Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về nuôi cá nước lạnh, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về con giống, thức ăn, quản lý, chăm sóc… để tăng hiệu quả và phát triển bền vững, mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức tọa đàm chủ đề "Bàn giải pháp nuôi cá nước lạnh hiệu quả, bền vững" tại tỉnh Lào Cai.
Dư địa phát triển lớn
Du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay, nghề nuôi cá nước lạnh đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi. Tiềm năng phát triển cá nước lạnh của Việt Nam được xác định là rất lớn, tập trung chủ yếu ở 3 vùng là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và khu vực trung du, miền núi của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Từ hiệu quả của việc chăn nuôi cá nước lạnh, Lào Cai đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thể tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh đạt 60.000m3, sản lượng đạt 730 tấn, tăng trưởng bình quân 1,8%/năm.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay, cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất là tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua.
Năm 2007 - sau thời gian 2 năm đưa cá nước lạnh về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn và đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 - 2020 trung bình 68,75%/năm.
Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua các chế biến. Một số ít doanh nghiệp xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn và những điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM…
Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh những năm gần đây có xu hướng tăng, nhưng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 50% sản lượng đối với cả cá hồi và cá tầm.
Lào Cai được đánh giá là địa phương có lợi thế tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi cá nước lạnh. Theo Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 215 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tập trung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Sản lượng cá nước lạnh của tỉnh ước đạt trên 670 tấn, đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng/ha, đạt 140 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động.
Trong đó, thị xã Sa Pa được coi là "thủ phủ" nuôi cá nước lạnh của vùng Tây Bắc. Năm 2020 thể tích nuôi cá nước lạnh tại đây đạt khoảng 50.507m3. Nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa những năm gần đây không chỉ mở rộng về diện tích mà còn được chủ nuôi đầu tư về chất lượng.
Chuyên gia "gỡ khó" cho nông dân
Gọi điện đến buổi tọa đàm, ông Trịnh Quang Hiển (ở Lâm Đồng) hỏi, hiện nay trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng men vi sinh hoặc các loại thức ăn bổ sung rất phổ biến, nhưng với cá nước lạnh, liệu nông dân có nên sử dụng men vi sinh hoặc thức ăn bổ sung trộn vào thức ăn cho cá hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Kim Văn Tiêu cho biết, hiện nay có một tiến bộ rất mới đó là sử dụng men vi sinh để trộn vào thức ăn cho cá tầm, cá hồi ăn. Khi trộn men vi sinh vào sẽ giúp kích thích tiêu hóa, cá nhanh lớn và tạo vi khuẩn có lợi cho đường ruột của con cá. Ông Tiêu cũng lưu ý, ủ men vi sinh khoảng từ 2 - 3 tiếng trở ra thì mới có tác dụng. Ngoài ra bà con có thể bổ sung Vitamin C cá sẽ nhanh lớn hơn, kháng bệnh tốt hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Cường (Lào Cai) đặt câu hỏi, bệnh xuất huyết gây hại trên cá hồi xảy ra ở giai đoạn nào, thời điểm nào trong năm? Cách phòng và trị bệnh này hiệu quả?
Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Duy Triệu -Chi cục Chăn nuôi Thú y Lào Cai cho hay, bệnh xuất huyết trên cá hồi và cá tầm là do 2 chủng vi khuẩn, bệnh thường xuất hiện ở cá trưởng thành. Cá mắc bệnh có triệu chứng đen mình, bỏ ăn, bơi lội lờ đờ, trong bụng chứa nhiều dịch và kích thước lá lách tăng, khi mắc bệnh này tỷ lệ chết trên 60%. Để phòng trị bệnh, bà con cần áp dụng nhiều biện pháp như: Vệ sinh bể, trước khi mua cá về phải tắm cá bằng nước muối và các sản phẩm xử lý môi trường.
"Khi cá bị bệnh thì dùng kháng sinh, kết hợp tắm thuốc sát trùng để giải quyết vấn đề môi trường và nội tạng của cá khi bị xuất huyết" – ông Triệu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.