"Cột mốc" Lao Khô và câu chuyện về tình hữu nghị hiếm có Việt Nam - Lào

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh Chủ nhật, ngày 17/07/2022 10:36 AM (GMT+7)
Bản Lao Khô thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn la đã trở thành "cột mốc" của tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, biểu tượng của tấm lòng thủy chung, trong sáng hiếm có trong suốt chiều dài lịch sử.
Bình luận 0

Clip: Lao Khô "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào

Bản Lao Khô, tình đoàn kết lâu đời

Vượt qua cánh rừng già và những đoạn đèo dốc quanh co, ở độ cao trung bình gần 1.000m so với mặt biển, bản Lao Khô hiện ra trong một thung lũng nhỏ sát biên giới, đậm vẻ yên bình của những bản làng vùng cao. Địa danh Lao Khô được đặt tên theo cụ Tráng Lao Khô

Nơi đây vào những năm 1948 đến năm 1950, đồng chí Kaysone Phomvihane (sau này là Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào), cùng Ban xung phong Lào - Bắc được cụ Tráng Lao Khô và bà con nhân dân trong bản cưu mang, giúp đỡ hoạt động xây dựng căn cứ địa của cách mạng Lào. 

Và cũng từ đây những người con yêu nước của cách mạng Lào đã xây dựng căn cứ địa của cách mạng và thành lập Quân bản Itsala, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay. 

Đến Lao Khô lần này, chúng tôi may mắn được gặp ông Tráng Lao Lử, con trai của ông Tráng Lao Khô. Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng ông Tráng Lao Lử vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. 

Trò chuyện với chúng tôi, ông bồi hồi nhắc lại những câu chuyện đã được cha mình kể cho nghe về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại bản Lao Khô.

"Khi đồng chí Kaysone Phomvihane về ở cùng, cả gia đình đều rất nhiệt tình vui vẻ, xem đồng chí như người thân trong gia đình và còn nhận làm anh kết nghĩa. Để có chỗ nghỉ, cụ Tráng Lao Khô tự tay đóng giường để đồng chí Kaysone Phomvihane ngủ. 

Để giữ bí mật, gia đình cụ Tráng Lao Khô đưa đồng chí Kaysone Phomvihane ra ở hang Thẩm Mế, cách nhà mấy cây số đường rừng. Cứ vài ba ngày, cụ lại xay ngô, giã thóc, mang thức ăn vào tiếp tế cho người anh kết nghĩa" ông Tráng Lao Lử kể.

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 3.

Bản Lao Khô thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn. Ảnh: Lê Thanh

Tiếp tục hành trình đến Hang Thẩm Mế hay còn gọi là hang Cay Xỏn, một địa danh đã ghi đậm dấu ấn tình cảm của bà con bản Phiêng Sa (tên gọi cũ của bản Lao Khô) đối với Ban xung phong Lào-Bắc. 

Vào những năm 1948 đến năm 1950, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng đồng bào bản Phiêng Sa đã hết lòng giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như tiền của, giúp Ban xung phong Lào-Bắc mua sắm vũ khí phục vụ chiến đấu. 

Hàng ngày, ông Lao Khô mang lương thực, thực phẩm vào hang Thẩm Mế nuôi cán bộ Việt Minh và các đồng chí cán bộ nước bạn Lào. Đó là những hình ảnh ghi đậm tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt keo sơn của nhân dân huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào. 

"Năm đó, tôi khoảng 10 tuổi, nhiều lần đã được theo cha mình mang cơm vào rừng cho Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Những kỷ niệm về tình bạn đặc biệt với Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn được cha tôi trân trọng, coi đó là niềm vinh hạnh nhất trong cuộc đời ông. Cha tôi thường xuyên kể lại những câu chuyện này cho con cháu nghe và nhắc nhở mọi người luôn phải giữ gìn sự đoàn kết, tình cảm sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Lào", ông Tráng Lao Lử kể.

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 4.

Hang Thẩm Mế hay còn gọi là hang Cay xỏn, một địa danh đã ghi đậm dấu ấn tình cảm của bà con bản Phiêng Sa (tên gọi cũ của bản Lao Khô) đối với Ban xung phong Lào-Bắc. Ảnh: Lê Thanh

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 5.

Cụ Tráng Lao Khô (1890-1990), quê ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, Sơn La. Khoảng đầu năm 1930, gia đình cụ chuyển từ Vân Hồ về Phiềng Sa, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La sinh sống (cách nơi ở cũ tại huyện Vân Hồ khoảng hơn 100km). Ảnh: Tư liệu lịch sử.

Những việc làm thầm lặng của cụ Tráng Lao Khô và bà con dân bản Lao Khô để chở che, nuôi giấu, giúp đỡ đồng chí Kaysone Phomvihane và Ban xung phong Lào- Bắc an toàn, hiệu quả. Trong thời kỳ hoạt động bí mật tại vùng biên giới Việt - Lào, Ban xung phong Lào- Bắc như một đốm lửa ban đầu, lan nhanh thành ngọn lửa cách mạng Lào, giúp các bạn Lào chiến đấu giành độc lập dân tộc. 

Trên mảnh đất lịch sử này, giờ đây không chỉ đơn thuần tồn tại tình hữu nghị Việt - Lào mà còn tồn tại tình cảm thiêng liêng cao cả đó là tình cảm gia đình, một tình cảm huyết thống mà máu của hai dân tộc Việt và Lào đã hòa quyện vào nhau.     

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 6.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản trực tiếp gây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai nước cùng nhân dân quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp, là tài sản vô giá của hai dân tộc. Ảnh: Lê Thanh

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào

Ghi dấu sâu sắc về thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Kaysone Phomvihane và Đội xung phong Lào - Bắc, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã được xây dựng trong niềm mong mỏi của nhân dân các dân tộc nơi đây. Chính điều đó cũng đã giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tình đoàn kết Việt Lào.

Khu Di tích được quy hoạch trên diện tích gần 50 ha, gồm: Di tích gốc là khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào - Bắc thời kỳ 1948-1951; Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; Nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane; Bia dẫn tích tổng quan giới thiệu về di tích; Nhà đón tiếp, khu giáo dục truyền thống...

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 7.

Khu Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử, sự gắn bó máu thịt của tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào. Ảnh: Lê Thanh

Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào là nơi ghi đậm dấu ấn quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Kaysone Phomvihane, xây dựng căn cứ cách mạng của Ban xung phong Lào - Bắc, thành lập quân Itxala, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay, ghi nhớ công lao của ông Tráng Lao Khô với cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, sự gắn bó máu thịt của tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích còn là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình cảm thủy chung son sắt giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Em Tánh Thị Si, Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Em được biết đây là khu di tích thể hiện tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào. Bản thân em cũng có rất nhiều người bạn Lào, chúng em rất quý mến nhau. Em rất vui và tự hào vì điều đó.


Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 8.

Di tích lịch sử Lao Khô là minh chứng và khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Ảnh: Lê Thanh

Cùng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào

Trở lại Lao Khô hôm nay, đời sống của đồng bào Mông đã thay đổi. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà cây ăn quả đã mang lại thu nhập ổn định. 

Cả bản hiện có hơn 50ha trồng mận, nhờ đó đã mang lại  thu nhập từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ. Theo dự tính, chỉ từ 2-3 năm nữa, khi các diện tích trồng cây ăn quả khác bắt đầu cho thu hoạch, năng suất sẽ tăng lên nhiều lần, hơn 100 hộ trong bản sẽ không còn hộ nghèo.

Chị Tráng Thị Số, bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước đây gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gia đình đã có tiến bộ hơn. Chuyển sang trồng cây ăn quả đã cho kinh tế cao hơn, con cái cũng được đi học. Bây giờ bà con sẽ tập trung chăm sóc các cây mình đã trồng để cho năng suất cao hơn.

Không những thay đổi sản xuất lao động, mang lại cuộc sống đổi thay cho người dân trong bản, từ năm 2013, Bản Lao Khô còn tham gia kết nghĩa với bản Nà Khặng thuộc xã Nà Khặng, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của Lào.  

 Một ngày giữa tháng 6, chúng tôi được theo chân những người bạn ở Bản Lao Khô 1, chạy dọc tuyến đường quốc lộ 6C, cách chỉ 1,5km, đặt chân đến bản Nà Khặng. Chúng tôi được chào đón rất nồng hậu, tình cảm như những người anh em, những người thân trong một gia đình. 

Có qua đến đây, mới thấy được mối tình đoàn kết keo sơn của nhân dân 2 nước chúng ta, bởi cũng nhờ sự giúp đỡ của những người dân Việt Nam, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Lào vùng biên giới đã ấm no, hạnh phúc hơn rất nhiều.         

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 9.

Bản Lao Khô còn tham gia kết nghĩa với bản Nà Khặng thuộc xã Nà Khặng, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của Lào cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Thanh

Anh Giàng Lao Sang, Phó bản Nà Khặng, xã Nà Khặng, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào chia sẻ: Bản Nà Khặng với bản Lao Khô kết nghĩa với nhau là nhờ ơn của ông Cay xỏn-Phôm-vi-hản, ông Tráng Lao Khô và ông Giàng Lao Măng gắn kết mối tình đoàn kết. Sau khi kết nghĩa 2 bản đã luôn luôn trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển kinh tế.  

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 11.

Bản Nà Khặng, xã Nà Khặng, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Ảnh: Lê Thanh

Với những tình cảm chân thành, đẹp đẽ mà người dân bản Lao Khô nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đã dành cho, chủ tịch, lãnh tụ Cay xỏn-Phôm-vi-hản đã từng nói "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào – Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông". Điều đáng tự hào là trải qua hàng chục năm với bao biến động, đổi thay, mối tình đoàn kết Việt Nam – Lào vẫn được các thế hệ gìn giữ và phát huy.

Lao Khô  "Cột mốc" của tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 10.

Ngày nay, khi hai nước Việt Nam - Lào bắt tay vào xây dựng đất nước, mối quan hệ, tình cảm nhân dân hai bên biên giới này vẫn gần gũi, bền chặt như những người anh em. Ảnh: Lê Thanh

Con người và mảnh đất Lao Khô luôn giữ được ý thức đoàn kết dân tộc, tự hào truyền thống lịch sử cha ông mãi mãi xứng đáng với truyền thống yêu nước bất khuất tự lực tự cường của các thế hệ đi trước. Lao Khô xứng đáng trở thành "Cột mốc" của tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, biểu tượng của tấm lòng thủy chung, trong sáng. 

Hình ảnh chủ tịch Hồ Chính Minh và chủ tịch Cay xỏn-Phôm-vi- luôn hiện hữu, cổ vũ, động viên bà con Lao Khô tích cực lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng quê hương, cùng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững"

  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem