Lạng Sơn: Ốc đảo Xuân Lũng "đợi" một cây cầu

Tuấn Minh - Mộc Trà Thứ tư, ngày 10/06/2020 09:27 AM (GMT+7)
Cứ vào mùa mưa lũ hằng năm, người dân thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) lại nơm nớp lo sợ bởi nơi đây sẽ như một "ốc đảo". Vì vậy, nhiều năm nay, người dân vẫn luôn khao khát 1 cây cầu cứng để cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Bình luận 0

"Ốc đảo" Xuân Lũng "khát" một cây cầu

Sống giữa "ốc đảo"

Nhiều năm nay, thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) được ví như một "ốc đảo" vì bị cô lập vào mùa mưa lũ. 

Con đường chính nối giữa thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung) với thôn Nà Lốc (xã Khánh Khê, huyện Văn Quan) để tới trung tâm TP.Lạng Sơn thường xuyên bị ngăn cách bởi dòng nước siết của sông Kỳ Cùng, bởi vậy người dân đã khó lại càng khó.

Ông Tôn Văn Bôi (thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Ở đây nhà nào ít người cũng có 2 xe máy, nhiều người phải 3 - 4 cái để thay nhau đi. Bởi 1 xe đi từ nhà xuống đến cầu rồi gửi lại, sau đó đi bộ qua cầu, rồi mới lấy xe gửi nhờ bên này sông đi chợ mua bán, đi công việc...

Có bao thóc, bao ngô, muốn mang đi bán cũng phải "cõng" qua cầu tre này. Muốn làm nhà cũng phải chuyển từng bao xi, từng viên gạch, viên ngói qua cầu để làm nhà. Vất vả lắm!".

"Ốc đảo" Xuân Lũng "khát" một cây cầu - Ảnh 2.

Hằng ngày, học sinh phải đi học qua cây cầu ghép bằng tre này.

"Vì sông sâu cách trở, nên muốn làm ăn, phát triển kinh tế là rất khó. Xe máy còn phải gửi mấy chặng nữa là ô tô về đến làng. Đường sá đi lại vất vả, bà con có nông sản gì bán, thương lái qua thu mua cũng bị bóp giá. 

Bình thường đã thế, khi mùa lũ về lại thêm vất vả trăm bề. Nước sông Kỳ Cùng dâng cao, cầu ngập, nước siết, hàng trăm hộ dân lại bị cô lập, cháu nhỏ nghỉ học, người lớn nghỉ làm, cuộc sống lúc đó chỉ còn cách tự cung tự cấp," ông Bôi cho biết thêm.

"Ốc đảo" Xuân Lũng "khát" một cây cầu - Ảnh 3.

Thời điểm nước sông lên khiến cầu bị ngập, người lớn nghỉ làm, trẻ con nghỉ học.

Ông Vy Văn Phượng (thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cũng cho biết, trước đây cũng có cầu làm bằng bê tông nhưng nhỏ và thấp nên thường xuyên bị ngập nước. Sau này, do đắp thêm đập để đưa nước lên ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sông lại càng dâng cao. 

Từ đó, để vượt sông, mỗi gia đình đều tự dùng cây tre kết lại thành bè mảng. Tuy nhiên việc dùng bè mảng qua sông tốn nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy hiểm nên người dân đã đóng góp tre, xin dây cáp điện hỏng của viễn thông rồi ghép các mảng tre lại tạo thành cây cầu.

“Hàng chục năm nay, bà con thôn Xuân Lũng đã quen với việc vượt sông bằng “cầu nổi”. Mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy siết hơn nên dây cáp thường bị đứt gây chia cắt hai bờ, Xuân Lũng lại bị cô lập như 1 ốc đảo" ông Phượng cho hay.

"Ốc đảo" Xuân Lũng "khát" một cây cầu - Ảnh 4.

Hàng chục năm nay, người dân nơi đây đã có ý kiến mong được Nhà nước quan tâm đầu tư cây cầu để việc đi lại đỡ vất vả hơn.

Người dân cho biết thêm, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, người dân phải tháo nút nối ở giữa của cầu tre để thả tự do dọc 2 bên bờ. Sau khi nước rút, thanh niên trong làng kéo nối cầu lại. Ngoài con đường chính này, người dân chỉ có thể ra trung tâm xã bằng cách đi bộ 4- 5km đường đồi.

Hy vọng sớm có cây cầu

Anh Vy Văn Thưởng (Trưởng thôn Xuân Lũng) cho biết, Xuân Lũng hiện có 67 hộ với hơn 315 nhân khẩu. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, với trên 30 hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều năm nay, bà con vẫn đi lại trên cây cầu được ghép lại từ những cây tre tạm bợ, đi lại hết sức khó khăn.

Vào mùa mưa lũ nước sông dâng cao, người dân chỉ bất lực đứng trên bờ đứng nhìn dòng nước đục ngầu cuộn chảy. Vào những hôm họp chợ phiên, dù nhà hết mỡ, hết mắm muối nhưng nhìn dòng nước chảy siết thì chẳng ai dám đánh liều chèo bè vượt sông. 

Mỗi lần như vậy cũng phải 4 - 5 ngày nước mới xuống, việc liên hệ với bên ngoài chỉ thông qua điện thoại. Nên nhiều năm nay, bà con nơi đây luôn mong mỏi có 1 cây cầu thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán.

Anh Thưởng cũng cho biết thêm, đầu tháng 6 vừa qua, UBND xã Bình Trung có tổ chức lấy ý kiến người dân, tuyên truyền vận động người dân hiến đất xây cầu. Người dân Xuân Lũng đang rất phấn khởi ủng hộ và hi vọng cây cầu sẽ sớm được khởi công xây dựng.

"Ốc đảo" Xuân Lũng "khát" một cây cầu - Ảnh 5.

Cây cầu tre bắc qua sông vừa nguy hiểm cho việc đi lại, vừa là điểm trôi nổi nhiều rác thải, xác động vật gây ô nhiễm môi trường.

Được biết, trước đây đã có đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải về khảo sát xây dựng cầu cứng tại đây. Tuy nhiên, việc xây dựng không khả thi do địa hình khó khăn và thiếu kinh phí.

Đến năm 2017, Tổng cục Đường bộ đã chấp thuận bổ sung danh mục cầu dân sinh vượt sông Kỳ Cùng đoạn qua thôn Xuân Lũng với hình thức cầu treo.

"Ốc đảo" Xuân Lũng "khát" một cây cầu - Ảnh 6.

Hằng ngày, người lớn, trẻ em dắt díu đưa nhau đi học qua cây cầu này.

Trao đổi với Dân Việt, ông Vương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: "Theo kế hoạch, trong tháng 6, chậm nhất là tháng 7/2020 sẽ tiến hành khởi công xây dựng cầu đi lại cho bà con thôn Xuân Lũng. Bà con nơi đây đang hi vọng và mong chờ sẽ sớm có cây cầu đi lại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem