Lào Cai: Nông dân núi cao trồng thứ cây gì bán cả vỏ lẫn lá, thành “chủ nợ” ngân hàng?

Thứ ba, ngày 23/03/2021 19:00 PM (GMT+7)
Họ là những nông dân Lào Cai quanh năm chân lấm tay bùn. Trước đây, họ từng vay vốn của ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình, sau một thời gian chăm chỉ làm ăn đã có tiền gửi tiết kiệm và nghiễm nhiên trở thành “chủ nợ” của ngân hàng.
Bình luận 0

Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, nhưng riêng “thủ phủ” quế Nậm Đét (Bắc Hà - Lào Cai) lại đón những niềm vui mới. Quế được mùa, giá quế đạt đỉnh trong vòng 10 năm qua. 

Chỉ cấn bóc vỏ, tỉa cành, bán lá nông dân đã có thu nhập khá nên ai cũng phấn khởi. Điều đó lý giải vì sao Nậm Đét là vùng đất có nhiều “chủ nợ” ngân hàng nhất huyện Bắc Hà.

Lào Cai: Lạ quá, nông dân xứ này trồng thứ cây gì bán cả vỏ lẫn lá, thành “chủ nợ” ngân hàng? - Ảnh 1.

Từ cây quế, nhiều nông dân trở thành “chủ nợ” của ngân hàng.

Đón tôi với nụ cười rạng rỡ, chị Tráng Thín Phấn, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bắc Hà bảo: “Cách đây gần 20 năm, bước chân vào ngành ngân hàng với vai trò là một cán bộ tín dụng thu hồi nợ quá hạn, tôi từng e ngại khi tới các xã Nậm Lúc, Nậm Đét, Nậm Khánh bởi đường đi lại khó khăn và có một số hộ rất khó trả nợ. Giờ đây mọi chuyện đã khác, Nậm Đét không chỉ là thủ phủ của cây quế mà còn trở thành thủ phủ của những người gửi tiết kiệm cho ngân hàng”.

Để minh chứng điều này, chị Phấn gọi điện cho cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Bảo Nhai dẫn tôi vào vùng quế Nậm Đét, nơi định cư của rất nhiều “chủ nợ” ngân hàng. 

Chị Mai cán bộ tín dụng phải liên hệ trước giúp chúng tôi vì những nông dân ở đây cả ngày làm việc trên rừng, đến tối mới về nhà nghỉ để sáng hôm sau tiếp tục công việc, gặp được họ không phải dễ.

Khi đặt bước chân đầu tiên đến Nậm Đét, tôi đã cảm nhận được nét đặc trưng của vùng trồng quế. Đúng như người Nậm Đét thường nói “mọi con đường ở Nậm Đét đều dẫn về các rừng quế”. Những rừng quế ngát xanh vươn mình trong nắng, hương thơm tỏa ngào ngạt, say đắm lòng người.

 Cây quế như bạn tri kỷ cùng người Nậm Đét vượt qua bao khó khăn nên họ quý lắm. Cây quế được cụ Triệu Mùi Pham, khi đó là một đảng viên gương mẫu cùng một số người dân trong xã đưa từ vùng đất Yên Bái lên trồng ở Nậm Đét những năm 80 của thế kỷ trước. 

Từ những cây quế đầu tiên, giờ diện tích quế ở Nậm Đét đã phát triển lên gần 2.000 ha. Cây trồng này giúp nhiều hộ gia đình ở Nậm Đét có cả trăm triệu đồng tiết kiệm gửi ngân hàng.

Lào Cai: Lạ quá, nông dân xứ này trồng thứ cây gì bán cả vỏ lẫn lá, thành “chủ nợ” ngân hàng? - Ảnh 3.

Ông Đặng A Nhẩy chăm chỉ làm lụng và có một khoản tích cóp gửi ngân hàng.

Người tôi gặp và trò chuyện đầu tiên là ông Đặng A Nhẩy, 57 tuổi. Lúc đầu, ông Nhẩy không hề muốn chia sẻ về số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng của gia đình, nhưng sau một hồi kể chuyện làm ăn, ông quyết định kể. Ông cho biết, để có tiền tích cóp gửi ngân hàng, vợ chồng ông đã phải trải qua một hành trình đầy vất vả. 

“Trước đây, vợ chồng tôi chỉ biết cấy lúa, trồng ngô, thu nhập không đủ chi tiêu hằng ngày, vợ tôi phải vá chỗ nọ, co chỗ kia. Cuối vụ lúa đi vay thóc rồi đầu vụ lo trả nợ bà con hàng xóm”, ông Nhẩy nhớ lại năm tháng thiếu thốn, trong lòng không khỏi rưng rưng.

Năm 1986, nhà ông Nhẩy nghèo lắm, trong nhà không còn một đồng để mua gạo, vợ chồng đành bán con trâu duy nhất lấy tiền mua gạo ăn hằng ngày. Với nông dân, phải bán trâu cày là điều cực chẳng đã nhưng hoàn cảnh bấy giờ khiến họ phải đi đến quyết định không đành.

Đến năm 1992, ông Nhẩy bàn với vợ vay tiền ngân hàng đầu tư trồng quế. Giá quế ổn định, cuộc sống của gia đình dần giải quyết được các bế tắc, ông đã trả được nợ và còn có tiền gửi ngân hàng. Giải thích lý do chủ nợ Đặng A Nhẩy tin tưởng với kênh gửi tiết kiệm cho ngân hàng là vì tính an toàn, cho dù lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có thời điểm xuống thấp. Đến nay, vợ chồng ông đã có 200 triệu đồng gửi ngân hàng.

Người có tuổi thường đưa ra lựa chọn an toàn nhưng không ít người trẻ ở Nậm Đét cũng tin tưởng vào kênh gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Bên cạnh việc sử dụng tiền đầu tư để sinh lời thì họ vẫn dành một khoản thiết lập sổ tiết kiệm. Anh Triệu Phúc Tình, một nông dân trồng quế trẻ tuổi khá thành công ở Nậm Đét tâm sự: “Mỗi năm, sau khi cân đối thu chi trong gia đình, tôi thường dành một khoản gửi ngân hàng. Có thời điểm, tôi gửi tiết kiệm được 500 triệu đồng”.

“Chủ nợ” Triệu Phúc Tình sinh năm 1980 cũng đi lên từ cây quế. Gia đình anh hiện có 14 ha quế, thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng. Không chỉ phát triển diện tích quế ở trong thôn, anh Triệu Phúc Tình còn mua nhiều rừng quế ở các xã lân cận để chăm sóc, khai thác. 

Năm 2018, anh cùng một số người bạn trong xã thành lập hợp tác xã quế hữu cơ nhằm hướng nông dân trên địa bàn trồng quế sạch và tiêu thụ quế cho bà con trong xã. Không kể nhiều về mình, anh Triệu Phúc Tình bảo với tôi rằng: Đối với nông dân vùng cao, hạnh phúc nhất là được ở lại quê mình phát triển kinh tế, làm giàu mà không phải lang thang nơi xứ người.

Người dân trên địa bàn xã Nậm Đét hiện có tới vài chục tỷ đồng gửi ngân hàng. “Chủ nợ” là danh xưng các ngân hàng thân thiện đặt cho khách hàng gửi tiết kiệm nhưng phần nào phản ánh được sự tự chủ về kinh tế của nông dân Nậm Đét thời 4.0. Chúng tôi đã trực tiếp được đến vùng đất có nhiều chủ nợ của ngân hàng để cảm nhận tiềm năng phát triển kinh tế bền vững nơi đây. 

Đây cũng là đối tượng khách hàng được các ngân hàng chăm sóc bởi trong thời điểm hiện tại, huy động tiền gửi tiết kiệm là nhiệm vụ khó khăn do hạn chế ở lãi suất huy động. Với nông dân Nậm Đét, họ vẫn tin tưởng ngân hàng là một kênh tiết kiệm, tích lũy an toàn, đem lại cho họ những cái Tết ấm no, bền vững...

Vân Thảo (baolaocai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem