Lắt léo vụ khiếu nại bị CSGT đánh

Thứ hai, ngày 23/11/2015 07:12 AM (GMT+7)
Theo đơn tố cáo, thấy cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ, Huy đang xuống xe chấp hành thì bất ngờ bị một cảnh sát dùng gậy điều khiển giao thông đánh mạnh vào đầu gối chân phải. Sự việc này các bạn Huy nói có, còn Công an huyện bảo không.
Bình luận 0

“Chấn thương tại đầu gối chân phải là có thật”

Bà Huỳnh Thị Hà (SN 1976, trú thôn 6B, xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) gửi đơn tới báo Tiền Phong kêu cứu việc con trai bà là Nguyễn Văn Huy (SN 1998) bị trung úy Lâm Quang Đức, cán bộ đội CSGT - tuần tra - cơ động (Công an huyện Krông Pắk) đánh bị thương chân phải đã 9 tháng nay, nhưng ông Hải không bị xử lý kỷ luật.

img

Đầu gối của Huy vẫn phải băng bó.

Theo khiếu nại bị CSGT đánh của mẹ con bà Hà, khoảng 15h ngày 22.2.2015, Huy điều khiển xe mô tô biển số 47L3 - 6348 chở bạn cùng thôn là Nguyễn Phước Nhật (SN 1999) chạy trên đường Giải Phóng, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk. Đến ngã tư Giải Phóng - Lê Duẩn thì hai CSGT Công an huyện Krông Pắk từ phía sau lái mô tô vượt lên ra lệnh cho Huy dừng xe xuất trình giấy tờ. Huy đang xuống xe chấp hành lệnh, bất ngờ bị CSGT mang bảng tên Lâm Quang Đức ngồi trên xe cầm gậy tuần tra vụt mạnh vào đầu gối chân phải.

“Lúc dừng xe, bánh sau của xe CSGT sát với bánh xe trước xe của em. Do không mang theo giấy tờ nên em điện thoại gọi cho mẹ mang ra, nhưng vừa nhấc chân phải sang bên trái để xuống xe thì chú Đức đang ngồi trên mô tô CSGT quay người lại đánh, sau đó CSGT đưa xe của em về trụ sở mà không lập biên bản”, Huy nói.

“Từ ngày Huy bị đau phải ở nhà chữa trị, tôi không đi làm được, tiền vay mượn lo thuốc thang chưa trả xong. Hai cháu Tín, Nhật đều đang tuổi vị thành niên, đều thấy rõ và khẳng định ông Đức đã đánh Huy, nhưng Công an huyện khi làm việc với 2 cháu lại không cho người giám hộ đi cùng, rồi bảo không có cơ sở”.

Bà Huỳnh Thị Hà

Hai bạn đi cùng chứng kiến toàn bộ sự việc là Nguyễn Phước Nhật và Võ Đức Tín (SN 1999) đều xác nhận: Khi Huy bị CSGT chặn lại, Nhật ngồi sau xe Huy lái xuống xe trước, Tín lái một xe máy khác chạy phía sau cũng dừng xe lại nên thấy rõ chú CSGT ngồi phía sau mô tô bước xuống rút chìa khóa xe của Huy. Huy vừa nói với các chú CSGT để Huy gọi điện thoại cho mẹ mang giấy tờ ra, thì chú CSGT cầm lái mô tô đã cầm gậy đánh vào chân Huy, rồi các chú dong xe của Huy về trụ sở.

Nhật và Tín chở Huy về nhà, gia đình đưa Huy đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk, rồi chuyển tiếp lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ kết luận Huy bị “bong sụn tiếp hợp lồi củ trước xương chày”, kê đơn thuốc về nhà uống. Huy uống hết thuốc, chân vẫn sưng to, đau đớn, không co duỗi được nên gia đình phải đưa xuống Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM khám và điều trị.

Tại giấy chứng nhận thương tích số 85 ngày 6.3.2015, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xác nhận Huy bị “bong nơi bám gân bánh chè phải” và kê đơn thuốc điều trị. Sau đó, cha mẹ phải đưa Huy xuống TP.HCM tái khám nhiều lần nữa. “Gia đình tôi phải bỏ việc mang con đi chữa trị tốn kém cả trăm triệu đồng, khổ sở vô cùng. Con tôi sai thì lập biên bản xử lý, sao CSGT lại đánh người?”, bà Hà nói.

Tuy nhiên, thông báo số 445, ngày 3.6.2015 về kết quả giải quyết tố cáo trung úy Lâm Quang Đức cán bộ Đội CSGT - tuần tra - cơ động của Công an huyện Krông Pắk lại kết luận: “Việc Nguyễn Văn Huy bị chấn thương tại đầu gối chân phải là có thật; việc tố cáo đồng chí Lâm Quang Đức dùng gậy tuần tra giao thông đánh vào đầu gối chân phải Nguyễn Văn Huy gây thương tích thì không có cơ sở”.

Bà Hà đưa con xuống Viện Pháp y Quốc gia phân viện tại TP.HCM xin giám định thương tích. Bản giám định số 64 ngày 1.7.2015 kết luận Huy bị “tụ dịch khe khớp và ở túi hoạt dịch sau bánh chè không nhiều. Tổn thương bong xương vùng lòi củ chày gây hạn chế vận động gối phải”. Trước đây, Huy làm nhân viên quán cà phê ở tỉnh Đồng Nai, mỗi tháng gửi về cho cha mẹ 2-3 triệu đồng.

“Từ ngày Huy bị đau phải ở nhà chữa trị, tôi không đi làm được, tiền vay mượn lo thuốc thang chưa trả xong. Hai cháu Tín, Nhật đều đang tuổi vị thành niên, đều thấy rõ và khẳng định ông Đức đã đánh Huy, nhưng Công an huyện khi làm việc với 2 cháu lại không cho người giám hộ đi cùng, rồi bảo “ không có cơ sở”, bà Hà nói.

Gia đình nạn nhân tiếp tục khiếu nại

Làm việc với phóng viên Tiền Phong ngày 19.10, thượng tá Nguyễn Hoanh - Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk - cho biết, tổ công tác thực hiện nhiệm vụ ngày 22.2 có 2 người là trung úy Lâm Quang Đức và trung sĩ Dương Quang Tuân, khi tuần tra phát hiện xe vi phạm nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Do người điều khiển không có giấy tờ, CSGT phải tạm giữ phương tiện để xử lý. Sau khi nhận đơn của bà Hà, Công an huyện đã xác minh, điều tra đơn thư đúng quy trình, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của 5 nhân chứng gồm Huy, Nhật, Tín và 2 người dân khác.

Trong hai lần làm việc, lời khai của Huy, Nhật và Tín có mâu thuẫn với nhau, hai người dân khác thì xác nhận không có việc ông Đức đánh Huy. Công văn của Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk trả lời tóm tắt bệnh án của Huy là “hình ảnh cốt hóa phía trước mâm chày phải”, tức là thoái hóa sụn khớp. “Những căn cứ trên cho thấy nói Huy bị CSGT đánh là không đủ cơ sở. Trung úy Lâm Quang Đức là người điều khiển phương tiện, không thể một tay điều khiển xe một tay cầm gậy đánh người được. Ngoài ra, Huy còn phạm lỗi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, lại không có giấy tờ nên Công an huyện mới tạm giữ xe”, Thượng tá Hoanh nói.

Bà  Hà không đồng ý với quan điểm của Công an huyện nên đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan báo chí và Giám đốc Công an tỉnh.

Lê Hường (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem