Làng sớm tối đều say xỉn: Gọi nhau đi uống rượu từ 5 giờ sáng

Đăng Nhật Chủ nhật, ngày 30/10/2016 06:13 AM (GMT+7)
5 giờ sáng, khi con gà vừa dứt tiếng gáy, người làng Đê Bờ Tưk, xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang (Gia Lai) đã í ới gọi nhau nhưng không phải để ra đồng làm việc mà đi “ét-tờ-rô” (uống rượu).
Bình luận 0

Sáng say, chiều xỉn

Cách TP.Pleiku 50km về hướng bắc, làng Đê Bờ Tưk nằm lọt thỏm giữa đồi núi mênh mông với 99%  đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Con đường dẫn vào làng, hai bên  cánh đồng lúa vàng ươm đang vào vụ thu hoạch. Thế nhưng trái ngược với cảnh no ấm ngoài kia, trước mắt chúng tôi là ngôi làng Đê Bờ Tưk hoang tàn đến khó tin.

img

Tại làng Đê Bờ Tưk, ngày thường chỉ có phụ nữ và trẻ em lên rừng hái củi, còn đàn ông ở nhà uống rượu.  Ảnh: Đ.N

Thầy Bùi Trung Kì - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Jơ Ta: Vì cha mẹ uống rượu nhiều quá, các em xấu hổ với bạn bè không dám đến trường. Chúng tôi nhiều lần đến vận động học sinh ra lớp, thấy thầy cô đến cửa trước, học sinh chạy trốn cửa sau, còn bố mẹ say nghiêng ngả, chẳng còn biết vận động làm sao. 

Nhà cửa ở đây đa phần là nhà tạm lụp xụp, hiếm hoi lắm mới thấy một căn nhà gạch. Gặp mấy người phụ nữ đang gùi củi về nhà, chúng tôi hỏi chồng con ở đâu mà phải đi làm một mình, họ đều chung câu trả lời “Nó đi uống rượu trong làng rồi”.

Theo sự chỉ dẫn của các bà vợ, chúng tôi tìm đến căn nhà sàn gỗ xập xệ, nằm sau lưng lớp mẫu giáo của làng. 5 con người cả đàn ông lẫn đàn bà đang ngồi túm tụm uống rượu. Thấy có người lạ ghé thăm, một người đứng dậy ra cửa gọi “ét - tờ-rô, ét - tờ - rô” rồi chạy ra kéo vào nhà. Sau khi uống 3 ly làm “luật” để nhập tiệc, chúng tôi hỏi tên chủ nhà, được một thanh niên tự giới thiệu tên là Rượu (30 tuổi). Nói rồi, Rượu cầm bì nylon đựng rượu loại 1 lít giơ lên và giới thiệu những người đang ngồi xung quanh gồm: Vợ, cha nuôi, anh trai và hàng xóm.

Được biết, hai vợ chồng Rượu cưới nhau đã lâu mà không có con. Nhà cũng chỉ có 2 đám ruộng, thu hoạch đủ ăn khoảng 1 tháng. Thỉnh thoảng anh có đi rừng để kiếm củi, thời gian còn lại ở nhà uống rượu: “Có khi uống nhiều ngày liên tục, cứ say ngủ xong dậy lại uống tiếp. Bây giờ tay run luôn rồi. Vợ mình cũng biết uống đấy, nó già hơn mình, uống rượu nhiều hơn cả mình nữa” -  Rượu nói như khoe.

Ngồi một góc nhà sàn là anh Rinh – anh trai Rượu. Rinh mới 43 tuổi nhưng đã lọm khọm như cụ già 60. Anh cười khoe hàm răng chiếc còn chiếc mất góp chuyện:  “Hôm trước mình uống rượu ở nhà cha nuôi, 5 người uống hết 2 lít rượu. Khi ra về bị trượt chân cầu thang, gãy mất thêm 6 cái răng…”.

Bần cùng cũng vì rượu

Theo bà Sáu – chủ một tiệm tạp hóa trong làng, mỗi ngày  bà bán được khoảng 13-17 lít rượu. Những ngày trong làng có cưới xin, lễ hội thì rượu bán ra có thể đến cả trăm lít.

“Nhiều lúc không muốn bán nhưng họ nài nỉ quá cũng phải bán. Họ cứ uống say, trưa ngủ rồi chiều tỉnh lại đi mua rượu uống tiếp. Làng này không có gạo cũng được chứ hết rượu, không chịu được đâu” – bà Sáu kể.

Ông Lê Hồng Tá - Trưởng trạm Y tế xã Đăk Jơ Ta cho biết thêm: Hàng năm khám tuyển nghĩa vụ quân sự, thanh niên làng Đê Bờ Tưk không một ai trúng tuyển. Tất cả đều là do rượu.

 Làng Đê Bờ Tưk đang “bần cùng toàn diện” vì rượu là một sự thật.. Ông Đinh Văn Trứ - Chủ tịch UBND xã Đăk Jơ Ta thừa nhận, nạn rượu chè ở làng Đê Bờ Tưk là một vấn đề nan giải đối với chính quyền xã. Cả tỉnh này có lẽ chẳng có làng nào mà 139 hộ thì có tới 129 hộ nghèo; 4 hộ cận nghèo và 6 hộ mới thoát nghèo. Hàng năm, xã cũng tổ chức đưa bà con đi tập huấn cách làm ăn. Các phòng chuyên môn của huyện đã xuống tận làng vận động nhưng xong rồi đâu lại vào đấy. “Nhiều khi tổ chức họp dân, cán bộ 5 giờ sáng đã xuống tận làng, họ vẫn ngủ. Đến 6 giờ quay lại, nhiều người đã say ngất ngư rồi, còn tuyên truyền, vận động thế nào được nữa?” – ông Trứ than. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem