Lao động tự do ở Hà Nội sau gỡ phong tỏa: "Về quê cũng dở, ở không xong"
Lao động tự do ở Hà Nội sau gỡ phong tỏa: "Về quê cũng dở, ở không xong"
Lệnh Thắng
Thứ tư, ngày 15/09/2021 10:18 AM (GMT+7)
Sau khi nhiều khu vực phong tỏa trên địa bàn Hà Nội được gỡ bỏ phong tỏa, người lao động tự do mắc kẹt muốn trở về quê nhưng lại lo ngại lỡ nhiễm bệnh lây cho người khác, có người rơi vào tình trạng "đi cũng dở, ở không xong".
Ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai dù đã được gỡ bỏ phong toả từ ngày 12/9, song cuộc sống của người dân chưa có nhiều thay đổi, để đảm bảo an toàn, loại bỏ toàn bộ các trường hợp F0 trong cộng đồng, công dân ra vào đều được yêu cầu test nhanh Covid-19.
Bà Bùi Thị Hương là người duy nhất sống tại ngõ kinh doanh vận tải chuyển hàng vào thời điểm này, công việc vận tải hàng hoá không ngừng hoạt động nhưng phiền nỗi ra vào 3 lớp bảo vệ, người phụ nữ 65 tuổi ngại va chạm, trình bày nên bàn với chủ tạm thời nghỉ làm để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Hương kinh doanh chính là vận tải hành khách, năm ngoái dịch bệnh bùng phát, các chuyến xe khách đến các điểm du lịch như Sa Pa, Hà Giang liên tục phải huỷ còn những tuyến thường, lượng người đi do nhu cầu di chuyển dần hạn chế. Có nhiều giai đoạn khống chế được dịch, cho phép mở cửa du lịch cũng không "vớt vát" được là bao.
Không để tình trạng "đắp chiếu" doanh nghiệp, bà Hương chuyển sang hướng chạy xe chở hàng nhưng qua mỗi tỉnh, lệ phí xét nghiệm, test nhanh cho tài xế mỗi lần bằng quá phân nửa lãi chuyến hàng nên bà chán nản. Từ khi con ngõ 24 Kim Đồng gỡ bỏ phong tỏa, nhiều hàng hóa mắc kẹt nay mới được chuyển ra ngoài gửi đến người nhận.
Cuối con ngõ này có vị trí kinh doanh đẹp vì ngay cửa sau bến xe Giáp Bát, nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, trông giữ xe mọc lên san sát, con đường rộng chừng 3m2 luôn tấp nập người và xe cộ ra vào bất kể ngày đêm, giờ lập rào tôn, chốt chặn án ngữ mọi lối đi không có một bóng người.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đa phần các hộ còn sinh sống tại ngõ 24 Kim Đồng đều là người địa phương và cho biết chính quyền đang làm rất tốt để kiểm soát dịch bệnh nên người dân đều ủng hộ và cho rằng không có lý do nào để phản đối. Đến nay, địa phương này đã được gỡ bỏ phong tỏa tạm thời, nhưng nhiều người vẫn chọn cách ở nguyên một chỗ, chỉ đi ra ngoài để mua thực phẩm, xét nghiệm, tiêm vaccine theo yêu cầu của phường.
Ông Đỗ Thanh Tuy, 58 tuổi hành nghề sửa xe ở con ngõ 24 Kim Đồng này hơn 30 năm cho biết lần đầu tiên con ngõ phong tỏa, lương thực, thực phẩm thuốc men đều phụ thuộc vào mỗi tuần ít ỏi được phép ra chợ, những ngày đầu sử dụng thực phẩm do phường chi viện. Nay gỡ bỏ phong tỏa, các tiệm tạp hóa mở cửa trở lại, ông mới được ra ngoài mua gói mì, bao thuốc cho đã cơn thèm.
"Dịch bệnh là tình trạng chung, mình còn sức khoẻ là còn tất cả, nợ nần, sinh hoạt phí ai cũng phải trang trải nhưng nếu cứ nghĩ tiêu cực thì không nên. Sau khi được gỡ phong toả cuộc sống của người dân bắt đầu được nới lỏng hơn chút, được tự do ra quán tạp hoá đóng cửa cả tháng nay để mua đồ. Tôi cũng "ngứa chân ngứa tay" mang đồ sửa xe ra, sửa đi sửa lại chiếc xe đạp của thằng cháu cho đỡ quên nghề", ông Tuy nói.
Người lao động mắc kẹt mong muốn trở về quê
Từ khi phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm phong tỏa, Lê Ngọc Điệp, một lao động tự do quê Thanh Hóa thường thức dậy muộn để tiết kiệm bữa sáng. Hơn một tháng nay, bữa ăn của thanh niên này phụ thuộc hoàn toàn vào những túi hàng từ thiện.
Điệp ra Hà Nội làm công nhân đã hơn 3 năm. Từ khi chuyển sang làm công trình xây dựng ở phường Chương Dương, Điệp được ghép ở chung với 1 nhóm công nhân có gần 20 người cả nam và nữ sinh sống. Mọi người đều là người dân tộc thiểu số từ nhiều địa phương xuống Hà Nội kiếm việc làm trang trải cuộc sống gia đình ở quê.
Mỗi tháng nhận lương, Điệp và nhiều người khác đều tiết kiệm gửi hết phần tiền ít ỏi về quê, không có khoản dự phòng nên khi dịch bệnh xảy đến, phố Chương Dương Độ đóng cửa, Điệp hoang mang không biết xoay sở ra sao. Từng có giai đoạn làm thuê một mình ở Trung Quốc nhưng chàng trai này thừa nhận, đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy bế tắc, không biết làm cách nào để nuôi sống bản thân.
Cũng như Điệp, chị Lò Thị Mỷ ở Điện Biên cũng trông chờ vào những món hàng từ thiện để ăn qua ngày trong những ngày giãn cách. Đến khi gỡ bỏ phong tỏa, các chợ dân sinh được phép mở cửa trở lại trong khu dân cư, định ra chợ mua ít đồ cả thiện bữa ăn nhưng nhìn vào ví chỉ còn hơn 200.000 đồng là số tiền dự định mua vé xe để trở về quê chị lại ngậm ngùi rút ví lại.
Những ngày phong tỏa, gia đình ở quê gọi điện hỏi thăm chị luôn tỏ ra mạnh mẽ và trấn an chồng, con, song thực chất chị Mỷ cho biết chị cảm thấy rất lo lắng khi một mình ở giữa thành phố xa lạ, không có người thân bên cạnh. "Tính trở về nhà nhưng sợ mình nhiễm bệnh, lỡ về quê lây cho mọi người thì phải tội", chị Mỷ nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương, có đến 80% người lao động cư trú ở địa phương này mong muốn trở về quê để "duy trì sự sống".
Họ mong muốn được về quê đoàn tụ cùng người thân nhưng lại e ngại lỡ mắc bệnh lây cho mọi người. Nhưng nếu ở lại họ phải chịu cảnh ngày chỉ 1,2 bữa cơm cầm cự vì chưa biết đến khi nào mới được trở lại làm việc, kiếm tiền. Thiếu thốn về lương thực những ngày giãn cách là tình trạng chung của cuộc sống hàng trăm lao động tự do ở con phố Chương Dương. Họ đang rất cần sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền địa phương cũng như các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội muốn về quê, đăng ký ngay với chính quyền địa phương
Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cho biết, để đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, UBND TP giao Sở LĐTBXH tổng hợp nhu cầu trở về trở về quê của lao động ngoại tỉnh.
Do vậy, Sở LĐTBXH TP.Hà Nội đã có công van hỏa tốc yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo rà soát thống kê, tổng hợp danh sách người dân, người lao động ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê. Văn bản tổng hợp gửi về trước ngày 14/9, để báo cáo UBND TP trước ngày 15/9.
Trên cơ sở đó, Sở LĐTBXH TP.Hà Nội sẽ phối hợp với Công an TP xây dựng phương án hỗ trợ khi đủ điều kiện, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Theo thống kê sơ bộ của Sở LĐTBXH TP.Hà Nội, ước tính có khoảng 106.000 lao động tự do ngoại tỉnh cư trú không cố định trên địa bàn TP.
Để người lao động ngoại tỉnh vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội, các sở, ngành, địa phương đã triển khai hỗ trợ bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động các chủ hộ có nhà cho thuê miễn, giảm tiền thuê nhà; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ túi an sinh cho lao động tự do ngoại tỉnh.
Với những người không có nơi ở, một số địa phương đã sử dụng trường học, nhà văn hóa làm nơi ở tạm thời cho họ và hỗ trợ các sinh hoạt hằng ngày. Cùng với các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cũng giúp đỡ về lương thực, thực phẩm thiết yếu...
Đến 16h ngày 14/9/2021, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của T.Ư , đặc thù của TP.Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.101,760 tỷ đồng.
Các tổ chức chính trị, xã hội Thành phố và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho 908.462 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 268,374 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.