Lấy chồng từ lúc... lên mười

Thứ năm, ngày 31/10/2013 06:22 AM (GMT+7)
Tục “nối dây” của người Jrai từng vùi dập bao cuộc đời thiếu nữ bởi hôn nhân cưỡng ép. Dù bây giờ đã “dân chủ” hơn nhiều thì những nạn nhân như chị Hruk ở buôn Tang (xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai) vẫn còn đó...
Bình luận 0
“Đàn bà ở buôn này ai cũng nghèo khó nhưng ai cũng bằng lòng với cuộc đời mình bởi họ được quyền “bắt” người mình thương. Chỉ có Hruk là…”. Người đàn bà với bi kịch hiếm có mở đầu câu chuyện bằng lời thở than não nề như đã kìm nén suốt bao năm đằng đẵng…

Tuổi thơ bị đánh cắp…

Đó là một buổi chiều mưa năm 1986… Mưa giữa mùa như ai nghiêng ghè mà trút nước. Căn nhà nhỏ tuềnh toàng của ma, mí (cha mẹ) Hruk như đặc quánh bởi hơi người. Già làng, họ nhà anh rể Alê Bhuar và Hruk có mặt đủ cả… Lâu lắm rồi buôn Tang mới lại có một việc rất lạ thế này: Hle – chị gái Hruk “bắt” Alê Bhuar, sống với nhau đã 2 con trăng không dưng bỏ chồng trốn đi mất biệt…

Tục “nối dây” của người Jrai, khi con rể mất vợ thì nhà gái phải “đền” một người nào đó trong số các em gái. Nếu không có người thì phải chia của… Hle vô cớ bỏ chồng, hoặc phải có em thế chị, hoặc cha mẹ phải đền trâu bò cho con rể…

Mẹ con Hruk trong góc bếp lạnh lẽo.
Mẹ con Hruk trong góc bếp lạnh lẽo.

Trâu bò, nhà này đến cơm ăn cũng chẳng đủ thì lấy đâu ra. Còn người… Họ hàng hai bên ai nấy như nín thở nhìn vào góc bếp. Hle chỉ có đứa em gái lớn nhất là Hruk nhưng nó chỉ mới được 10 mùa rẫy. Biết vậy nhưng luật tục là luật tục, dẫu có vô lối thì ai cũng phải theo thôi… Cuộc phân xử diễn ra chóng vánh. Chẳng hay cuộc đời mình đã được định đoạt, Hruk vẫn bình thản ngồi nướng bắp ăn, thỉnh thoảng lại liếc mọi người vô tư nhoẻn miệng cười…

Sau lễ bắt chồng, điều duy nhất làm Hruk khó chịu là đám con nít cùng tuổi. Từ ngày phải đi cùng “anh rể” chẳng đứa bạn nào chịu chơi cùng Hruk nữa. Không những vậy cứ thấy mặt Hruk ở đâu là chúng lại hét “ê ê, Hruk – Bhuar hai vợ chồng”. Tức ứa nước mắt, Hruk đem chuyện nhờ cha mẹ và “anh rể” mắng đám bạn nhưng chẳng hiểu sao ai cũng cúi mặt lặng im… Cho đến năm Hruk tròn 13 mùa rẫy thì cha mẹ bắt ở riêng với Alê Bhuar… Hóa ra đám cưới với “anh rể” kia là có thật – và chuyện lũ bạn trêu cũng là có thật?

Vòng dây chung thân


Trở thành đàn bà năm 14 tuổi, Hruk thấy mình như cây lúa đương thì bỗng bị bứt ngang thân. Cũng trong vòng xoay của cuộc sống như với mọi người đàn bà trong buôn nhưng sao Hruk thấy nặng nề, ngột ngạt… Cô không dám đi cùng Bhuar để tránh những cái nhìn của đám trai làng. Khóc thầm cho tuổi xuân bị đánh cắp, điều khiến Hruk cay đắng hơn là cô nhận ra mình không chút yêu chồng. “Đời người đàn bà như thanh củi, đã bỏ vào bếp lâu mau rồi cũng quấn được ngọn lửa thôi…”.

Nhớ lời mí an ủi lúc đi ở riêng, Hruk đã cố tin nhưng bây giờ thì cô đã hiểu mình là thanh củi không bao giờ quấn lửa cùng Bhuar được. Và rồi 4 năm sau ngày sống chung với Bhuar, không còn chịu nổi sự giày vò cay đắng mỗi ngày mỗi lớn, Hruk đã chạy về nhà mẹ đẻ khóc nấc lên xin cho mình được bỏ chồng…

Ngồi lặng như hóa đá một lúc thật lâu, người mẹ mới thốt lên lời: “Mí biết, nhưng giờ con đã có 2 con. Muốn bỏ Bhuar thì phải có 2 trâu hoặc 3 bò đền nhà chồng. Con có thì cứ việc chứ ma mí biết lấy đâu. Nếu không vì nghèo thì đã chẳng bắt con cột vào chỗ chị…”.

Muốn bỏ Bhuar thì phải có 2 trâu hoặc 3 bò đền nhà chồng. Con có thì cứ việc chứ ma mí biết lấy đâu.
Mẹ Hruk

…Mùa rẫy đi mau như giọt nước treo trên cây mỗi sớm. Bây giờ Hruk đã là mẹ của 4 đứa con. Người buôn Tang có vẻ đã lãng quên chuyện thương tâm của một cô bé mới 10 tuổi đã phải vào vòng nối dây oan nghiệt.

Thế nhưng với Hruk, vết cắt trong lòng vẫn không thể liền da. Người đàn bà đã 37 tuổi này vẫn khát khao, vẫn đau đáu một nỗi niềm hạnh phúc… Còn Alê Bhuar giờ là người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần. Có lẽ cũng đã nhận ra không chỉ Hruk, chính mình cũng là nạn nhân của luật tục; có vợ mà chưa bao giờ được vợ yêu, Bhuar ở luôn ngoài chòi rẫy không mấy khi về nhà.

Tia nắng quái cuối chiều vàng vọt đã hắt vào khe bếp… Bên láng giềng những mí Vin, mí Hoành đang tất bật với bữa cơm chiều. Làn khói bếp xanh rì vương vấn trên mái tranh kia với Hruk dường như là lời thổn thức của cõi lòng. Chị thẫn thờ nhìn những thanh củi lạnh tanh… Bếp lửa – với người đàn bà Jrai là biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Khi hạnh phúc tan vỡ, người đàn bà vẫn tự tay mình đập bếp… Ngôn ngữ không lời của bếp lửa gia đình này đã chát đắng thêm trong tôi cùng tiếng thở dài của Hruk: “Làm đàn bà như mình sao khổ quá !”.

Ghi chép của Ngọc Tấn (Ghi chép của Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem