Lao động khổ sai thời hiện đại

Thứ sáu, ngày 19/10/2012 19:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 20 người ở Phú Yên bị lừa bán làm lao động khổ sai ở Lâm Đồng, bị bắt làm việc thâu đêm suốt sáng, bị đánh đập, giam giữ... Chuyện xảy ra ở thời này, trên đất nước này mà như chuyện nô lệ thời trung cổ.
Bình luận 0

Gần đây, ở Trung Quốc, báo chí cũng đã điều tra được một vụ tương tự, đó là một nhóm tội phạm chuyên bắt người đưa vào làm việc ở trong các hầm mỏ. Họ bị đày đọa, bỏ đói và làm việc đến kiệt sức, đến ngu dại. Sau khi vụ việc được phanh phui, dân chúng vô cùng phẫn nộ, yêu cầu xử lý thật nghiêm để ngăn chặn tội ác bắt người làm nô lệ.

Chuyện tưởng chỉ có ở xứ người, nhưng không ngờ vẫn liên tục xảy ra ở xứ ta. Nói âm ỉ là vì, tuy không có những vụ lao động khổ sai hàng trăm người, nhưng đâu đó lẩn khất trong những vùng quê nghèo, rừng sâu núi thẳm, đang có những ông chủ độc ác sử dụng lao động như vậy. Tình trạng lừa người dân đi làm thuê, hứa trả với số tiền vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng sau đó giam giữ lại, bắt làm việc và trả lương thấp đã từng xảy ra. Tuy mức độ tàn ác có thể khác nhau, nhưng bản chất của vấn đề chỉ có một.

Ở nhiều vùng có hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là đào đãi vàng, có những ông chủ thuê thanh thiếu niên làm công với những lời hứa hẹn rất hấp dẫn. Nhưng đến khi người lao động sập bẫy, họ bị bắt làm việc theo kiểu khổ sai, bị canh giữ không cho rời khỏi mỏ. Chưa kể, ở nhiều nơi có tình trạng sử dụng lao động trẻ em, làm việc trong cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm việc nhà, các em bị đánh đập tàn nhẫn - cháu Hào Anh ở Cà Mau là một ví dụ nhỏ. Chuyện đau lòng như vậy ngay trên đất nước mình kể ra không ít.

Một hình thức nô lệ khác, đó là nhiều trường hợp thiếu nữ bị lừa vào làm việc ở các quán cà phê, nhà hàng, sau đó bị bắt phục vụ tình dục cho khách. Ai không tuân lệnh thì bị đánh đập, dọa giết. Nạn nhân bị giam cầm, không có cách thoát thân hoặc liên lạc với gia đình. Bị làm nô lệ kiểu này còn tan nát cuộc đời hơn cả lên rẫy hái cà phê.

Có một điều, hầu hết các nạn nhân của các kiểu nô lệ trên đều là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi. Họ quá nghèo khổ nên cùng đường kiếm ăn, họ ít học nên không đủ chữ để suy nghĩ thiệt hơn, họ quá tăm tối nên không có kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình.

Trở lại vụ lừa người lao động tại xã Ea Bia (Sông Hinh), việc phải làm kiên quyết là điều tra và xử lý thật nghiêm những kẻ có hành vi vi phạm. Phải xử thật nặng mới đủ sức răn đe, ngăn chặn tội ác. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ là giải quyết cái ngọn. Cái gốc vẫn là làm sao giúp đỡ để người dân nông thôn, miền núi có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện để sản xuất, vươn lên thoát khỏi thân phận đói nghèo, tăm tối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem