Mùa vụ… lạnh lùng
Tại Phú Yên, thời điểm này hàng loạt doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, phải phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động. Do đó, thay vì bắt đầu việc tuyển thêm lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịp tết, thì hàng loạt chủ doanh nghiệp lại giảm việc, bớt nhân công. Điều này khiến cho thị trường việc làm mùa vụ cuối năm trở nên đìu hiu...
|
Lao động chờ việc cuối năm. Ảnh minh họa. |
Anh Đinh Ngọc Như (ở xã Hòa Trị, Phú Hòa) cho biết, giờ này mọi năm anh đã đi chặt mía thuê, hái cà phê... và kiếm chừng 3 triệu đồng/tháng. Gia đình anh luôn trông vào khoản thu nhập đáng kể này để tiêu tết. Nhưng năm nay, giờ này anh vẫn ở nhà chờ việc. “Chưa bao giờ khó kiếm chuyện làm mướn như trước tết này. Không hiểu sao cà phê, mía mật năm nay chẳng ai kêu công? Bí quá, tui muốn đi làm công nhân trong Nam nhưng mấy công ty ở trong đó đã dừng tuyển” – anh Như rầu rĩ.
Ông Hoàng Văn Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm (Đông Hòa) cho biết: “Bà con nông dân giờ năng động lắm, nhất là dịp cuối năm. Họ đi Tây Nguyên làm cà phê, đi thợ hồ, thu hoạch mía… tứ xứ. Thế mà năm nay “nằm nhà” nhiều quá! Thậm chí, mấy phụ nữ bóc vỏ hạt điều cũng đang than thở vì các xưởng chế biến đã đóng cửa”.
“Tôi có chồng và con đi làm thợ hồ tại TP. HCM, ở nhà chỉ lo người thân sẽ… về nhà sớm vì ít việc. Cha con ổng vừa điện chắc phải về ăn tết trước một tháng! Đi xa mà làm “bữa đực, bữa cái” thì thôi về cho đỡ tốn kém…”.
Chị Nguyễn Thị Lũy
(huyện Phú Hòa, Phú Yên)
“Tới lúc này, có thể khẳng định gia đình tui đã thất thu mùa làm mướn cuối năm nay. Tụi tui là thợ đụng, đụng gì làm nấy: Chặt mía, hái cà phê, khuân vác… Mọi năm, giờ này “việc đi tìm người”, nhưng vừa rồi tui phải điện thoại lên Gia Lai hỏi nhưng họ nói chưa cần! Vậy là tết này phải ăn nhín rồi”.
Ông Ngô Văn Thành (xã Hòa Phong, Tây Hòa, Phú Yên)
Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam là các tỉnh thành có nhiều làng nghề, cuối năm thường là đợt cao điểm thuê lao động thời vụ nhưng năm nay việc thuê mướn cũng yên ắng. Chị Vũ Thị Minh Hà - chủ xưởng mộc Minh Hà (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Mọi năm, dịp này nhà tôi thường thuê thêm khoảng 10 thợ công nhật và 3-5 thợ chuyên đi lắp đồ. Năm nay, cuối năm rồi mà hàng vẫn túc tắc, không đình đốn như giữa năm nhưng cũng chỉ cần tổng cộng 5 lao động”.
Anh Nguyễn Văn Thanh - thợ lắp đồ gỗ ở xưởng chị Hà khi nói tới ăn tết là buồn: “Bình thường em làm thợ mộc, lương khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, cuối năm thì đi chạy lắp đồ gỗ thuê cũng được dăm bảy triệu đồng ăn tết. Giờ xưởng mộc ít việc, em chỉ đi lắp bàn ghế theo hóa đơn. Ngày thường thì ngồi chơi, chỉ có thứ 7, Chủ nhật mới nhúc nhắc có việc, kiếm khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, không đủ ăn nói gì tới ăn, tiêu tết”.
Các làng nghề điều chỉnh sản xuất
Ông Khuất Văn Thành – Trưởng phòng Lao động việc làm huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: “So với năm trước, năm nay tỷ lệ lao động tự do làm việc tại các làng nghề như La Phù, Dương Liễu… giảm mạnh. Thay vì thuê lao động thời vụ, các gia đình tự điều chỉnh sản xuất nhằm giảm nhân công, tiết kiệm chi phí. Vì theo dự tính, tình hình kinh doanh của làng nghề trong dịp cận tết cũng khó khăn hơn so với cùng kỳ năm 2011”.
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội nhận định: Tình hình chung là thị trường lao động năm nay khó khăn hơn so với các năm trước. “Căn cứ vào các kênh thông tin trung tâm thu thập được, các doanh nghiệp, gia đình vẫn tuyển dụng lao động tự do, lao động thời vụ để phục vụ nhu cầu bán hàng tết. Đa phần vẫn là tuyển dụng lao động vận chuyển hàng hóa, bán hàng (hiện tại đã chiếm 50% nhu cầu tuyển dụng trên thị trường).
Tuy nhiên dù có khởi sắc thì nhu cầu về lao động dịch vụ cũng đã giảm so với các năm trước”- ông Thành cho biết. Ông Đỗ Quang Vui – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Toàn tỉnh có tới 62 làng nghề, thông thường các làng nghề này có thể giải quyết việc làm cho hơn nửa số lao động thời vụ trong toàn tỉnh, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tự do từ các vùng quê khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá… về làm việc. Tuy nhiên, năm nay số lượng lao động thời vụ cũng giảm”.
Theo ông Vui, mặc dù đã giáp tết nhưng hoạt động kinh doanh của các làng nghề cũng khá đìu hiu, vì thế việc tuyển thêm thợ phụ, nhân viên bán, giao hàng cũng không nhộn nhịp như mọi năm, do đó cơ hội việc làm cho lao động từ vùng khác là không có nhiều.
Hùng Phiên - Anh Thi - Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.