Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 15/8, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đã đặt vấn đề, để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện việc nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, dư luận cho rằng nên thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt... Trước đề xuất này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình ngay tắp lự: “Đây là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu được, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm thí điểm...”.
Nghe qua thì thấy người nêu vấn đề có vẻ dễ ợt, mà không ngờ "quả bóng" không khéo lại đá "phản lưới nhà" (!?).
Bởi nghĩ lại, việc đó không dễ thực hiện tại địa phương bà Thuỷ công tác và cả nhiều địa phương, bộ, ngành khác.
Trong thực tế, một tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long khác là Đồng Tháp đã tiến hành cách làm này, không cần phải trung ương có lời đề xuất. Và họ làm khá tốt, nhưng ít ai biết.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đi xe máy dễ dàng tiếp cận dân, quan sát xung quanh... Ảnh: Dân trí
Không chỉ có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đi xe máy đến nơi làm việc mà còn có nhiều cán bộ sở, ngành khác cũng noi theo. Lẳng lặng, âm thầm. Thế mới biết, vai trò đi đầu của lãnh đạo cao nhất ở mỗi địa phương lớn tới độ nào và lan toả ra sao.
“Việc này được lãnh đạo và các cán bộ tỉnh Đồng Tháp thực hiện cả chục năm qua và trở thành thói quen thường ngày". Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đã tự đi xe máy đến chỗ làm từ khi còn làm Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh. “Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ chỗ nào cũng được, dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con. Bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày…”, ông Dương nói.
Nhưng việc này không được nhiều địa phương hưởng ứng và ngẫm kỹ thì cũng không phải địa phương nào cũng có điều kiện phù hợp để thực hiện. Cũng không đến mức bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh phải đi xe máy, xe buýt mới là nêu gương, là gần dân, tiết kiệm ngân sách, giảm ách tắc giao thông… Bởi ở nhiều nơi, nhất là những thành phố trung ương, đô thị đông đúc, đi xe máy, xe buýt có khi còn mất thời gian, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của người đi hơn.
Mà chưa nói đến đi xe máy, xe buýt, một chủ trương hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, dễ thực hiện hơn, được dư luận và nhân dân đồng tình, là khoán xe công, có hẳn Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn.
Nếu tính từ nhiệm kỳ Quốc hội của vài khoá trước, khi Nghị quyết Khoán xe công được thông qua, duy chỉ có ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là chịu đăng ký đi xe ôm đi làm ngay giai đoạn đó trước những lời khen tiếng chê đủ cả!
Vì thế, việc đại biểu Thuỷ nêu có lẽ sẽ là dịp tốt để Bộ trưởng Thể vui mừng, không cần đến mức lãnh đạo đi xe máy đi làm, mà chỉ cần thực hiện tốt việc khoán xe công sau nhiều năm các địa phương, bộ, ngành nói mà không làm.
Nên chăng, trên tinh thần cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ để lại di chúc thiêng liêng, thì đây là thời cơ tốt để các quan chức cấp cao, từ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống hãy đồng tình hưởng ứng việc khoán xe công, xem như là một việc thiết thực, cụ thể để học tập và làm theo tinh thần đạo đức, tác phong, lối sống tiết kiệm, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ đó, toàn dân sẽ có dịp thấy bộ máy lãnh đạo đã có chuyển động thiết thực, học Bác là để “hành”, không giáo điều chung chung.
Với việc khoán xe công, Bộ Tài chính ước tính lượng xe công sẽ giảm rất lớn, như mục tiêu Chính phủ đặt ra là số lượng xe công sau năm 2020 sẽ giảm khoảng 30-50% so với hiện nay.
Nhưng phải nói thẳng, không có nhiều địa phương hưởng ứng việc này như mong muốn. Tình trạng các bộ, tỉnh, thành thừa xe công theo quy định mới nhưng vẫn xin trang bị thêm xe công vẫn còn xuất hiện. Nguyên nhân là do họ đưa xe cũ vào danh mục xin thanh lý sớm hơn so với quy định. Đây là điều rất khó hiểu khi Bộ Tài chính không biết bao lần đã khuyến cáo cần thực hiện nghiêm.
Việc khoán xe công là bắt buộc với các chức danh lãnh đạo cấp sở, cục từ đầu năm nay, còn đối với một số chức danh như thứ trưởng, chủ tịch tỉnh… mới dừng lại tự nguyện. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tiền để “nuôi” 1 chiếc xe công mỗi năm, bao gồm tiền bảo dưỡng, sửa chữa, lương cho lái xe, chi phí nhiên liệu... là khoảng 320 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức khoán mới, chi phí có thể giảm một nửa.
Địa phương nào chưa sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ thì tôi chưa bàn. Thế nhưng, ở các thành phố lớn hiện nay, nếu cán bộ cao cấp nào trong diện được khoán chế độ xe công thử dùng taxi công nghệ thì ắt thấy ngay tính hiệu quả kinh tế và tiện dụng ra sao.
Hãy thử gọi Grab theo gói khuyến mại cả tháng hiện nay thì có thể rẻ đến 60-70% giá thông thường. Có thể nhẩm tính, trung bình một lãnh đạo có tiêu chuẩn đi xe công vụ tới nhiệm sở chỉ phải trả non một nửa tiền (khoảng 2-4 triệu đồng/người nếu mua 2-4 gói). Nếu không mua được gói khuyến mại này thì cũng vẫn rẻ hơn là đi taxi truyền thống và chưa thể chạm trần tiêu chuẩn Bộ Tài chính khống chế. Mà cho dù không đi xe công nghệ, gọi taxi truyền thống thì kiểu gì thì cũng rẻ hơn là đi xe công vụ.
Tiếc rằng việc này vẫn chưa được nhiều quan chức sử dụng, và số đơn vị thí điểm khoán xe công mới dừng ở con số 20 bộ, ngành và một số địa phương. Có vẻ như nhiều lãnh đạo không ưa đi taxi đi làm chỉ bởi tính quan cách, bởi sẽ mất đi "khâu oai" của xe biển xanh?
Nhân 50 năm kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi và để lại di chúc cho hậu thế, nên chăng chúng ta hãy làm một cuộc vận động thật căn cơ chuyện khoán xe công với lãnh đạo xem sao. Xin đừng tính chuyện to tát quá không làm được, mà hãy bắt đầu từ những việc hàng ngày như thế, rất bình thường mà sao mãi vẫn chưa trở thành một nếp sống của người lãnh đạo?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.