Tuyên Quang: Bà Chủ tịch nuôi ngựa trắng, ông Chủ tịch nuôi trâu đen, cả 2 đều giàu lên ở Khau Tình
Thứ hai, ngày 08/02/2021 13:02 PM (GMT+7)
Ở xã Khau Tinh - nơi khó khăn nhất của huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) ngoài những câu chuyện về làm rau trái vụ, làm cao chanh của bà con dân tộc Mông, Tày, Dao, chúng tôi còn được nghe người dân kể về những câu chuyện nêu gương làm giàu chính đáng từ cán bộ lãnh đạo của xã.
Từ những tấm gương làm kinh tế giỏi của cán bộ xã Khau Tình (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã giúp người dân nơi đây thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn làm theo để từ đó vươn lên thoát nghèo.
Những câu chuyện làm kinh tế giỏi của cán bộ xã được khởi nguồn từ khát khao vượt ra khỏi cái nghèo đã đeo bám bà con từ nhiều đời.
Anh La Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã là người tiên phong trong thôn Khâu Tinh nuôi trâu vỗ béo theo hướng sản xuất hàng hóa.
Lúc nuôi nhiều, đàn trâu của gia đình anh lên tới 25 con trâu. Mỗi năm từ nuôi trâu vỗ béo, gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi nhím, 400 con gia cầm.
Anh Chuyên kể: "Trước đây, gia đình mình cũng nghèo lắm, mỗi năm chỉ nuôi từ 1 đến 2 con trâu để lấy sức kéo. Trâu chủ yếu nuôi thả rông trên đồi. Có năm rét, trâu còn không có cỏ để ăn. Khi Đảng ủy xã có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi từ nuôi gia súc thả rông sang nuôi nhốt, vỗ béo và nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mình đi vận động bà con ban đầu cũng khó khăn lắm, không hộ nào phản đối nhưng cũng không có hộ nào mạnh dạn chuyển đổi...".
"Mình nhận ra, bản thân mình phải làm trước, mình phải giàu đã, thoát được cái nghèo rồi mới nói được nhân dân”.
Nghĩ là làm, anh Chuyên quyết định vay mượn để xây dựng chuồng trại, mua thêm trâu về nuôi và trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn trâu.
Năm đầu tiên anh nuôi 4 con, bán đi trả được nợ ngân hàng, anh quyết định đầu tư nuôi nhiều hơn. Thấy có hiệu quả, anh vận động nhân dân trong thôn, trong xã làm theo.
Tấm gương anh Chủ tịch Hội Nông dân tiên phong nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo quy mô lớn cứ thế được bà con truyền tai nhau để học tập.
Thôn Khâu Tinh bây giờ có 400 con trâu, một nửa số hộ nuôi trâu đã chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo. Ngoài thôn Khâu Tinh, các thôn khác cũng học tập theo mô hình của anh Chuyên.
Ông Phùng Văn Dinh, dân tộc Mông, thôn Khau Phiêng cũng nhờ học tập mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Chuyên mà giờ có kinh tế và thu nhập khá giả.
Bình quân, gia đình ông Dinh lúc nào cũng có 10 con trâu trở lên. Ông Dinh nói: “Trước đây mình chẳng bao giờ nghĩ đến nuôi trâu vỗ béo, chỉ nghĩ nuôi trâu để cày kéo. Giờ gia đình mình đã ổn định cuộc sống hơn từ chăn nuôi trâu”.
Bất kỳ ai đến Khau Tinh cũng không thể không ghé thăm mô hình nuôi ngựa bạch thương phẩm của Chủ tịch Hội LHPN xã Lý Thị Thập. Từ mô hình nuôi ngựa bạch của gia đình chị, đến nay đã tuyên truyền, vận động được 5 hộ thực hiện.
Tốt nghiệp ngành chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông nghiệp, chị Thập luôn trăn trở làm sao để giúp nhân dân thoát nghèo.
Chị là người đầu tiên nuôi ngựa thường ở Khâu Tinh. Nhưng nuôi được vài năm, chị chuyển sang nuôi ngựa bạch thương phẩm.
Mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng từ bán ngựa bạch thương phẩm. Giờ gia đình chị có hai ngôi nhà xây khang trang.
Ngoài ra chị còn nuôi 6 con trâu vỗ béo. Từ mô hình của gia đình, chị đã hỗ trợ 2 hội viên phụ nữ trong xã về kỹ thuật chăn nuôi ngựa bạch. Theo chị Thập, nuôi ngựa bạch lãi cao nhưng cần phải có vốn đầu tư lớn. Chị mong sao, chính quyền cấp trên có sự hỗ trợ để những người dân trong xã được tiếp cận với nguồn vốn để chăn nuôi ngựa bạch.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của chị Nông Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã ở thôn Khau Phiêng. Ngoài thời gian làm việc ở xã, chị Nhung còn tranh thủ thứ 7, chủ nhật phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, gia đình chị có gần 1.000 cây cam, bưởi, táo. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu hoạch 3 năm.
Gia đình chị đã hỗ trợ 7 hộ trong thôn kỹ thuật trồng cây ăn quả. Giờ đây, ngoài chăn nuôi gia súc để tăng thu nhập, người dân ở Khau Tinh còn trồng cây ăn quả để thâm canh đất đai.
Ông Phùng Văn Hồng, thôn Khau Phiêng cho biết, trước đây, diện tích đất đồi của gia đình ông chủ yếu trồng sắn, ngô. Nhưng khi được chị Nhung vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 200 gốc cây cam, bưởi. Năm vừa qua, cây ăn quả của gia đình ông đã cho thu hoạch, thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Việc cán bộ xã gương mẫu, tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới phương thức sản xuất đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân. Đồng chí Hoàng Văn Ba, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Tinh cho biết, những tấm gương làm kinh tế giỏi của cán bộ xã chính là những điển hình để bà con nhìn vào đó học tập, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.