Lầu Năm góc tuyên bố bất ngờ khi Tư lệnh hạm đội Biển Đen Nga 'từ cõi chết trở về'

Phương Đăng (theo Pravda) Thứ sáu, ngày 29/09/2023 15:31 PM (GMT+7)
Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để xác nhận hay phủ nhận thông tin Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga Viktor Sokolov còn sống hay đã chết sau cuộc tấn công của Ukraine vào Sevastopol.
Bình luận 0
Lầu Năm góc tuyên bố bất ngờ khi Tư lệnh hạm đội Biển Đen Nga 'từ cõi chết trở về' - Ảnh 1.

Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga Đô đốc Viktor Sokolov. Ảnh Pravda.

Sabrina Singh, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc tuyên bố: "Tôi không thể xác nhận các báo cáo vào thời điểm này. Tôi đã xem báo cáo (rằng Tư lệnh Hạm Đội Biển Đen Sokolov đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Ukraine vào ngày 22/9 nhưng không thể xác nhận bất cứ điều gì".

Tin đồn xuất hiện ngay sau cuộc tấn công vào trụ sở của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol rằng, Đô đốc Sokolov nằm trong số những người thiệt mạng. Sau đó, vào ngày 25/9, Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SOF) của Ukraine báo cáo rằng 34 sĩ quan Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công, bao gồm cả vị Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga Viktor Sokolov. 

Tuy nhiên, một ngày sau đó, Nga đã đăng một đoạn video về cuộc họp trực tuyến được cho là có sự tham gia của Đô đốc Sokolov và một đoạn video phỏng vấn vị chỉ huy Hạm đội Biển Đen nhưng không nói rõ ngày quay video. Sau khi Nga công bố những đoạn video này, SOF cho biết họ sẽ kiểm tra thông tin về số phận của ông Sokolov. 

Rustem Umierov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cũng không xác nhận hoặc phủ nhận thông tin về cái chết của Đô đốc Nga.

Trong khi đó, cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng vũ khí mà Ukraine nhận được để chống lại Nga đều được sử dụng đúng cách và chưa xác định được trường hợp nào rơi vào tay kẻ xấu.

Ông Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Chúng tôi chưa thấy có sự chuyển hướng nào của số vũ khí (được gửi tới Ukraine) vào thời điểm này".

Ông Miller cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ luôn giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí và viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.

“Chúng tôi có các cơ chế giải trình quan trọng đối với vũ khí và hỗ trợ quân sự của Mỹ mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine và cung cấp cho nước này rất nhiều vũ khí, đạn dược. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cung cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine và nước này chuẩn bị nhận các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất thuộc sở hữu của các đồng minh châu Âu.

Tuy nhiên, việc viện trợ cho Ukraine đang ngày càng gây tranh cãi ở Quốc hội Mỹ. Theo đó đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về trần ngân sách mới vào tối 26/9 (giờ địa phương). Một trong những yêu cầu tiên quyết của đảng Cộng hòa là cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu muốn ngân sách liên bang được thông qua. 

Số tiền cắt giảm là gần 20 tỷ USD trong tổng số tiền viện trợ cho Ukraine được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra trước đó. Dự luật ngân sách tạm thời của Mỹ được cho là sẽ chỉ phân bổ 6,2 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, giảm đáng kể so với gần 25 tỷ USD mà đảng Dân chủ mong đợi ban đầu.

Các nhà lập pháp Mỹ ở lưỡng viện có thời hạn đến ngày 30/9 để đưa ra dự luật cuối cùng để Tổng thống Joe Biden ký, nếu không chính phủ liên bang sẽ có nguy cơ đóng cửa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem