Ảnh: RT
Bin Laden chào đời năm 1957 tại Ruyadh, Arập Xêút. Hắn là một trong năm người con của tỉ phú xây dựng Mohammad bin Laden. Sau khi cha qua đời trong một tai nạn trực thăng năm 1969, Bin Laden trở thành một trong những triệu phú nhỏ tuổi nhất thế giới vào thời điểm đó, với khoản thừa kế trị giá 80 triệu USD.
Bin Laden theo đạo Hồi chính thống. Hắn tới Afghanistan năm 1984 để tham gia thánh chiến và đứng ra thành lập mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda năm 1988.
Washington cáo buộc Bin Laden là chủ mưu đứng sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York và trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 11/9/2001, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Đây là thảm họa khủng bố tồi tệ nhất từng diễn ra trên đất nước Mỹ từ trước tới nay.
Kể từ sau vụ khủng bố đẫm máu này, Bin Laden bị xếp vào đầu danh sách 10 nhân vật bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy nã gắt gao trên toàn thế giới. Nhà chức trách Mỹ đã tốn rất nhiều công sức, tiền của cho chiến dịch săn lùng trùm khủng bố, kéo dài hơn chục năm sau đó.
Bin Laden được tin ẩn náu tại khu vực các bộ tộc hẻo lánh, nằm giữa biên giới hiểm trở Afghanistan và Pakistan. Song, lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhiều lần bắt hụt hắn.
Hang ổ cuối cùng của Bin Laden thực tế nằm ngay ngoại ô thị trấn Abbottabad, một trung tâm du lịch và quân sự ở tây bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad chỉ khoảng 100 km. Nơi ẩn náu của trùm khủng bố nằm biệt lập với xung quanh, trong khu vực có dân cư thuộc tầng lớp trung lưu hoặc sĩ quan quân đội nghỉ hưu.
Theo nhiều nguồn tin, tình báo Mỹ bắt đầu được mật báo Bin Laden có mặt trong tòa nhà này từ tháng 8/2010, nhưng phải mất rất nhiều thời gian để xác minh.
Ảnh: Guardian
Toàn bộ khu trú ẩn của Bin Laden rộng khoảng 3.000m2, nhưng không có đường dây điện thoại hay Internet kết nối với bên ngoài. Bao quanh khu nhà là một hàng rào kiên cố cao 4,5 mét, có giăng dây thép gai và gắn nhiều camera theo dõi.
Hệ thống an ninh được thiết lập chặt chẽ với hai cổng gác và các công trình xây dựng bố trí như tổ hợp pháo đài, có khả năng phòng thủ từ bên trong. Trung tâm khu phức hợp là một tòa nhà 3 tầng khá rộng, nhưng có rất ít cửa sổ và có thêm một bức tường cao hơn 2 mét bao bọc xung quanh.
Ngày 2/5/2011, các lực lượng Mỹ đã thực hiện vụ tấn công vào nơi ẩn náu của Bin Laden theo lệnh của Tổng thống Barack Obama, mà không thông báo cho Chính phủ Pakistan.
Cuộc đột kích mở màn vào khoảng 1 giờ sáng (giờ Pakistan), khi bốn chiếc trực thăng chở lực lượng biệt kích thuộc đội 6 của Hải quân Mỹ (SEAL 6) vượt biên từ Afghanistan đáp xuống tòa nhà.
Ngay sau đó là cuộc đấu súng ác liệt giữa biệt kích Mỹ với các tay súng bảo vệ Bin Laden để tìm cách thâm nhập vào bên trong. Một trong những chiếc máy bay của đặc nhiệm Mỹ bị vệ sĩ của trùm khủng bố bắn rơi, đâm vào tường rào bốc cháy, nhưng không có ai bị thương.
Theo hãng tin ABC, sau khi bắn một viên đạn vào phía trên mắt trái Bin Laden và thổi bay một phần sọ của hắn, biệt kích SEAL 6 đã bồi thêm một viên nữa vào ngực nhằm đảm bảo trùm khủng bố đã chết.
Sau cuộc đột kích kéo dài khoảng 40 phút, lực lượng Mỹ đã tiêu diệt 5 đối tượng, bao gồm Bin Laden, một con trai của hắn tên Khalid, liên lạc viên thân tín Sheikh Abu Ahmed, anh trai của người này cùng cô vợ trẻ nhất của trùm khủng bố, bị hắn sử dụng làm lá chắn sống.
Khi rút đi ngay sau đó, biệt kích Mỹ đã dùng trực thăng chở thẳng xác Bin Laden từ Pakistan về Afghanistan để nhận dạng. Sau khi các chuyên gia pháp y xác thực đó chính là trùm khủng bố khét tiếng, thủ lĩnh tối cao của al-Qaeda, quân đội Mỹ tiếp tục dùng trực thăng chở xác hắn tới tàu sân bay USS Carl Vinson và thực hiện nghi thức thủy táng ở biển Arập.
Chính quyền Pakistan về sau xác nhận không hề được thông báo trước về vụ đột kích. Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) coi đây là một thất bại của họ.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền, bao gồm cả Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, đã theo dõi toàn bộ cuộc đột kích được truyền trực tiếp từ Abbottabad, thông qua các máy quay gắn trên máy bay không người lái.
Vào lúc 23h30 đêm 1/5 theo giờ Washington (8h30 ngày 2/5 theo giờ Pakistan), đích thân ông Obama đã lên truyền hình tuyên bố với toàn thể người dân Mỹ rằng, trùm khủng bố Bin Laden đã bị các lực lượng nước này tiêu diệt và "công lý đã được thực thi".
Ảnh: NBC
Cái chết của Bin Laden là đòn giáng khá mạnh vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới. Song, nhiều chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, trong những năm cuối đời, Bin Laden không còn vai trò và ảnh hưởng quá lớn trong các tổ chức khủng bố, đặc biệt là al-Qaeda, do phải sống chui lủi, trốn tránh sự truy lùng của Mỹ.
Vì vậy, cái chết của trùm khủng bố không giúp nước Mỹ an toàn hơn, mà trái lại còn khiến nước này đối mặt với vô số cuộc tấn công trả thù của những phần tử trung thành với hắn.
Theo nhà báo Hersh, khu nhà ở Abbottabad vừa là nơi ẩn náu cuối đời của Bin Laden, vừa là nơi tình báo Pakistan giam lỏng hắn. Chính quyền Pakistan đã phá hủy khu nhà này một năm sau cái chết của trùm khủng bố. Ảnh: Reuters
Năm 2015, Seymour Hersh, nhà báo điều tra từng đoạt giải Pulitzer, công bố một phát hiện gây sốc, cáo buộc Chính phủ Mỹ đã bịa đặt thông tin về chiến dịch tiêu diệt Bin Laden.
Theo Hersh, Mỹ đã làm cả thế giới tin rằng Bin Laden là một kẻ thù nguy hiểm cho đến lúc sắp chết và rằng hắn đã cầm súng AK-47 kháng cự dữ dội trước khi bị biệt kích SEAL bắn hạ. Tuy nhiên, nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định với ông Hersh rằng, Bin Laden lúc đó bệnh nặng ở mức “tàn phế” và bị cơ quan tình báo Pakistan giam lỏng ở Abbottabad.
Tuấn Anh (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.