Làng trồng hoa lớn nhất Nam Định xuống giống kiểu phập phù, được ăn mất chịu, đỏ mắt tìm cây giống
Làng trồng hoa lớn nhất Nam Định xuống giống kiểu "phập phù, được ăn mất chịu", đỏ mắt tìm cây giống
Mai Chiến
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 08:12 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, người trồng hoa, nhất là trồng hoa cúc Tết ở xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đang tập trung tái thiết, khôi phục sản xuất sau bão lũ. Tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn về cây giống, vốn đầu tư…Làng trồng hoa lớn nhất Nam Định đang trong tình trạng trồng cứ trồng, "được ăn mất chịu"...
Cơn bão Yagi và trận lũ lụt lịch sử xảy ra vào những ngày giữa tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho làng hoa Mỹ Tân - làng trồng hoa lớn nhất tỉnh Nam Định. Hàng trăm ha hoa tươi của người dân bị "chìm" sâu trong biển nước.
Sau khi nước rút, mặt ruộng trở lại, nhưng toàn bộ diện tích hoa tươi của người dân đã bị thối rễ, rụng lá, trơ trọi thân, đất bùn bám chặt. Ít ngày sau đó, người dân tranh thủ thu dọn vườn tược, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Ông Trần Đức Được (thôn Hồng Hà, xã Mỹ Tân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) chăm sóc những luống cúc Tết mới trồng. Ảnh: Mai Chiến.
Trở lại làng hoa lớn nhất tỉnh Nam Định sau hơn 1 tháng bị bão Yagi, lũ lụt tàn phá, chúng tôi nhận thấy những mầm xanh đã lú nhú trở lại mặt ruộng. Bà con nông dân nơi đây đang tập trung tái thiết, khôi phục lại sản xuất.
Hằng năm, gia đình ông Trần Đức Được (thôn Hồng Hà, xã Mỹ Tân) canh tác 7 sào hoa cúc. Trận lũ lụt lịch sử vừa qua đã nhấn "chìm" toàn bộ diện tích hoa cúc của gia đình ông, gồm hoa giống và hoa thương phẩm sắp cho thu hoạch. Ước tính thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Mặc dù thiệt hại kinh tế nặng nề, song ông Được không nản lòng. Ông cùng người thân trong gia đình nhanh chóng xuống vườn cải tạo lại đất, phơi ải và tìm nguồn giống để tái sản xuất trở lại, ổn định cuộc sống.
Ông Được cho hay, do ảnh hưởng của bão lũ nên diện tích cây giống của gia đình ông bị chết sạch. Để có nguồn cúc giống, ông đã chủ động liên hệ với nhiều đầu mối ở miền Nam, thế nhưng nguồn giống rất khan hiếm, có tiền cũng không mua được.
"Hiện nay, gia đình tôi mới trồng được khoảng 2 sào hoa cúc, còn lại diện tích đã làm luống, chờ mua được cây giống thì mới trồng tiếp. Trường hợp, không mua được cúc giống thì tôi sẽ trồng rau màu, kiếm nguồn thu tạm thời", ông Được tâm sự.
Cách đó không xa, ông Trần Văn Biên (thôn Hồng Hà, xã Mỹ Tân) cũng đang tranh thủ làm đất, kéo luống để cấy thêm rau màu, vì không mua được cúc giống về trồng. Gia đình ông có 8 sào ruộng, hiện mới trồng được gần 3 sào hoa cúc các loại.
Ông bảo, trước đây gia đình ông vừa tự sản xuất cây giống để phục vụ cho gia đình, vừa trồng hoa thương phẩm để bán cho thương lái. Tuy nhiên, bão lũ đã khiến gia đình ông mất trắng, toàn bộ diện tích hoa giống, hoa thương phẩm bị chết hết.
"Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục trồng thêm ngô để tránh lãng phí nguồn đất đai, kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống", ông Biên vừa cào đất, vừa chia sẻ với chúng tôi.
Khó chồng khó, nhà nông trồng hoa Tết xoay sở đủ kiểu
Dẫn chúng tôi đi xem những luống hoa cúc đã trồng cách đây hơn nửa tháng, ông Trần Đức Được tân sự, sau bão lũ, nguồn cúc giống ở ngoài Bắc khan hiếm, ông phải mua lại giống của vùng hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Thế nhưng, tỷ lệ cây giống sống không được cao.
Nguyên nhân được ông Được cho rằng, do cây giống không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Và, sẽ phải mất thời gian rất dài thì giống cúc Đà Lạt mới thuần, hợp với vùng đất Mỹ Tân.
"Dù biết là cây giống không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, nhưng chúng tôi vẫn bắt buộc phải sử dụng vì không tìm đâu ra được nguồn cúc giống nữa. Hy vọng, thời gian tới, những luống hoa mới trồng của nhà tôi phát triển tốt", ông Đức rầu rĩ.
Khi được hỏi về giá cúc giống, ông Đức chia sẻ, thời gian qua, cúc giống tăng chóng mặt, cao gấp 3 - 4 lần so với thời điểm cách đây 2 tháng. Nếu như, trước đây giá cúc giống chỉ dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/vạn gốc, nay tăng lên từ 5 - 5,5 triệu đồng/vạn gốc. Nhiều gia đình không mua được cúc giống.
Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, khiến người trồng hoa ở Mỹ Tân khó khăn lại càng thêm khó khăn. Họ hy vọng sớm được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, cây giống sản xuất, đặc biệt mong ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ, chậm đóng lãi để có động lực tái thiết sản xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Bùi Như Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho hay, hiện nay người dân đang gặp khó khăn "khép". Đó là thiếu nguồn cúc giống và thiếu vốn đầu tư.
Chiều ngày 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực địa việc ứng phó mưa lũ tại xã Mỹ Tân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.
Ông Tuyến phân tích, do ảnh hưởng của bão lũ, toàn bộ diện tích cúc giống ở địa phương bị mất trắng, do đó người dân phải tìm kiếm nguồn cúc giống ở miền Nam. Song, do không hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cúc phát triển kém, phần nào cũng ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng hoa tươi.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ bà con nông dân bị ảnh hưởng do bão lũ, lãnh đạo xã Mỹ Tân thổ lộ: Địa phương đã làm văn bản gửi chính quyền các cấp xin cơ chế hỗ trợ về giống, vốn đầu tư sản xuất cho người dân.
Hiện, UBND thành phố Nam Định đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ giống rau màu cho địa phương, để phân bổ cho người dân sản xuất, ổn định cuộc sống.
"Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với các ngân hàng, xin giãn nợ, chậm thu lãi cho bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề sau bão lũ. Nhìn chung, các ngân hàng đều đồng ý", ông Tuyến nói và chia sẻ thêm, đây là nguồn động lực để người dân sớm ổn định tâm lý, tích cực tham gia sản xuất, khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Tân, cơn bão Yagi và lũ lụt lịch sử đã gây ngập lụt hơn 230 ha hoa, ước tính thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.