Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đối thoại với 350 nông dân: Nhiều câu hỏi liên quan đến thương hiệu nông sản
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đối thoại với 350 nông dân: Nhiều câu hỏi liên quan đến thương hiệu nông sản
An Nhiên
Thứ năm, ngày 16/11/2023 20:56 PM (GMT+7)
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất – kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường”, ngày 16/11, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân năm 2023.
Tham dự Hội nghị, có Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính; Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan cùng khoảng 350 cán bộ Hội Nông dân cơ sở, Chi hội tiêu biểu, hội viên nông dân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đại diện cho hơn 194.000 hội viên nông dân trong toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Lại Thị Loan cho biết, Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân là hoạt động ý nghĩa, thiết thực được tổ chức nhằm lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nông dân, từ đó kịp thời thảo luận, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống của nông dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có.
Đây cũng là dịp giúp nông dân nắm bắt, cập nhật được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế của tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó chủ động tiếp cận, vận dụng cơ chế, chính sách vào sản xuất, chủ động chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Tại Hội nghị, đã có 16 ý kiến, kiến nghị của hội viên, nông dân xoay quanh các nhóm vấn đề như: Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xác định nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường; xác định, quy hoạch các vùng nông sản có tính cạnh tranh cao của tỉnh so với các địa phương khác; chính sách, nguồn lực để nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nông sản đặc trưng của tỉnh; đảm bảo môi trường trong sản xuất nông nghiệp;
Chính sách, nguồn lực để phát triển sản xuất - kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hỗ trợ sản xuất – kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn chứng nhận; quản lý việc sản xuất, lưu hành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận; quản lý việc nhập khẩu nông sản đảm bảo chất lượng để đảm bảo việc phát triển nông sản của tỉnh và sức khỏe của Nhân dân; liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã…
Theo đó, nhiều cán bộ Hội, hội viên nông dân đã nêu thắc mắc, kiến nghị về việc xác định các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; những chính sách cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nông sản đặc trưng của tỉnh; việc quy hoạch, xử lý rác thải nguy hại từ các chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường trong nông nghiệp;
Chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp mới khởi nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người nông dân để thực hiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng; giải pháp hỗ trợ người nông dân trong quá trình chuyển đổi số gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương trên môi trường mạng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn ghi nhận và tiếp thu ý kiến tham gia đối thoại của cán bộ, hội viên nông dân, đồng thời đề nghị ngay sau hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tạo điều kiện để nông dân trên địa bàn được tiếp cận, hưởng lợi các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tuyên tuyền, phát động, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp để nông dân tham gia học hỏi áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế thực sự bền vững; kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương hỗ trợ các dự án chế biến nông sản, phát triển làng nghề, ngành nghề phi nông nghiệp tại các vùng nông thôn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư kết nối cung cầu để giới thiệu, đưa sản phẩm nông sản của người nông dân đến với người tiêu dùng, đặc biệt là trên các kênh thương mại điện tử.
Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn bền vững...
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng quà cho các hội viên nông dân tham dự Hội nghị. Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 5 dự án từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng; trao nguồn vốn hỗ trợ sinh kế cho 9 hộ hội viên nghèo vùng biên giới, dân tộc thiểu số, tôn giáo thuộc 03 huyện (trị giá gần 22 triệu đồng/hộ).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.