Lào Cai: Khuyến cáo không phát triển nóng sa nhân tím từng gây "sốt"
Lào Cai: Từng gây "cơn sốt", vì sao tỉnh này khuyến cáo người dân không phát triển “nóng” sa nhân tím?
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 17/12/2020 14:00 PM (GMT+7)
Trong những năm gần đây, sa nhân tím được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” đối với nhiều hộ gia đình ở Lào Cai. Tuy nhiên, do phát triển “nóng” cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu vụ giá quả sa nhân tím tươi xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 40.000 đồng/kg...
Cây sa nhân được trồng ở Lào Cai chủ yếu là sa nhân tím. Theo chia sẻ của một số hộ dân, những vụ trước, sa nhân tím được giá cao, trung bình 180.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg. Nếu được chăm sóc tốt, mỗi ha sa nhân tím cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, tương đương với doanh thu 350 - 400 triệu đồng.
Giá bán thấp kỷ lục
"Sở NNPTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chi cục kiểm lâm, các đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tạm thời không mở rộng thêm diện tích trồng cây sa nhân, nghiêm cấm không trồng loại cây này dưới tán rừng tự nhiên, hoặc phá rừng để trồng cây sa nhân".
Ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc
Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai
Được đánh giá là cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống, bởi vậy, trong một thời gian ngắn, cây sa nhân tím đã tạo nên "cơn sốt" đối với người dân ở Lào Cai. Từ một số xã trồng nhiều như Phìn Ngan (Bát Xát), Nậm Chảy, Tung Chung Phố (Mường Khương), cây sa nhân tím lan rộng, có mặt tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, khi người trồng sa nhân đang "ôm mộng" đổi đời thì thị trường ngay lập tức "giội một gáo nước lạnh". Vụ sa nhân tím năm nay, giá quả tươi đầu vụ chỉ đạt trung bình 40.000 đồng/kg, bằng 1/4 giá cùng kỳ năm 2019.
Theo một số tiểu thương thu mua giải thích, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 khiến việc giao thương với phía Trung Quốc gặp khó, chi phí trung gian dành cho việc bảo quản, chuyển tải, giao dịch giữa hai bên tăng lên khiến giá sa nhân tím giảm mạnh.
Bà Chảo Kiếu Mẩy (ở thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan, Bát Xát) cho biết: "Gia đình tôi trồng hơn 2ha sa nhân tím, năm trước thu được hơn 500 triệu đồng. Nhưng sang năm nay giá thấp quá, đầu vụ tôi bán một phần, chỉ được 40.000 đồng/kg, một phần tôi để lại nghe ngóng thị trường. May mắn đến cuối mùa giá tăng lên 140.000 đồng/kg nên tôi vẫn thu được khoảng 200 triệu đồng".
Gia đình bà Mẩy ở ngay gần điểm thu mua sa nhân, bà vừa thu hoạch vừa nghe ngóng tin tức từ thương lái. Theo bà Mẩy, bán với giá 140.000 đồng/kg thì sa nhân vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ những năm trước.
Theo bà Mẩy tính toán, trừ các chi phí cho việc trồng, chăm sóc và công thu hái thì thu nhập từ sa nhân tím chỉ còn gần 100 triệu đồng.
Giá bán sa nhân giảm mạnh nên việc mua bán cây giống tại Phìn Ngan sau vụ thu hoạch cũng trở nên trầm lắng. Nếu như những năm trước, dọc tuyến đường trong xã có rất nhiều tấm biển "bán sa nhân giống" thì năm nay, các cơ sở bán cây giống ế ẩm vì không có ai tìm mua. Tại các buổi chợ phiên, các gian hàng bán sa nhân giống cũng giảm đi đáng kể, số người ghé mua cũng không nhiều.
Không khuyến khích phát triển
Xã Nậm Chảy được coi là địa phương đầu tiên phát triển cây sa nhân tím thành hàng hóa của huyện Mường Khương, tuy nhiên trước tình cảnh giá cả xuống thấp, bà con ở đây cũng rất lo lắng.
Theo ông Ma Chiến Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy, cây sa nhân tím có mặt tại địa bàn xã từ năm 1993, nhưng mới phát triển mạnh từ khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện xã Nậm Chảy có hơn 300ha trồng sa nhân tím.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, mặc dù nguồn thu từ cây sa nhân đã giúp nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, nhưng xã Nậm Chảy không khuyến khích phát triển mạnh loại cây này.
"Sa nhân không có đầu ra ổn định, việc phát triển ồ ạt có nguy cơ làm suy thoái rừng do cây được trồng dưới tán rừng và phát triển rất mạnh, ảnh hưởng đến các cây con tự nhiên. Bởi vậy, chúng tôi không khuyến khích mở rộng mà chỉ giữ nguyên, chăm sóc tốt diện tích hiện có. Giá sa nhân tím năm nay xuống thấp, khó tiêu thụ nên tạm thời chúng tôi khuyến cáo người dân phơi, sấy khô để bảo quản, đợi thị trường tăng giá" - ông Phúc nói.
Anh Lý Quẩy Phú - tiểu thương tại xã Phìn Ngan (Bát Xát), chuyên gom mua sa nhân trong tỉnh, chia sẻ: "Năm nay sa nhân rất khó tiêu thụ, vậy nên tôi đầu tư hơn 70 triệu đồng xây lò để sấy khô sa nhân bảo quản, đợi thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn sẽ xuất bán. Mỗi năm, tôi thu mua được khoảng 200 tấn sa nhân tươi cho bà con trong tỉnh và một phần sản lượng từ tỉnh Lai Châu".
Theo anh Phú, giá thu mua sa nhân của bà con phụ thuộc vào giá bán cho tư thương Trung Quốc và chi phí trung gian. Đây là năm đầu tiên anh Phú phải sấy khô. Cứ 10kg quả tươi sẽ được 1,7kg quả khô, giá quả khô là 600.000 đồng/kg.
Anh Phú tính toán, việc sấy khô so với bán tươi giá trị lợi nhuận tương đương nhau, nhưng sấy khô có lợi thế hơn về bảo quản, tránh bị hỏng. Hiện nay, trong kho của anh Phú còn tồn khoảng 4 tấn quả khô.
Trao đổi với phóng viên, ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, sa nhân tím là một trong những cây dược liệu mới được đưa vào quy hoạch trồng từ năm 2018, mục tiêu đến năm 2030 mới là 3.000ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, do cây sa nhân được đưa vào trồng ồ ạt nên nguy cơ diện tích sẽ vượt cao so với mục tiêu quy hoạch.
"Sở NNPTNT sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn tìm hiểu về thị trường để có phương án vừa đảm bảo bài toán cung - cầu, vừa tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế bền vững" - ông Tiến khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.