Lào Cai tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, sạt lở đất, ổn định sản xuất
Lào Cai tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, sạt lở đất, ổn định sản xuất
Mùa Xuân
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 19:17 PM (GMT+7)
Những ngày này, mưa đã tạnh, thời tiết nắng ráo, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang huy động nhân lực, vật lực, tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, sạt lở đất, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống người dân.
Clip: Người dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) hót dọn bùn đất trên các tuyến đường. Nguồn: Truyền hình Sa Pa.
Các địa phương ở Lào Cai tập trung khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3
Tại thị xã Sa Pa: Những ngày qua, hàng nghìn người dân và lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Sa Pa đồng loạt ra quân dọn bùn đất, cây xanh ngã đổ, khơi thông cống rãnh trên các tuyến đường liên thôn, phục vụ việc đi lại của người dân.
Với trên 1.000 điểm sạt lở ở 285 tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã; trong đó, quốc lộ 4D qua thị xã Sa Pa có 30 điểm sạt; đường tỉnh lộ 152, 155, 152B và đường tránh quốc lộ 4D có 113 điểm sạt lở. Ngoài ra còn có 861 điểm sạt lở trên 279 tuyến đường do thị xã quản lý.
Đến thời điểm này, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã trên địa bàn thị xã Sa Pa cơ bản đã được thông tuyến. Công tác khắc phục một số tuyến đường liên thôn tại các xã, phường đang được tích cực triển khai để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nhân dân.
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Hiện nay, thị xã đang tập trung huy động tất cả các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài tập trung dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khôi phục các tuyến đường, thị xã cũng chỉ đạo các xã huy động đoàn viên, thanh niên, dân quân... giúp bà con thu hoạch lúa vụ mùa theo đúng tiến độ.
Tại huyện Bát Xát: Đây cũng là một trong những địa phương của tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3. Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 13/9, huyện Bát Xát có 15 người chết, 2 người mất tích, 10 người bị thương; 1.200 ngôi nhà bị thiệt hại; gần 150 ha lúa bị vùi lấp; trên 302 ha hoa màu bị thiệt hại; nhiều công trình giao thông, trường học, y tế bị hư hỏng...
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn của huyện Bát Xát đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý các tình huống; thường xuyên báo cáo về cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.
Huyện đã thành lập 2 đoàn công tác tiếp cận các địa điểm bị sạt lở để trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão tại các xã Quang Kim, A Lù, Trịnh Tường, Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ…
Huy động lực lượng trên 1.000 người và trưng tập nhiều phương tiện, máy móc để khắc phục các điểm sạt lở đảm bảo các tuyến đường được lưu thông để các lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận các khu vực sạt lở tìm kiếm, cứu nạn. Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường liên các xã Bản Vược - Bản Xèo – Mường Hum – Y Tý – A Lù đã khắc phục tạm thời thông tuyến bước 1 đến Km 34+ 200 thuộc thôn Cán Cán (Lùng Thàng) xã A Lù; tuyến xã Bản Vược đi xã A Mú Sung, xã A Lù, đã khắc phục, thông tuyến bước 1 đến thôn Tung Qua, xã A Mú Sung.
Tại huyện Bảo Thắng: Theo thống kê, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại 1.406 ngôi nhà, hơn 1.000 ha sản xuất nông lâm nghiệp; nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi bị hư hại... Ước tính thiệt hại trên 220 tỷ đồng.
Ngày 14/9, đến kiểm tra kiểm tra hiện trạng tại một vài điểm nguy cơ cao về sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại xã Bản Phiệt, Bản Cầm, Phong Niên và thị trấn nông trường Phong Hải, Bí thư Huyện uỷ Bảo Thắng Trần Minh Sáng đã yêu cầu cấp uỷ, chính quyền xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của lũ lụt. Lấy trọng tâm là hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh; trong đó huy động nguồn lực hỗ trợ khôi phục các vùng sản xuất rau an toàn, trọng điểm của huyện.
Cũng theo thông tin từ huyện Bảo Thắng, huyện đã thống nhất chủ trương dành kinh phí từ "quỹ xây dựng nông thôn mới" và huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hộ nông dân sản xản suất rau an toàn; trước mắt với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để người dân mua giống rau, vật tư phục vụ sản xuất rau.
Ngay sau khi thống nhất chủ trương, Thường trực Huyện uỷ đã đến khảo sát, trao tận tay số tiền hỗ trợ 110 triệu đồng đợt đầu tiên cho các hộ sản xuất rau tại hai xã Gia Phú và Thái Niên.
Hiện, huyện Bảo Thắng đang tập trung giải quyết khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3, trong đó có việc di chuyển người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Về lâu dài, lãnh đạo huyện Bảo Thắng cho rằng cần phải rà soát lại toàn bộ các khu dân cư để có thể tìm ra một giải pháp, đảm bảo điều kiện an toàn và ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Đối với các tuyến đường trung tâm, trọng yếu bị hư hại nghiêm trọng, huyện giao cơ quan giúp việc tham mưu trình tỉnh cho nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Cấp ủy, chính quyền huyện cùng các cơ quan chuyên môn sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn bước đầu, dần ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Tại huyện Bắc Hà: Ngày 14/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường cùng lãnh đạo huyện Bắc Hà tiếp tục đến hiện trường vụ sạt lở tại thủy điện Đông Nam Á (Nậm Lúc), trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân.
Hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây sạt lở đất ở nhiều xã trên địa bàn huyện Bắc Hà làm 20 chết, 14 người mất tích, 17 người bị thương. Mưa lớn, sạt lở cũng làm gần 1.590 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 919 nhà bị ngập nước, 667 nhà nhà bị sạt lở. Hàng nghìn ha diện tích lúa, cây lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản bị ảnh hưởng; trên 2.200 con gia súc, gia cầm bị chết.
Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng, đường giao thông bị ảnh hưởng; 17 trường và điểm trường bị sạt lở, đất đá tràn vào lớp học, các công trình phụ trợ nhà ăn, bếp nấu; 02 trạm y tế bị sạt lở... Thống kê sơ bộ, đến nay huyện Bắc Hà vẫn còn khoảng 40 thôn bị cô lập… Ước tổng thiệt hại khoảng 358 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, huyện Bắc Hà đã huy động lực lượng trên 2.000 người, 30 máy xúc hỗ trợ các địa bàn khắc phục hậu quả thiên tai; hót sạt các tuyến đường giao thông chính. UBND huyện đã thành lập 3 tổ cơ động hỗ trợ ứng phó khắc phục thiên tai tại các xã Nậm Lúc, Nậm Khánh, Bản Liền, Bản Cái. Duy trì trực 24/24 để hiệp đồng, chỉ đạo thực hiện phương án khắc phục hậu quả thiên tai.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường các vụ sạt lở tại xã Nậm Lúc và một số địa điểm khác trên địa bàn huyện Bắc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường đề nghị huyện Bắc Hà cần tiếp tục duy trì lực lượng, tập trung ưu tiên hàng đầu để tìm kiếm những người còn bị mất tích do sạt lở. Huy động tối đa nhân lực, vật lực để thông các tuyến giao thông và điện, viễn thông cho các xã, thôn bị cô lập.
Lào Cai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khắc phục hậu quả thiên tai
Sáng nay (14/9), tại TP. Lào Cai, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tổ chức ra quân tình nguyện hỗ trợ nhân dân tổng vệ sinh môi trường sau bão số 3 với gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố tham gia hưởng ứng.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Giàng Thị Mai khẳng định: "Đây là hoạt động nhằm góp phần khắc phục hậu quả sau bão số 3, bảo vệ môi trường sống và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường. Từ đó, tăng cường ý thức trách nhiệm của thanh niên về vấn đề môi trường và phòng chống thiên tai".
Ngay sau lễ phát động, gần 1.000 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đã tham gia dọn dẹp rác thải và bùn đất trên các tuyến phố ở địa bàn thành phố Lào Cai..
Đoàn viên thanh niên sẽ được phân chia thành các nhóm nhỏ, tiến hành thu gom rác thải, cây cối bị đổ ngã, bùn đất tại các khu vực bờ kè đường An Dương Vương từ Cầu Cốc Lếu đến Cầu Phố Mới khoảng 2,4km và khu vực bờ kè đường Minh Khai – đường bờ kè từ cầu Cốc Lếu đến cầu Phố Mới khoảng 2,3km.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung cao công tác tìm kiếm người mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, quyết tâm cao nhất tiếp tục tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích; cứu chữa miễn phí cho người bị thương.
Tổ chức cung cấp lượng thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho các hộ dân, đặc biệt tập trung hướng tới các khu vực có người bị nạn, còn bị cô lập có khả năng tiếp cận với tinh thần quyết tâm cao nhất không để người dân bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị, các địa phương huy động tối đa các lực lượng, các trang thiết bị ưu tiên tập trung khẩn trương khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt lở để sớm kết nối giao thông đến các khu vực bị cô lập.
Khẩn trương khắc phục nhanh nhất cơ sở vật chất về nước, điện, viễn thông tại những vị trí bị ảnh hưởng; đảm bảo an toàn hạn chế ảnh hưởng đến các công trình: Bệnh viện, Trung tâm Y tế, trường học, trụ sở điều hành của các địa phương...
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.
Đối với các hộ phải di chuyển khẩn cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo UBND cấp xã, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ hộ dân di chuyển người, tài sản đến khu vực an toàn; bố trí địa điểm di chuyển, dựng nhà ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và xây dựng phương án kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.