“Lão nhi” Phạm Toàn

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 28/06/2019 06:10 AM (GMT+7)
Phạm Toàn già rồi, U90 rồi, thì gọi là “lão”, đúng quá còn gì. Nhưng ông không phải loại người “lão giả an chi” mà còn rất hăng lao động, làm việc giúp ích cho đời. Thế còn “nhi” là trẻ con, là sao? Là vì Phạm Toàn nhiều tuổi, cao tuổi nhưng có già đâu.
Bình luận 0

img

Nhà giáo Phạm Toàn. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

“Lão nhi” là đứa trẻ già, là lão ngoan đồng, như ta vẫn hay gọi ông trời là “hóa nhi” mà Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã phiên thẳng ra tiếng Việt là “trẻ tạo hóa”. Vậy Phạm Toàn là một bậc “lão nhi”: Trẻ lão, một lão ngoan đồng thông thái. Điều này nói ra tất được sự nhất trí của mọi người những ai đã từng biết Phạm Toàn.

“Người cười” Phạm Toàn

Đặc điểm thân thiện trẻ lão bậc nhất của “lão nhi” Phạm Toàn là tiếng cười. Tiếng cười ấy hào hứng, hồ hởi, ha ha khi thích chí, đắc ý, và cả khi không vừa ý, nó biểu lộ một tâm hồn rộng mở sẵn sàng đối thoại với người đối diện một cách thân tình, bình đẳng, nó tạo ngay một không khí gần gũi, dễ trò chuyện. Gọi ông là Phạm Toàn “người cười” với tất cả ý nghĩa đẹp đẽ, sảng khoái của từ này cũng không ngoa.

Nhà giáo Phạm Toàn qua đời lúc 6 giờ 42 phút ngày 26/6 (24/5 Kỷ Hợi) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. 

Lễ viếng và truy điệu Nhà giáo Phạm Toàn từ 8h - 10h ngày 28/6 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội); Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển).

Nhà giáo Phạm Toàn được an táng tại quê nhà: Thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.

Tiếng cười của “lão nhi” Phạm Toàn đã ngừng hẳn lúc 6h42 ngày 26/6/2019. Nhưng tiếng cười ấy không tắt. Gần hai tuần trước khi mất ông còn gắng cười với bè bạn, học trò đến thăm, dù chỉ là khuôn hình miệng cười. Tiếng cười Phạm Toàn còn vang vọng trong tâm trí những người đã từng biết ông, làm việc với ông, chơi với ông, còn đọng lại trong những trang sách ông viết và ông dịch, trong những khi mọi người nhắc đến tên ông từ nay về sau.

Nhớ ông tôi nhớ từ tiếng cười ấy. Phạm huynh thích trêu chọc thằng em đồng Phạm là tôi. Trêu chọc và mắng mỏ, nào mày là thằng lười, thằng lêu lổng, thằng ba vạ nhất trần đời. “Cái thằng Le-Xờ-Pát-Sờ”, ông gọi tôi thế, chẳng là tôi phát âm tiếng Pháp (mà tiếng nào cũng vậy thôi) rất tồi, nên đọc tên trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội L’Espace thành “bồi” như vậy.

Tôi chống chế là cái món phát âm này em kém lắm, ông cười ha ha, cái điệu cười rất đặc trưng Phạm Toàn, rồi nói ngữ âm gì mày, chỉ được cái nữ âm là giỏi. Chọc đùa xong ông lại mắng: Tao đã bảo là mày đến anh vài buổi, anh luyện phát âm cho là đọc ngon ngay, vậy mà… Mày đúng là thằng lười, trông ông anh mày đây này, già thế rồi mà còn học, còn làm.

Tôi chịu điều ông nói. Phạm Toàn nhà giáo viết sách về tâm lý học giáo dục, nhận lời của nhà xuất bản là bắt tay viết ngay, chỉ sau mấy tháng là bản thảo đã xong, rồi sách in ra, dày dặn, đọc thích. Phạm Toàn nhà giáo bức xúc giáo dục, hễ có dịp, có diễn đàn là ông nói, ông phát biểu, ông viết bài.

Thế vẫn chưa đủ, ông tập hợp một nhóm các bạn trẻ có năng lực và tâm huyết, thuyết phục họ cùng ông lập ra nhóm Cánh Buồm và quyết tâm biên soạn bộ sách giáo khoa cho các bậc học, bắt đầu từ lớp Một. Công việc này gần mười năm qua đã cuốn hút hết tâm trí và thời gian tuổi già của ông.

img

Tác giả - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trò chuyện với nhà giáo Phạm Toàn thời gian ông đang điều trị bệnh. (Ảnh: X.N)

Cho đến tận khi vào cõi ông vẫn buồn một nỗi là không còn được sống nốt để viết cho xong bộ sách tâm huyết một đời dạy trẻ đó. Tôi có điện thoại rủ rê gì hay hỏi han gì, ông đều bảo nhanh lên anh mày còn phải làm việc, không đi đâu được anh mày còn việc làm, tiện thể lại mắng chứ đâu có như mày cứ chạy rông cả ngày.

Nhớ cái lần ông chuyển chỗ ở từ nhà con gái tại Khu đô thị Ciputra sang nhà con trai tại Láng Hạ, biết tin tôi gọi điện nói ông anh bây giờ gần nhà em rồi, em tiện sang chơi hơn, chưa chi ông đã đe: Sang ít thôi, để tao còn làm.

Ấy vậy, tham công tiếc việc, chạy đua với thời gian như thế, nhưng Phạm anh của tôi lại vẫn rất chăm chỉ đến những cuộc thảo luận, tọa đàm, trao đổi những vấn đề mà mình quan tâm, những cuộc ông thấy là cần phải đến, đến không chỉ một mình, còn kéo theo các em trẻ là học trò, là đồng nghiệp, là… (Hihi, tôi mà nói ra thì ông anh lại mắng).

Phạm Toàn sống khỏe sống vui còn ở tính hài hước. Ông cười rất thoải mái, tự nhiên, cười mình, cười người đều sảng khoái. Ông Phạm Toàn đã cho nhà văn Châu Diên (bút danh của ông) cái tính hài ấy đem vào truyện. Đọc truyện ông cứ là phải tủm tỉm, gật gù trên từng con chữ, câu văn, từng chi tiết, đối thoại, rồi từ đó mới ngẫm thấy và luận ra ý nghĩa. Ngẫm rồi vẫn lại phải cười với/cùng tác giả.

Một dạo, hộp thư điện tử của ông đề tên là photovidai@... (“photo” là viết tắt tên ông “phờ tờ”). Sau ý chừng vẫn thấy mình vĩ đại nhưng biết nên che giấu đi, thế là ông đổi lại email thành photokhiemton@...

Cánh Buồm vẫn ra khơi đón gió mới

Ông hài hước được ngay cả khi buồn đau. Bà mẹ ông là em gái tổng đốc Lê Hoan mới mất vài năm trước, thọ gần trăm năm. Hồi bà còn sống, chủ nhật nào ông cũng cưỡi xe gắn máy từ nội thành qua sông Hồng về Đông Anh thăm mẹ, nên tôi có định rủ rê ông đi đâu thì ông dặn là phải chừa chủ nhật ra.

“Tao mà vắng về một tuần là cụ lại hỏi mấy bà chị tao thằng Toàn đâu mà không thấy, hay nó lại làm gì bậy bạ rồi sợ không dám về thăm mẹ”, ông nói và cười, nhưng mắt rưng rưng. Tôi bảo anh thế là sướng quá rồi, ngoài bảy lăm còn được mẹ nhắc nhở, mắng mỏ.

Khi mẹ chuyển bệnh, ông được các bà chị ngoài tám mươi phân công viết điếu văn. Thế là ông chấp bút dự thảo “Lời điếu đọc tại lễ tang cụ Lê Thị Ngoạn, do bà chị cả Phạm Thị Khang đọc ngày 1/4/2015”. Ngày tháng ấy nghĩa là không phải, nghĩa là ông muốn mẹ mình sống mãi.

Nhưng mệnh trời không ai cưỡng được, nên ông cứ viết sẵn điếu văn cho mẹ, giọng điệu cứ bình thản, mà thực ra đây là viết cho mình, nén nỗi đau biết mình sẽ mất mẹ, để nhận từ mẹ cho mình những điều được mất ở đời khi mình cũng đã tuổi cao.

“Cụ Lê Thị Ngoạn đã chuẩn bị cho cuộc ra đi rất thanh thản, chắc chắn vì cụ đã tha thứ cho chúng tôi mọi điều chúng tôi từng sai trái có thể có, và cũng vì cụ yên tâm với những điều con cháu đã đạt được”. Nói về mẹ như vậy cũng là một cách an nhiên tự tại của Phạm Toàn.

Có một chiều thu ở quán Tre Palace trông ra sông Hồng trôi dài trong ánh ngày đang khuất dần vào tối, ông ra với tôi ngồi nhâm nhi, nhưng cả buổi đó Phạm anh cứ bồn chồn, day dứt, với một tâm trạng của chàng trai đang yêu bị người yêu hờn giận. Ông cuống quít lo nàng không gọi điện nữa, ông ôm tôi hỏi làm sao bây giờ, mặc tôi vận dụng hết mọi kinh nghiệm cuộc đời sách vở làm “cố vấn ái tình” ông vẫn không yên, không nguôi.

Thương ông anh, tôi cầm điện thoại gọi cho nàng, ông lại hốt hoảng, liệu nàng nghe máy không, nghe máy thì liệu nàng có nghe anh không, có nói với anh không. Ôi dào, máy thông rồi đây, hai người nói chuyện với nhau đi, em uống đây. Tôi ngồi cầm cốc bia nhấm nháp và nhìn ông anh đứng bên vệ sông, nửa người khuất bóng tre che ánh đèn, nói qua điện thoại với nàng giọng rất chi là nhẹ nhàng, tình cảm. Đúng là tình yêu không có tuổi và không chọn tuổi.

Cuộc tình ấy Phạm anh tôi làm thơ nhiều lắm, chép đầy cả một sổ tay, tuyền là thơ sáu tám, mỗi bài đầu đề chỉ một chữ nói lên một tâm trạng, một cảm xúc hay một sự việc.

Như đây là “Khóc”: Hai lần em khóc, biết rồi/Lăn tăn gò má, rối bời lòng ai.

Như đây là “Uống”: Trẻ trung thích nghĩ xa xôi/Già rồi chỉ nghĩ một nơi thật gần.

Như đây là “Cưới”: Ra về lại hứa trước đèn/Cùng em sống chết vẹn Nguyên trọn đời.

img

Tác giả Phạm Xuân Nguyên cùng với nhà giáo Phạm Toàn, nhà giáo Văn Như Cương và những người bạn trong một cuộc trà dư tửu hậu. (Ảnh: X.N)

Cứ thế, cả một tập nhật ký thơ được ông gộp vào cùng những bài thơ viết từ lâu nay, soạn thành một tập thơ “Lát giây”. Tập nhật ký thơ này hồi còn cuộc tình vào một lúc cao hứng ông đã trao nguyên bản chép tay cho tôi, lại còn đề hẳn vào là giao cho thằng Phạm em giữ và chỉ được công bố khi Phạm anh chết. Nhưng rồi một hôm ông anh nói là mượn lại, tôi đưa, và thế là ông anh giữ lại luôn. Thật là tôi dại quá, mấy lần đã đòi mà chẳng được lại.

Bây giờ “lão nhi” Phạm Toàn đã mất. Ông đã sống cuộc đời ngót chín phần mười thế kỷ của mình có thể nói là thích chí như một đứa trẻ, hồn nhiên và ngây thơ, làm những gì mình thích và thích những gì mình làm. Đặc biệt với nhóm giáo dục Cánh Buồm ông lập ra và điều hành vào chặng cuối chót đời mình, Phạm Toàn đã mở một lối đi cứu thoát cho nền giáo dục nước nhà đang trong cơn khủng hoảng. Ông về giời nhưng Cánh Buồm vẫn ra khơi đón gió mới.

Anh Toàn, anh muốn em viết điếu văn cho anh. Và điếu văn đó em sẽ viết bằng những bài thơ anh để lại chưa từng công bố. Đã có một Phạm Toàn nhà giáo dục, nhà sư phạm, nhà văn, nhà dịch thuật. Và có thêm một Phạm Toàn nhà thơ. Em muốn được cùng anh chia sẻ mấy bài trong bài viết này. Rồi em sẽ cùng gia đình xuất bản tập thơ này cho anh. Như vậy anh lại vẫn cùng cười khóc với nhân gian, “lão nhi” Phạm Toàn ạ!

TRẦN GIAN NÀY VẮNG LẮM

Sao có quá nhiều người

Trần gian đầm nước mắt

Sao thừa thãi tiếng cười

Trần gian là sum họp

Vì có người xa nhau

Trần gian là nháy mắt

Một cùng cực dài lâu

Trần gian là lãng quên

Một lẵng đẵng thương nhớ

Trần gian là mênh mông

Nặn lại thành bể nhỏ

Chú Cuội mình chầm chập

Cất giọng nói tờ ơ

Chắt chiu đào phai nhạt

Ấm chiều đông bơ xờ

Trần gian là dấu chấm

Nằm gọn một quả còn

Vệt dài sao băng rớt

In dấu trong mỏi mòn

Mong manh một lá cỏ

Muôn đời chẳng tàn phai

Mơ hồ đôi mắt nhỏ

Thức suốt những canh dài

Có một đời xây đắp

Có một đời nát tan

Có không niềm an ủi

Hạnh phúc là trần gian

(1986)

MỘT NÉN HƯƠNG

Một nén hương

Gửi người không sinh ra ta

Một nén hương

Gửi thời gọi bằng thơ ấu

Một nén hương

Gửi tuổi về già

Một nén hương

Gửi tới miền sáng chói

Một nén hương

Gửi cõi âm u

Một nén hương

Gửi cho bầu bạn

Một nén hương

Gửi những cõi hận thù

Thắp một nén hương

      gửi những gì đã mất

Thắp một nén hương

     gửi những gì đang trôi qua

Còn một nén hương

    giành cho ta!

(1987)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem