Lào Cai: Thiên hạ đua nhau nuôi bò lai, bò ngoại, vì sao nông dân ở đây nhất nhất nuôi cả trăm con bò ta?

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 28/06/2021 05:35 AM (GMT+7)
Với việc nuôi gần 100 con bò sinh sản - giống bò vàng "giỏi chịu đừng kham khổ", lại mắn đẻ của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Phong, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ nuôi bò vàng mắn đẻ, 20 thành viên trong Hợp tác xã đều có thu nhập khá.
Bình luận 0

Nuôi bò vàng-giống bò nhỏ mà có..."võ"

Ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Phong cho biết, HTX được thành lập từ tháng 10/2019, đến nay, đã có 20 thành viên tham gia.

Theo ông Xuân, HTX Nông nghiệp Thanh phong được thành lập với định hướng chăn nuôi bò sinh sản - giống bò vàng vùng cao được bà con nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Tổng kinh phí xây dựng chuồng trại, đầu tư trang thiết bị và mua bò giống khoảng 7 tỷ đồng.

"Mục tiêu là xây dựng một trang trại bò giống năng suất cao, hiệu quả, đưa HTX từng bước đi lên, cũng như khẳng định thương hiệu, vị thế trong huyện Bảo Yên và các huyện lân cận", ông Xuân chia sẻ.

CLIP: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của HTX Nông nghiệp Thanh Phong, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Cũng theo ông Xuân, tổng diện tích chuồng trại của HTX Nông nghiệp Thanh Phong 500m2 đủ để chăn nuôi 100 con bò bố, mẹ và 35 con bò nuôi thịt hương phẩm.

Đến nay, số lượng bò đang nuôi tại chuồng trại là gần 100 con, trong đó, hệ thống máy thái cỏ có thể đáp ứng đủ thức ăn cho toàn bộ đàn bò trong chuồng.

"HTX đã đầu tư lắp hệ thống quạt xung quanh chuồng, xây dựng nhà nuôi giun, mở rộng diện tích trồng cỏ khoảng 10ha để đảm bảo dư nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò" - ông Xuân chia sẻ.

Lào Cai: Nuôi giống bò vàng vùng cao,  - Ảnh 2.

Ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thanh Phong cho biết, HTX đang nuôi 100 con bò sinh sản, tất cả đều là giống bò ta (còn được gọi là bò vàng). Ảnh: Minh Ngọc.

Đến thăm quan trang trại nuôi bò của HTX Nông nghiệp Thanh Phong, được ông Xuân giới thiệu về HTX.

Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Xuân, hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đang thịnh hành nuôi các giống bò lai, bò ngoại được cho sản lượng thịt cao- được coi là "cỗ máy sản xuất thịt" như: bò 3B, bò lai Sind, bò Brahman...Tuy nhiên, HTX Nông nghiệp Thanh Phong lại chọn hướng đi ngược lại, đó là, quay trở về với giống bò ta (hay còn gọi là bò vàng).

Lý giải về điều này, ông Xuân cho hay, mặc dù sản lượng thịt của bò ta không cao bằng các giống bò lai, bò ngoại nhưng bò ta rất dễ nuôi lại ít gặp dịch bệnh. Bên cạnh đó, chất lượng thịt của bò ta cũng ngon hơn so với bò lai, chính vì vậy HTX Nông nghiệp Thanh Phong đã lựa chọn giống bò ta để chăn nuôi.

Lào Cai: Nuôi giống bò giỏi chịu đựng kham khổ, lại mắn đẻ, dân vùng cao nơi đây phất lên trông thấy - Ảnh 4.

Ông Xuân cho hay, giống bò vàng được đánh giá có sức chịu đứng tốt, phù hợp với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới và đặc biệt là rất mắn đẻ. Ảnh: Minh Ngọc.

Mặt khác, giống bò vàng có thể chịu đựng tốt với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, thích nghi với nhiều vùng khí hậu, đặc biệt là bò thành thục sớm, mắn đẻ.

"Bò vàng có khả năng sinh sản tốt. Nuôi khoảng 18-24 tháng tuổi bò đã động dục và có khả năng phối giống, 30-34 tháng tuổi đẻ lứa đầu, nhịp đẻ năm một (1 năm 1 lứa) và 3 năm 2 lứa là phổ biến. Khả năng sinh sản tốt là đặc điểm có ích lớn nhất của bò vàng. Chính bởi vậy, HTX đã lựa chon giống bò vàng để nuôi sinh sản", ông Xuân cho biết.

Lào Cai: Nuôi giống bò vàng vùng cao,  - Ảnh 3.

Với diện tích 500m2, HTX Nông nghiệp Thanh Phong có thể chăn nuôi 100 con bò sinh sản và 35 con bò thương phẩm. Ảnh: Minh Ngọc.

Nuôi bò ta, nông dân vùng cao tăng thu nhập

Anh Phạm Văn Chung, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh Phong cho biết, gia đình anh đang nuôi 10 con bò sinh sản. Công việc 1 ngày của anh tại HTX, đó là buổi sáng tiến hành vệ sinh chuồng trại và cho bò ăn, đến buổi chiều sẽ đi cắt cỏ chuẩn bị cho bữa tối và sáng hôm sau cho đàn bò.

Ngoài thức ăn là cỏ tươi, anh Chung cùng các thành viên trong HTX thường trộn với men vi sinh cùng với cỏ tươi, sau đó ủ chua để làm thức ăn cho đàn bò.

Với phương pháp này, anh Chung cùng các thành viên trong HTX đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi đó, đàn bò được tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và hạn chế được dịch bệnh.

Lào Cai: Nuôi giống bò vàng vùng cao,  - Ảnh 4.

Cỏ sau khi được cắt về sẽ được cắt nhỏ rồi trộn với men vi sinh, sau đó tiến hành ủ chua làm thức ăn cho bò. Ảnh: Minh Ngọc.

Điều đặc biệt tại trang trại nuôi bò sinh sản của HTX Nông nghiệp Thanh Phong, đó là bò của các gia đình là các thành viên của HTX đều nuôi chung tại 1 khu chuồng trại.

"Không giống như các mô hình khác, nhà nào nuôi tại nhà đó, mỗi nhà đều có chuồng trại riêng, nuôi nhốt lẻ tẻ. Tại đây, bò của các thành viên trong HTX được nuôi nhốt tập trung, không chỉ hàng ngày làm việc với nhau, mọi người cũng có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò", ông Xuân chia sẻ.

Lào Cai: Nuôi giống bò vàng vùng cao,  - Ảnh 5.

Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, HTX Nông nghiệp Thanh Phong đã trồng khoảng 10ha giống cỏ voi VA06. Ảnh: Minh Ngọc.

Lào Cai: Nuôi giống bò giỏi chịu đựng kham khổ, lại mắn đẻ, dân vùng cao nơi đây phất lên trông thấy - Ảnh 9.

Toàn bộ đàn bò sinh sản gần 100 con của HTX Nông nghiệp Thanh Phong được nuôi nhốt tại 1 địa điểm tập trung. Hàng ngày toàn bộ thành viên trong HTX sẽ làm việc cùng nhau. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Xuân chia sẻ, ngoài việc nuôi gần 100 con bò sinh sản và sắp tới đây HTX Nông nghiệp Thanh Phong sẽ mua thêm bò thương phẩm để chăn nuôi, đây sẽ là động lực rất lớn cho các thành viên trong HTX cùng nhau phát triển kinh tế.

"Các thành viên từ khi tham gia vào HTX đã có thu nhập ổn định, bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng. So với chăn nuôi lợn, gà...thì chăn nuôi bò sinh sản có thu nhập ổn định, ít bị thua lỗ", ông Xuân nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem