Lãnh đạo tỉnh Sơn La luôn đồng hành, hỗ trợ để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong “tam nông”
Lãnh đạo tỉnh Sơn La luôn đồng hành, hỗ trợ để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong “tam nông”
Tuệ Linh
Thứ ba, ngày 12/11/2024 16:15 PM (GMT+7)
Sáng ngày 12/11, tại Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La đã diễn ra Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với nông dân và tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024.
Nhiều vấn đề nông dân quan tâm được giải đáp trực tiếp tại Hội nghị
Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với nông dân và tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024 diễn ra với chủ đề "Hỗ trợ nông dân Sơn La liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững". Ông Nguyễn Thành Công - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, Hội Nông dân các huyện, thành phố; đại diện hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La đề nghị các đại biểu, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự Hội nghị phát huy tinh thần thẳng thắn, tập trung vào vấn đề người nông dân quan tâm.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La đề nghị UBND tỉnh Sơn La tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tiếp tục phát triển diện tích, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân trong thời gian tới.
Phát biểu định hướng tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Công – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị các đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy tinh thần hết sức thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân.
Đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các sở, ngành, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.
Đặt câu hỏi tại Hội nghị, ông Đoàn Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, cho biết, hiện nay UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định công nhận 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện, trong đó: 2 vùng trồng cà phê và 1 vùng trồng na.
Để duy trì và phát triển vùng ứng dụng công nghệ cao, ông Kiên đề nghị UBND tỉnh xem xét có các chính sách hỗ trợ xây dựng (đường nội đồng, hệ thống tưới ẩm, bể chứa nước….) cho các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, các hộ dân.
Trả lời câu hỏi trên, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho hay, để duy trì và phát triển vùng ứng dụng công nghệ cao hiện nay tỉnh đang triển khai hỗ trợ các chính sách như: Nghị quyết số 127/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 về Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo đó, tổ chức thuỷ lợi cơ sở đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được hỗ trợ tối đa 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công theo dự toán được duyệt, mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/công trình.
Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cống lấy nước và kiên cố hoá kênh mương: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương tối đa 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình theo dự toán được duyệt (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/công trình; Hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, hỗ trợ tối đa 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn theo dự toán được duyệt, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha.
Doanh nghiệp khi tham gia liên kết được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm: Hỗ trợ tối đa 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án. Hợp tác xã khi tham gia liên kết được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm: Hỗ trợ tối đa 60% kinh phí đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.
Ông Nguyễn Văn Điện – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu đề nghị HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét hỗ trợ kinh phí cho Chi hội phó và kinh phí hoạt động của chi hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Trả lời nội dung này, bà Lương Thị Như Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, cho biết, triển khai Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 của HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp, chế độ kiêm nhiệm của người hoạt động không chuyên trách; mức hỗ trợ, chế độ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, xóm, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 80 quy định mức hỗ trợ đối với 9 chức danh là người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, trong đó có 5 chức danh là Chi hội trưởng các chi hội (phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi).
Như vậy, việc quy định 01 người/01 tổ chức (là trưởng các chi hội) đã đảm bảo tính tương quan về số lượng giữa các tổ chức, đảm bảo kế thừa các quy định trước đây của HĐND tỉnh, phù hợp với nguồn lực của tỉnh và tương quan giữa các tỉnh trong khu vực.
Trường hợp quy định thêm Chi hội phó Chi hội Nông dân ở bản thì cũng phải quy định thêm đối với cấp phó của 04 tổ chức còn lại để đảm bảo tương quan giữa các tổ chức, như vậy mỗi bản sẽ có thêm 05 chi hội phó là người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, toàn tỉnh sẽ có thêm 11.240 người của 2.248 bản (kinh phí chi trả khoảng 56 tỷ đồng/năm), trong khi ngân sách Trung ương không giao cho địa phương để thực hiện chính sách đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở bản, địa phương phải tự cân đối trong nguồn cải cách chính sách tiền lương để xây dựng và thực hiện, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã.
Ông Đỗ Thanh Huy – Trưởng ban Kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh Sơn La nêu câu hỏi, để giúp đỡ nông dân sản xuất, chế biến sản phẩm từ quả, trong giai đoạn tới UBND tỉnh có giải pháp cụ thể như thế nào để tiếp tục duy trì, phát triển diện tích sẵn có đảm bảo sinh kế cho người dân?
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 83.757 ha cây ăn quả và cây Sơn tra, với sản lượng ước đạt trên 379.000 tấn. Để tiếp tục giúp đỡ nhân dân sản xuất, chế biến sản phẩm từ quả, trong giai đoạn tới UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp sau:
Đối với vùng nguyên liệu cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, diện tích sản xuất phục vụ xuất khẩu quả cần thực hiện tuân thủ theo đúng quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã quả của từng nước nhập khẩu phục vụ xuất khẩu quả, sản phẩm quả.
Tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất quả đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản phẩm có chứng nhận phục vụ các chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh, nhất là thị trường Hà Nội.
Xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ cho các nhà máy chế biến quả trong và ngoài tỉnh; tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản, ổn định đầu ra.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt tập trung vào xuất khẩu và tiêu thụ nội địa qua các kênh thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm quả cho tỉnh. Khuyến khích mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để ổn định đầu ra, cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ngoài những câu hỏi trên, tại Hội nghị, đại diện cán bộ Hội Nông dân các cấp, hội viên nông dân đã đặt hàng chục câu hỏi liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Những câu hỏi này đã được ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh thông tin và giải đáp trực tiếp tại Hội nghị đối thoại.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La luôn đồng cùng nông dân phát huy vai trò chủ thể trong nông nghiệp, nông thôn
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, trong đó ưu tiên lựa chọn các chuyên đề như: Nông dân khởi nghiệp; chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch... để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình; được định hướng, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo động lực có thêm ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Công yêu cầu các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh; từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; phát động "Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức và tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của hội viên nông dân; Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay. Duy trì hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đảm bảo công khai, dân chủ, đúng mục đích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La mong muốn, nông dân tỉnh Sơn La hãy chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững.
"Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn, định hướng, tư vấn về hướng đi, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, tìm kiếm thị trường để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới", ông Công nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.