Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đối thoại với hơn 250 nông dân: Sẽ ban hành Đề án sản xuất cây lúa đặc sản
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đối thoại với hơn 250 nông dân: Sẽ ban hành Đề án sản xuất cây lúa đặc sản
Thúy Vy
Thứ năm, ngày 16/11/2023 21:03 PM (GMT+7)
Ngày 16/11, tại Hội trường Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với hơn 250 hội viên, nông dân. Hội nghị đối thoại nhằm mục đích giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà hội viên, nông dân đang gặp phải.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đặng Tấn Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có ông Đỗ Tấn Hậu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, TP và hơn 250 cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam khẳng định: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại, ông Đặng Tấn Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: buổi đối thoại này tạo cơ hội cho hội viên, nông dân trực tiếp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng. Từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trong nông nghiệp, các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Đại diện hội viên hội nông dân xã Mỹ Xuyên ý kiến: Hiện nay trên địa bàn thị xã Ngã Năm hàng nông sản chủ yếu là lúa chất lượng cao ST25, trồng nấm rơm, cây ăn trái phần lớn cây mãng cầu gai tập trung nhiều ở xã Vĩnh Quới; một số mô hình nuôi cá vèo, cá ao và một số cơ sở tư nhân sản xuất, chế biến hàng nông sản đạt chuẩn OCOP từ 3 sao như: trà mãng cầu, mứt mãng cầu, mắm cá rô không xương, mắm cá lóc… Để nông sản của nông dân làm ra ngày càng chất lượng hơn và được nhiều người tiêu dùng quan tâm, UBND tỉnh có giải pháp gì để giúp hội viên, nông dân nâng cao chất lượng nông sản?
Còn với hội viên nông dân huyện Cù Lao Dung, các đại biểu nêu lên ý kiến: Nuôi thủy sản nước lợ (tôm thẻ) được xem là một trong những hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ lực của huyện Cù Lao Dung. Tuy nhiên, hiện nay tình hình nuôi thủy sản của huyện Cù Lao Dung nói chung và xã An Thạnh 3 nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, giá bán tôm thương phẩm quá thấp so với hàng năm. Vậy thời gian tới sẽ có giải pháp hoặc chính sách gì hỗ trợ giá đầu ra cho con tôm thẻ thương phẩm?
Trả lời ý kiến của hội viên, nông dân xã Mỹ Xuyên, ông Trương Văn Đúng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng nông sản trong thời gian tới, như: phát triển các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, rau màu theo lợi thế từng vùng và định hướng thị trường; liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp và thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn hàng ổn định cho chế biến và xuất khẩu; tham gia hội chợ, phiên chợ, lễ hội lúa gạo, hội nghị xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm của tỉnh đến nhiều doanh nghiệp, Công ty với mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Còn với ý kiến của hội viên nông dân huyện Cù Lao Dung, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng cho biết, trong thời gia tới sẽ tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp về giá tôm để thông tin kịp thời đến với người nuôi. Tổ chức các cuộc hội nghị chuyên đề về chọn giống, phòng trừ dịch bệnh, các mô hình nuôi hiệu quả, các thông tin về thị trường, văn bản quản lý,… phù hợp với tình hình thực tế.
HTX/THT hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP…, kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ để hạ giá thành và đảm bảo sản phẩm đầu ra. Đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành trong công tác kiểm soát môi trường vùng nuôi tôm, nhất là hành vi xả thải, bơm bùn thải ra môi trường bên ngoài.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Thành (hội viên, nông dân huyện Long Phú) đặt vấn đề, hiện nay các cấp các ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực trong đó có sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên kết quả việc áp dụng chuyển đổi số vẫn còn hạn chế. Vì vậy, UBND tỉnh có giải pháp nào để giúp người dân trong việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, nông dân ?
Về vấn đề này, ông Dương Văn Nhân, Phó Giám đốc ở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiên các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp theo Đề án số 03/ĐA-UBND ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ nông nghiệp, nông dân.
Xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để số hóa quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc; kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang web; tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng thiết bị internet vạn vật ( IoT) trên đồng ruộng…
Bên cạnh những vấn đề trên, đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh Sóc Trăng cũng đã cùng các hội viên nông dân tại hội nghị trao đổi, thảo luận cởi mở để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất liên quan đến các vấn đề: giải pháp bình ổn giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp; kiểm tra, xử lý tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; định hướng chuyển đổi sản xuất cây trồng vật nuôi…
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh sẽ ban hành nhiều chính sách, tập trung xây dựng các công trình dự án phát triển nông nghiệp, như: Đề án cây lúa đặc sản, đề án tôm nước lợ, cây ăn trái đặc sản, nước sạch nông thôn, kinh tế tập thể… Đặc biệt, tập trung xây dựng các công trình phục vụ cho nông nghiệp như thủy lợi, kiểm soát xâm nhập mặn và trữ ngọt.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Hội Nông dân phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan lên kế hoạch phát triển cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên nông dân nâng cao ý thức tự giác, chủ động trong việc lựa chọn mô hình, con giống đảm bảo chất lượng phù hợp với điều kiện kinh tế và tự nhiên để đem lại hiệu quả cao. Giảm đến mức thấp nhất tình trạng được mùa, mất giá.
Tiêu biểu, Hội Nông dân phối hợp với sở Công thương, sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp, đưa các phẩm nông nghiệp chất lượng của địa phương lên sàn thương mại điện tử, các hội chợ thương mại,… mở rộng thị trường, giúp các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến với các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.