Lập lờ tiền giải ngân

Thứ hai, ngày 25/10/2010 08:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc nhập nhằng các khoản tiền hỗ trợ học nghề của hai trung tâm dạy nghề tại Vĩnh Phúc chưa được làm rõ, đã ảnh hưởng tới quyền lợi của rất nhiều nông dân. Đến giờ, việc giải quyết vẫn giẫm chân tại chỗ...
Bình luận 0
img
Gần một năm trôi qua chị Ôn Thị Bảy (xã Đạo Trù, Tam Đảo) vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ học nghề dành cho LĐ nghèo.

Văn bản trả lời chưa rõ ràng!

Liên quan tới thông tin trên báo NTNN, ông Đỗ Khắc Phong-Trưởng phòng Dạy nghề, thay mặt Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc có công văn trả lời và thừa nhận vấn đề Báo nêu là đúng sự thật…

Đáng nói nhất, Quyết định đình chỉ hoạt động của Trung tâm dạy nghề hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc của Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc là không thoả đáng. Chỉ sau 4 ngày từ khi nhận được lá đơn xin giải thể của cá nhân Giám đốc Trung tâm, Sở đã có quyết định đình chỉ hết sức chóng vánh, đẩy cuộc sống của hàng trăm học viên, cán bộ công nhân viên của Trung tâm vào bước đường cùng. Thực tế thì Sở không có quyền đình chỉ mà phải là UBND tỉnh - cơ quan ra quyết định thành lập. Tuy nhiên sai phạm này lại không hề được nhắc đến trong công văn trả lời.

Giải thích về việc ban hành văn bản không đúng quyền hạn và có sai phạm về mặt nội dung, ông Đỗ Khắc Phong cho rằng: "Đó chỉ là sai lầm về mặt câu chữ, Sở không có quyền đình chỉ, mà chỉ tạm dừng hoạt động của Trung tâm. Do tôi đi vắng nên anh Phạm Thế Vinh - Phó Trưởng phòng còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm dẫn đến ban hành một quyết định thiếu chính xác". Tuy nhiên giải thích này không thoả đáng bởi chính ông Nguyễn Văn Thắng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH là người trực tiếp đặt bút ký ban hành văn bản và cả hai ông đều không giải thích được vì sao lại trình ký văn bản này.

Hành động khó hiểu bị lờ đi

Hàng trăm dân nghèo đi học nghề chưa nhận được hỗ trợ trong khi khoản tiền cấp cho hoạt động này đã có (25 tỷ đồng trong tổng 42 tỷ đồng UBND tỉnh quyết định cấp cho Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc năm 2010), Sở không có lý giải thuyết phục về việc chi tiền. Trong đó, riêng Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo tỉnh Vĩnh Phúc chưa được giải ngân khoản tiền 281 triệu đồng ký bổ sung để chi trả cho người dân.

Ngay sau khi NTNN có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc, ngày 15-10, cơ quan này có công văn gửi Trung tâm Dạy nghề trợ giúp người khuyết tật Vĩnh Phúc với nội dung hết sức khó hiểu: "Chuyển mục đích chi".

Theo đó, công văn ghi rõ: Ngày 8-10-2009 hội đồng thẩm định duyệt quyết định cấp 52,3 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí đào tạo cho Trung tâm theo Nghị quyết 34. Công văn "Chuyển mục đích chi" được ban hành ngày 30-11-2009 thì mãi tới 15-10-2010 (gần 1 năm) phía Trung tâm mới nhận được.

Bà Trần Thị Tú - Giám đốc Trung tâm bức xúc: "Thực chất từ trước đến nay Trung tâm chưa nhận được số tiền nào hỗ trợ kinh phí đào tạo. Trung tâm mới chỉ nhận 2 đợt tiền với tổng số là 456,5 triệu đồng và đã chi trả hết cho dân. Giờ nói đã hỗ trợ kinh phí dạy nghề, bắt "chuyển mục đích chi" thì chúng tôi lấy đâu tiền mà chuyển".

Để giải quyết những hậu quả, hạn chế trong hoạt động dạy nghề nói chung và việc ban hành các văn bản nói riêng, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều phương án: Đình chỉ hoạt động dạy nghề lưu động; các trung tâm dạy nghề chỉ được đào tạo khi có quyết định của Sở; khống chế việc mở lớp; soạn công văn gửi UBND tỉnh xin cấp thêm kinh phí để tiếp tục chi trả cho lao động học nghề. Trong khi đó một loạt các "hành động khó hiểu" trong việc đình chỉ hoạt động và cấp tiền lại bị lờ đi.

Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là làm sao để giải quyết hỗ trợ tiền cho bà con nông dân và làm yên lòng dân thì Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc lại chưa hề nhắc tới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem