“Tự lực” về an sinh
Khi công việc mùa vụ hoàn tất, 5 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Mai (quê xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) gồm bà Mai, 2 con gái, 2 cháu ngoại hơn 3 tuổi và 9 tháng tuổi bồng bế nhau lên Hà Nội kiếm sống. Cả mấy mẹ con, bà cháu lên phố thuê tạm căn nhà trọ khoảng 15m2 tại ngõ 178 Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), với giá hơn 1 triệu đồng/tháng.
Mỗi người một việc, bà Mai có xe đẩy bán đồ ăn nhanh “đủ món” từ ngô luộc, bánh mì, thịt xiên, trứng cút luộc bán dạo trên phố đến khoảng 1-2 giờ đêm mới về. Chị Phạm Thị Hân (26 tuổi) – con gái lớn của bà Mai bán bánh tráng trộn tại điểm chợ Nhà Xanh phục vụ sinh viên. Còn công việc trông trẻ nhỏ dành lại cho người em gái 18 tuổi tại nhà trọ lúc mẹ và chị vắng nhà.
Thoăn thoắt đôi bàn tay rám nắng làm món ăn nhanh cho khách, bà Mai giãi bày: “Tiền bán thóc rẻ trong khi công chăm bón đắt đỏ, nếu không lên phố làm thêm kiếm sống mấy mẹ con coi như “thất nghiệp” không đủ tiền lo cho mấy miệng ăn”.
Một nhà trọ cho người lao động di cư trong ngõ Nguyễn Phúc Lai (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: M.L
Được biết, lý do bà Mai và chị Hân đưa 2 bé lên Hà Nội để chúng được gần mẹ, gần bà chăm sóc. Tuy nhiên, với bé Ngọc, dù đã đến tuổi gửi trường mầm non nhưng bà và mẹ chưa có điều kiện cho bé tham gia. Chị Hân cho hay, gia đình không có hộ khẩu, chưa đăng ký tạm trú trên địa bàn Hà Nội nên không thể gửi con học tại trường mầm non công lập. Trong khi, chị không đủ tiền cho con học tại trường dân lập vì chi phí đắt đỏ.
“Thương con còi bé hơn so với những đứa trẻ bằng tuổi, thỉnh thoảng chị mới mua cho con 1-2 hộp sữa, còn bình thường bé có gì ăn nấy. Có nhiều lần, con theo mẹ ra chợ bán hàng nhưng chị đành gạt đi gửi gắm con ở nhà cho dì hoặc hàng xóm trông coi giúp” – chị Hân thở dài.
Cùng dãy trọ với gia đình bà Mai là phòng trọ rộng 15-18m2 chứa 15 người gồm vợ chồng chị Phạm Thị Sao (22 tuổi) và anh Hoàng Văn Dương cùng con nhỏ 1 tuổi (quê xã Yên Thắng, Lục Yên, Yên Bái) và 12 người công nhân làm công trình cùng với anh Dương. Chị Sao cho biết, vợ chồng trẻ ở cùng có nhiều bất tiện. Trong khi đó, cả dãy trọ trên 30 người chỉ chung nhau có 1 nhà tắm, 1 nhà vệ sinh.
Điều mà chị Sao băn khoăn không phải sự bất tiện ở chung giữa đôi vợ chồng trẻ với nhiều người mà bởi lẽ không biết nên gửi con về quê hay cho con học tại Hà Nội khi bé khôn lớn. “Trước mắt, mình sẽ nấu cơm cho công nhân xây dựng, vừa chăm bé tại nhà trọ vì điều kiện kinh tế hai vợ chồng không có, trong khi chi phí chăm trẻ khá tốn kém. Nếu không giải quyết được vấn đề hộ khẩu, tạm trú của gia đình tại Hà Nội, có khi đợi con lớn rồi gửi về quê cho ông bà nội chăm”– chị Sao phân vân.
Tại khu ổ chuột nằm sâu trong ngõ Nguyễn Phúc Lai (Ô Chợ Dừa) với những dãy nhà tạm bợ là nơi trú ngụ của cư dân thuộc nhóm lao động di cư làm đủ thứ nghề từ bán hàng rong, ve chai, công nhân xây dựng, xe ôm…
Dọn bữa cơm gồm có dưa muối, đậu rán và bát cơm nguội được nấu từ sáng, bà Nguyễn Thị Bé (60 tuổi, quê ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) tâm sự, gia đình bà thuộc hộ nghèo được xã công nhận năm 2015. Vì hoàn cảnh khó khăn, bà lên Hà Nội nhặt ve chai kiếm tiền trang trải cho hai vợ chồng già. Do công việc lượm nhặt ve chai phải đi lại nhiều, bà Bé thường xuyên bị tê buốt chân tay, thấp khớp và bị thoái hóa cột sống.
“Mỗi tháng tôi về quê một lần, tháng nào đau yếu thì về 2 lần để khám bệnh vì chi phí khám ở quê rẻ hơn. Vừa rồi không may tôi bị va đập mạnh vào khung cửa khiến mắt đau nhức. Không có bảo hiểm y tế ở đây nên phải đi khám ngoài, cả tiền khám lẫn tiền thuốc mất gần 1 tháng thu nhập”– bà Bé xuýt xoa.
Còn với anh Lương Văn Toàn (30 tuổi, trú tại xã Mai Sơn, Lục Yên, Yên Bái) về Hà Nội làm công nhân xây dựng với thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, đã gần 3 hôm anh Toàn phải nghỉ làm do bắp chân sưng tấy, đau nhức do bị kiến ba khoang cắn. Thấy chúng tôi e ngại về vết thương, anh Toàn chỉ cười nhẹ bảo: “Đợi thêm vài hôm nữa nếu không đỡ mình mới đi khám. Không có bảo hiểm y tế mà đi khám ngoài thì mất vài triệu như chơi, con ở quê lại nhịn ăn”.
Toàn cảnh không gian xóm trọ nghèo của bà Nguyễn Thị Mai ở Mai Dịch (Hà Nội). Ảnh: B.M
Khó khăn cho người làm quản lý
Là người thường xuyên tiếp xúc, làm việc với nhóm đối tượng lao động di cư (LĐDC), ông Đỗ Văn Tân – cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhìn nhận, có nhiều người ở quê “kéo” theo con cái, họ hàng ra phố làm ăn, sinh sống. Phòng trọ với họ chỉ là nơi ngủ qua đêm. Cho nên có thực tế, nhiều người sống chung trong cùng một căn phòng chật chội. Thậm chí có cặp vợ chồng ngồi dưới nền nhà thì nửa chân cho vào gầm giường.
“Việc quản lý LĐDC gặp không ít khó khăn không chỉ với cán bộ quản lý mà ngay cả với chủ trọ, vì họ chủ yếu làm theo mùa vụ, có thể đầu tháng phòng trọ có 10 - 15 người ở nhưng cuối tháng chỉ còn vài ba người. Cũng có LĐDC có thu nhập cao, có xe cộ, phương tiện hiện đại dù rằng họ thiếu hụt về nhà ở” - ông Tân cho biết.
Bộ LĐTBXH cần rà soát và loại bỏ các quy định cho đến nay vẫn còn gắn các chính sách an sinh xã hội với hộ khẩu vì đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư. Cần tách bạch vấn đề hộ khẩu với quyền sở hữu đất đai, nhà ở, việc làm, học tập, giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Lao động di cư có quyền tiếp cận một cách công bằng các chính sách an sinh xã hội ở bất cứ nơi nào họ chọn để sinh sống”.
Bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc cấp cao Chương trình quản trị nhà nước của Oxfam
|
Theo bà Phạm Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương (TP.Hà Nội), Hội cũng tổ chức những buổi sinh hoạt, tuyên truyền để người di cư biết được quyền lợi của họ gồm những gì. Tuy nhiên, để mời được những hộ LĐDC đến là rất khó.
“Phường Chương Dương hiện có khoảng 2.000 LĐDC, phần lớn là không có đăng ký tạm trú, tạm vắng. Có trường hợp hôm nay chúng tôi mời lên phường làm việc, nhưng vì cuộc sống, ngày mai người lao động đã về quê hoặc đi nơi khác, khó quản lý được lâu dài. Muốn có những chính sách tốt với họ nhưng cần thời gian không thể thực hiệntrong một sớm một chiều” – bà Hạnh nói.
Trong khi các tỉnh đang “chạy đua” để xác định các hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, thì LĐDC - đối tượng rơi vào bẫy nghèo đa chiều tại thành thị - lại không được tính là hộ nghèo.
Bà Chu Thị Hạnh - Phó Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Hiện tại, chương trình giảm nghèo đa chiều mới chỉ hướng đến được đối tượng cùng cực, những đối tượng nghèo khó nhất trong xã hội nhằm giúp người nghèo vươn lên với mức ngang bằng chung của toàn xã hội chứ chưa thể mở rộng được đến tất cả đối tượng, trong đó có nhóm LĐDC, bởi nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn”
Luật sư Trịnh Quang Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS:
Chính quyền “bị động” khi giải quyết vấn đề di cư
Tình trạng di cư trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là một hiện tượng xã hội không thể chối bỏ được. Trong khi đó, chính quyền sở tại bị động giải quyết vấn đề di cư -họ không đưa ra và không lường được các chính sách xã hội với người di cư.
Phần lớn LĐDC là lao động mùa vụ, có người làm 1-2 tháng sau là họ về quê. Hơn nữa, lao động không ở cố định một chỗ, nay ở bến xe này, mai sang bến xe khác, hôm nay ở chợ Long Biên, ngày kia xuống chợ Lĩnh Nam. Vì vậy, chính quyền khá “bị động” khi quản lý các đối tượng di cư liên tục này. LĐDC lên thành phố chủ yếu là kiếm tiền gửi về quê nuôi gia đình nhưng cũng có một bộ phận bồng bế cả gia đình lên thành phố sinh sống. Tuy nhiên nhiều người vẫn không đăng ký tạm trú hoặc chủ nhà không tạo điều kiện cho họ đăng ký tạm trú. Do đó, từ những bất cập về phía chủ quan lẫn khách quan dẫn tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều LĐDC vẫn không được đảm bảo, dù họ đã ở Hà Nội 10- 20 năm.
Ví dụ con họ dưới 6 tuổi nhưng không được miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, không được tiêm chủng mở rộng, không được nhập học ở các trường công... Bố mẹ trên 80 không nhận được trợ cấp 300.000 đồng/tháng tại Hà Nội… Họ không được xét duyệt hộ nghèo, vì không có hộ khẩu. Họ không được tham gia các đoàn thể chính trị như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi. Khi gặp vấn đề muốn trợ giúp lại bị chính quyền, đoàn thể từ chối vì họ thuộc diện “vô gia cư” ở thành phố, không thuộc đối tượng chính quyền quản lý… Do đó, để “theo kịp” sự biến động của LĐDC, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần có những chính sách đặc thù, “thông thoáng” hơn cho LĐDC.
Bùi Mỵ (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.