Lê Chiêu Thống trả thù những người theo Tây Sơn ra sao?
Lê Chiêu Thống trả thù những người theo Tây Sơn ra sao?
N.V
Thứ sáu, ngày 09/06/2023 20:30 PM (GMT+7)
Bấy giờ trong họ nhà vua có người tòng nữ kết duyên với tướng Tây Sơn đã có thai, vậy mà vua Lê Chiêu Thống sai mổ bụng, lấy thai, giết chết cả hai mẹ con vô tội.
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Lê Chiêu Thống còn có tên gọi khác là Lê Mẫn Đế và tên thật trước khi lên ngôi là Lê Duy Khiêm. Sau khi lên ngôi, Lê Chiêu Thống lại đổi tên là Lê Duy Kỳ. Lê Chiêu Thống là vị vua thứ 16 và cuối cùng của nhà Lê trung hưng, với thời gian ở ngôi từ cuối tháng 7 âm lịch năm 1786 tới đầu tháng Giêng năm 1789. Lê Chiêu Thống đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng.
Việc làm đó của Lê Chiêu Thống đã bị các sử gia đương thời cũng như sau này chỉ trích dữ dội, coi đó là hành vi "bán nước", "cõng rắn cắn gà nhà". Và Lê Chiêu Thống không những bị lịch sử kết tội là hạng người "rước con voi Mãn Thanh về giày mả tổ Việt Nam" để phục hồi quyền lực cho cá nhân, mà còn bị dân chúng ngày ấy khinh bỉ về hành động trả thù đối với những người có quan hệ với nhà Tây Sơn.
Những hành động trả thù hèn hạ của ông vua phản quốc này đã được tác giả Hoa Bằng kể lại trong cuốn "Quang Trung Nguyễn Huệ Anh hùng dân tộc 1788-1792", như sau: Sau ngót một tháng nhờ quân Thanh nên đã lấy lại được kinh thành Thăng Long, nhưng hiệu lệnh của vua Lê lúc đó chỉ choèn choèn ở 5 lộ Ứng (Ứng Hòa), Thường (Thường Tín), Từ (Từ Sơn), Thuận (Thuận Thành) và Quảng (Quảng Oai) mà thôi. Còn từ Trường Yên (Ninh Bình) trở vào Nam đều bị ngăn cách, không thông tin tức được.
Cũng về việc này, sách "An Nam Nhất Thống Chí" có đoạn viết về Lê Chiêu Thống như sau: Vua Lê Chiêu Thống là một người có tính hẹp hòi, khắc nghiệt, sau khi nhờ sức quân Thanh, lấy được Thăng Long, làm luôn những việc báo ân, trả oán cốt thỏa tư ý, yêu ghét thiên lệch và riêng theo tình cảm cá nhân, chứ chẳng cân nhắc bằng lý trí mà đặt quốc gia trên hết. Trong dịp này, Lê Chiêu Thống lộ hết cái bản tướng bất xứng chức. Hồi tháng 11 năm Chiêu Thống thứ hai (Mậu Thân - 1788) vua Lê trị tội những người xuống hàng Tây Sơn. Bấy giờ trong họ nhà vua có người tòng nữ kết duyên với tướng Tây Sơn đã có thai, vậy mà vua Lê sai mổ bụng, lấy thai, giết chết cả hai mẹ con vô tội. Chính Lê Chiêu Thống lại sai chặt chân ba người hoàng thúc quăng ra giữa chợ.
Ấy là không kể những vụ như giết Phan Như Tụy, trấn thủ Tuyên Quang, vì ông Tụy bắt hoàng đệ Duy Lưu đem nộp cho Tây Sơn và khép phò mã Dương Bành vào tội tử hình vì Bành dẫn quân Đàng trong đuổi bức ngự giá. Ngoài ra, vua Lê còn cách tuột Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà bắt hoàn làm dân, bãi tước quận công của Nguyễn Hoản, giáng Phan Lê Phiên làm Đông các Học sĩ và Mai Thế Uông xuống chức Tư huấn.
Mấy việc làm này chẳng những làm cho lòng người nôn nao ngờ vực và không nhất tâm, lại còn khiến cho bà thái hậu, tức mẹ vua Chiêu Thống đau đớn tức bực nữa. Vì trước đó, khi thái hậu từ bên Mãn Thanh về đến Thăng Long, nghe biết những việc làm ngang trái của vua Lê Chiêu Thống đã làm việc ấy, bà phát bẳn lên rằng:
- Ta cay đắng mới xin được quân cứu viện đến đây. Nước nhà phỏng được mấy phen cứ trả ân báo thù để phá hoại thế này! Hỏng đến nơi rồi!
Nói rồi bà ngồi kêu khóc, không chịu vào cung. Khi đó, tụng thần là Nguyễn Huy Túc khuyên giải mãi bà mới thôi.
Đến khi ban thưởng, chia chức, Lê Chiêu Thống chỉ "rảy mưa móc" cho bọn bầy tôi hoặc tòng vong hoặc ở nơi hành tại gia thăng cho bầy tôi phò tá và cung phụng Lê Chiêu Thống trong suốt khoảng thời gian trốn chạy sang nhà Thanh, như: Đinh Dữ được thăng lên Lại bộ Thượng thư bình chương sự; Lê Duy Đào và Vũ Trinh lên Tham tri Chính sự; Nguyễn Đình Giản lên Binh bộ Thượng thư kiêm Tri khu Mật viện sự; Nguyễn Duy Hiệp và Châu Doãn Lệ lên Đồng Tri khu mật viện sự; Trần Danh Án lên Phó đô Ngự sử; Lê Quýnh lên Trung quân Đô đốc Trường phái hầu... chứ không nghĩ gì đến những cựu thần và hào kiệt các nơi. Vì vậy, nhiều người thất vọng...
Lời bàn:
Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng, dù mang mệnh thiên tử nhưng lại có một cuộc đời trầm luân chìm nổi. Âu đó cũng là điều dễ hiểu bởi tiếng là làm vua nhưng không có thực quyền. Vì trong suốt thời kỳ Lê mạt, chúa Trịnh nắm giữ triều chính, kể cả đối nội và đối ngoại với quyền nghiêng thiên hạ. Hơn nữa, bản thân vua Lê Chiêu Thống tuy là người có học, nhưng lại không phải là người có thực tài, mà chỉ là con mọt sách. Tài năng không có nhiều, nhưng trong cuộc đời mình, vua Lê Chiêu Thống đã có được sự hậu thuẫn hết lòng, hết nghĩa và thủy chung của hai người đàn bà bên cạnh, đó là mẫu thân Nguyễn Thị và vợ ông, hoàng phi Nguyễn Thị Kim.
Trong dân gian người ta vẫn thường nói rằng, mọi sự thành công của người đàn ông có một nửa công sức của phụ nữ hay trong sự nghiệp của người chồng, có năm mươi phần trăm là của người vợ. Nhưng với Lê Chiêu Thống, không chỉ có vợ, mà ông còn có một người mẹ hết lòng thương yêu, tận tâm phò trợ cho con. Nhưng với người đương thời và cả hậu thế hôm nay, ông ta cũng chỉ là một kẻ bán nước. Thế mới hay rằng, dù được sinh ra trong hoàng tộc, rồi trở thành vua và được người thân hết lòng phò trợ, nhưng tài hèn đức mỏng thì cũng chẳng có đất dung thân. Cái giá mà Lê Chiêu Thống phải trả mong rằng hậu thế đừng ai quên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.