Lập lực lượng kiểm ngư: Kiểm soát tranh chấp dân sự trên biển

Thứ tư, ngày 21/03/2012 11:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thủ tướng vừa giao Bộ trưởng Bộ NNPTNT thừa Ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần tới về chủ trương xây dựng lực lượng kiểm ngư.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Lưu Văn Huy - Chánh Thanh tra Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án Kiểm ngư.

Ông có thể cho biết, vì sao chúng ta phải xây dựng lực lượng kiểm ngư vào thời điểm này?

- Nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển nước ta rất đa dạng về số loài, với trữ lượng khoảng từ 4,5 đến 5 triệu tấn với khả năng cho phép khai thác khoảng 1,8 đến 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản này đang bị giảm sút và đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

img
Có lực lượng kiểm ngư, ngư dân sẽ an tâm đánh bắt, khai thác trên biển.

Trong khi đó, tàu cá tăng nhanh về số lượng với 128.000 chiếc, tổng công suất khoảng 6,1 triệu CV. Rồi ngư trường khai thác hầu như chưa được mở rộng, vì vậy dẫn đến tình trạng mật độ tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển quá cao. Tình trạng cạnh tranh, tranh chấp ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề và giữa tàu thuyền các địa phương diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở một số ngư trường trọng điểm và vùng nước ven bờ...

Thứ hai, vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chiều hướng gia tăng. Tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm thuỷ sản diễn ra thường xuyên với hàng trăm lượt mỗi ngày. Tuy nhiên do lực lượng kiểm tra, kiểm soát quá mỏng nên chúng ta chỉ chủ yếu phát hiện và xua đuổi, các trường hợp tàu nước ngoài bị ta bắt giữ thường chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo và được ta phóng thích ngay trên biển do không đủ lực lượng và khả năng để đưa về bờ xử lý.

img Việc giải quyết các vi phạm về ngư trường, xu hướng của thế giới là không dùng lực lượng vũ trang. Việc thành lập lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ theo hướng đó. img

Tình hình ngư dân Việt Nam bị các nước khác trong khu vực bắt giữ thường xuyên diễn ra nhưng tăng đột biến trong vài năm gần đây với tính chất vụ việc phức tạp hơn rất nhiều.

Thứ ba, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản ở 28 tỉnh ven biển có khoảng 300 người với khoảng 100 phương tiện tàu, xuồng, cano phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển với tổng công suất khoảng trên 22.000 CV.

Tuy nhiên, hầu hết các tàu này đều được đóng từ khoảng 10 năm trước đây và không được thiết kế để chuyên làm công tác kiểm tra kiểm soát; nhiều tàu được cải hoán từ tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần... vì vậy không đáp ứng được các yêu cầu tính năng kỹ thuật của một tàu công vụ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên biển... Đó là ba trong rất nhiều nguyên nhân đặt ra yêu cầu bức thiết cần thành lập lực lượng kiểm ngư để góp phần giải quyết những bất cập trên.

So với hải quân, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư sẽ có chức năng gì khác và nhiệm vụ chính của kiểm ngư là gì?

- Khác nhau ở chỗ, đây là lực lượng dân sự, nhiệm vụ chủ yếu của kiểm ngư là bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Cụ thể như: Kiểm ngư sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Vùng khai thác, tuyến khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác, kích cỡ mắt lưới được phép khai thác; giấy phép hoạt động khai thác; kiểm soát việc dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác huỷ diệt nguồn lợi sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, kiểm ngư cũng xây dựng khả năng hỗ trợ cho ngư dân khai thác và bám biển.

img
Ông Lưu Văn Huy - Chánh Thanh tra Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT)

Kinh nghiệm quản lý về khai thác hải sản ở một số nước có đặc điểm về quản lý nguồn lợi thuỷ sản tương đối giống Việt Nam cho thấy, ngoài các biện pháp quản lý nghề cá nói chung, tất cả các quốc gia đều chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát các hoạt động nghề cá trên biển thông quá tổ chức và hoạt động của lực lượng dân sự chuyên trách.

Ví dụ: Mô hình ở Trung Quốc, Trung ương có Trung tâm Chỉ huy Ngư chính Ngư cảng; cấp khu vực có các Cục Quản lý Ngư chính ngư cảng trực thuộc Trung tâm như: Khu Nam Hải, Bắc Hải, Bột Hải và Hoàng Hải. Mỗi Cục, Khu có đội tàu kiểm ngư công suất lớn và đội ngũ cán bộ công chức của Cục, Khu từ 200 - 350 người.

Indonesia có cơ quan Kiểm soát hàng hải và thủy sản tại Trung ương và các khu vực với đội tàu kiểm ngư được trang bị hiện đại có công suất trên 1.000 CV. Thái Lan, Campuchia đều đã và đang tập trung đầu tư cho lực lượng kiểm ngư (dân sự) để thực hiện quyền kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển.

Nhân đây xin nói thêm rằng, cũng có ý kiến giao cho cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ này, nhưng theo tôi, lực lượng kiểm ngư làm nhiệm vụ trên sẽ phù hợp hơn; vì đây là cơ quan chuyên trách có chuyên môn sâu. Cảnh sát biển do Bộ Quốc phòng quản lý thuộc lực lượng vũ trang, mà đây đơn thuần là xử lý những vi phạm chuyên ngành thủy sản mang ý nghĩa dân sự. Trong việc giải quyết các vi phạm về ngư trường của ngư dân các quốc gia, xu hướng của thế giới ở những quốc gia ven biển là giải quyết dân sự, không dùng lực lượng vũ trang. Vì thế, việc thành lập lực lượng kiểm ngư của chúng ta cũng đi theo xu hướng đó.

Phải tăng thêm lực lượng bảo vệ nguồn lợi biển

Nếu có đủ điều kiện thành lập lực lượng kiểm ngư để tăng cường thêm lực lượng bảo vệ quyền lợi biển của Việt Nam trong thời điểm này, bản thân tôi rất đồng tình, ủng hộ.

Với lực lượng kiểm ngư, tôi nghĩ hoạt động mang tính dân sự sẽ nhiều hơn như các nước đã và đang đẩy mạnh phát triển lực lượng này.

Điều quan trọng là, khi thành lập cần nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu tổ chức, trang thiết bị, nhân lực…

Bởi muốn bảo vệ được quyền lợi của vùng đặc quyền biển, bảo vệ hợp pháp hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản của ngư dân, cần có lực lượng am hiểu chuyên sâu không chỉ về chuyên ngành mà cả pháp luật biển.

Kiểm ngư là cần thiết

Tôi thấy việc xây dựng lực lượng kiểm ngư trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, bởi các tỉnh đều chưa có lực lượng kiểm ngư. Muốn bảo vệ quyền lợi về đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản trên biển đòi hỏi phải có lực lượng kiểm ngư chuyên trách và hoạt động chuyên nghiệp. Hiện các hoạt động về kiểm ngư chủ yếu là kiêm nhiệm, ở các địa phương thường thuộc chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và một phần do thanh tra thuỷ sản kiêm nghiệm.

Ông có thể cho biết, cụ thể kiểm ngư sẽ hỗ trợ ngư dân những gì?

- Bộ NNPTNT đã có chủ trương thành lập các tổ, đội khai thác trên biển, các tổ đội tham gia khai thác để hỗ trợ, bảo vệ nhau. Nếu có thêm lực lượng kiểm ngư kiểm soát ở những vùng họ đang khai thác thủy sản xa bờ thì cũng làm cho họ vững tin khi tham gia sản xuất.

Tôi ví dụ: Mỗi khi ngư dân Trung Quốc hoạt động ở đâu, tàu ngư chính của họ hiện diện ở đó khiến cho ngư dân rất vững tin.

Kiểm ngư có tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển không, thưa ông?

- Ngoài nhiệm vụ chính là kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; có thể kiểm ngư được giao thêm các nhiệm vụ khác như hỗ trợ và bảo vệ ngư dân, tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống lụt bão… Tuy nhiên, đây mới chỉ là xin chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn chức năng, nhiệm vụ cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.

Sau khi thành lập, lực lượng kiểm ngư sẽ hoạt động trên phạm vi như thế nào, thưa ông?

- Nhiệm vụ chính của lực lượng này là kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Trước mắt, phạm vi hoạt động của lực lượng này chủ yếu trên biển và hỗ trợ cho ngư dân khai thác và bám biển.

Về chức năng kiểm soát ngư trường, đối với các tàu cá vi phạm các quy định, lực lượng này sẽ tiến hành những biện pháp gì?

- Các vi phạm đều đã có chế tài xử lý cụ thể, thậm chí cả tịch thu tàu cá. Trong thời gian tới, nếu được Chính phủ đồng ý, Bộ NNPTNT sẽ trình để sửa đổi bổ sung Nghị định 31/2010/NĐ-CP khi thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao thêm cho lực lượng kiểm ngư.

Khi thành lập, Cục Kiểm ngư sẽ được tổ chức ra sao, thưa ông?

- Cục Kiểm ngư dự kiến có các đội tàu kiểm ngư hoạt động trên 4 vùng nghề cá trọng điểm; hình thành Chi cục Kiểm ngư ở 28 tỉnh ven biển. Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương về thành lập lực lượng kiểm ngư, Bộ NNPTNT sẽ trình Chính phủ ban hành tiêu chí cụ thể đối với việc thành lập kiểm ngư địa phương.

Bộ NNPTNT đã đề ra lộ trình thực hiện để thành lập Cục Kiểm ngư như thế nào?

- Đây là vấn đề rất lớn, có ý nghĩa quan trong đối với quốc gia, thậm chí liên quan đến vấn đề quốc tế, không phải một sớm, một chiều là làm ngay được. Kiểm ngư chưa hề có trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chính vì thế Chính phủ phải báo cáo UBTVQH xin chủ trương.

Bên cạnh việc xin chủ trương, hiện chúng tôi cũng đã chuẩn bị Đề án thành lập Cục Kiểm ngư nhưng phải chờ xin ý kiến của UBTVQH về việc thành lập lực lượng này. Nếu được phê duyệt, tôi nghĩ dự kiến đầu năm 2013 sẽ có lực lượng kiểm ngư.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem