Lão nông nhiệt huyết gìn giữ nhạc ngũ âm

Chúc Ly Thứ tư, ngày 29/06/2016 06:22 AM (GMT+7)
Tại ấp Nguyễn Tấn Thêm, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), lão nông Danh Trung Hiếu đã dành gần trọn đời mình để gìn giữ, bảo tồn dàn nhạc ngũ âm mà cha ông để lại.
Bình luận 0

Đam mê từ thơ ấu

Ông Danh Trung Hiếu (69 tuổi), có khả năng chơi được tất cả các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm của người Khmer, đồng thời còn có nhiều sáng tạo trong việc dạy các cháu thiếu nhi đánh theo lời những bài hát có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ…

img

Ở tuối xế chiều, ông Hiếu (trái) vẫn say mê gìn giữ tinh hoa dân tộc. Ảnh: CHÚC LY

Ngoài dạy nhạc truyền thống của đồng bào Khmer, ông Hiếu còn sáng tạo dạy các cháu thiếu nhi đánh đàn theo những bài hát có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”, “Em mơ gặp Bác Hồ”, “Em là mầm non của Đảng”… 

Có lẽ “máu” mê âm nhạc ông Hiếu được thừa hưởng từ người cha. Khi lên 9 tuổi, Hiếu đã nằng nặc xin cha cho học nhạc ở chùa. Thương con, ngày ngày cha cõng Hiếu ra chùa Tràm Chẹt cho tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc.

Các sư nhận thấy khả năng đặc biệt của Hiếu nên tạo điều kiện cho làm quen với từng loại nhạc cụ. Sau 2 năm học tập, Hiếu đã chơi thuần thục được các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, có thể cùng cha, chú đi khắp nơi biểu diễn khi tuổi chưa tròn 11. Dần dần, ông trở thành người chơi chính trong dàn nhạc ngũ âm. Ngoài ra, ông còn mày mò học được cách phối nhạc ngũ âm cùng các nhạc cụ khác như đàn cò, armonica... để biểu diễn mỗi dịp lễ hội khiến nhiều người nể phục.

Theo ông Hiếu, dàn nhạc ngũ âm có 7 nhạc cụ gồm: Dàn gỗ đôi (rôniêt ek), dàn gỗ đơn (rôniêt thung), dàn sắt (rônek đek), trống đánh dùi (skô chok), trống đánh tay (samphô), dàn cồng (cuông) và kèn (srôlay pin piết) được tạo thành bằng 5 chất liệu: Sắt, đồng, gỗ, da và hơi. Khi đem hòa phối với các loại nhạc cụ khác sẽ tạo ra những âm thanh  vô cùng độc đáo.

Giữ hồn văn hóa dân tộc

Ông Hiếu chia sẻ: “Dàn nhạc này là của tập thể bổn chùa giao cho cha tôi quản lý để tiện cho bà con trong xóm có thể cùng nhau chơi. Đến khi cha tôi qua đời thì chùa giao tôi gìn giữ. Tôi và nhiều người trong xóm này nhận nhiệm vụ phục vụ âm nhạc cho bà con vào các dịp lễ hội như lễ Dolta, Ok om bok...”.

img

Ông Hiếu bên dàn gỗ, một trong những nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm. Ảnh: CHÚC LY

Điều ông luôn trăn trở là làm sao truyền lại được tất cả kiến thức âm nhạc tích lũy được để thế hệ sau này tiếp nhận và lưu giữ. Gần 10 đứa cháu nội, ngoại của ông Hiếu cũng được truyền dạy chơi nhạc ngũ âm từ năm 10 tuổi.

Hiện nay, Danh Trường, 10 tuổi, cháu ngoại ông Hiếu đã là nhạc công chơi trống thực thụ, đi biểu diễn trong những dịp lễ, tết của đồng bào Khmer, còn cháu ngoại Danh Ngọc Giàu cũng chơi rất thuần thục dàn gỗ. Ở cái tuổi xế chiều, ông Hiếu càng say sưa truyền dạy nhạc ngũ âm cho thế hệ con cháu mình, bởi ông luôn tâm niệm “tre già thì măng mọc”, khi nào còn hơi sức là còn dạy và chơi nhạc ngũ âm, để giữ hồn văn hóa dân tộc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem