng. Năm 2010, Dương đã giành được giải Nhì hát đơn ca tại Hội thi “Tự hào quan họ quê em”. “Em mong học thêm được nhiều làn điệu và có thể truyền lại cho những thế hệ sau để không phụ lòng mong mỏi của các ông bà đã dày công chỉ dạy” - Dương nói.

Nói về tương lai của ca trù, ông Chờ cho rằng để nó tồn tại và phát triển, điều quan trọng nhất là có sự chung tay, góp sức không chỉ của quần chúng nhân dân mà cả của cơ quan Nhà nước với những chính sách đầu tư, hỗ trợ.

Hy vọng với sự nhiệt thành, tâm huyết của những người con quê hương và sự quan tâm của các cấp, quan họ Trung Đồng sẽ được phục dựng như ngày xưa, để mãi xứng danh với câu ca lưu truyền trong vùng: “Vẳng nghe tiếng hát Trung Đồng/Phượng Hoàng cũng muốn sổ lồng mà ra/Nữa là đôi lứa chúng ta/Yêu nhau cái nết mặn mà vẫn duyên”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem