Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn ở Hà Tĩnh bắt nguồn từ tục thờ loài cá gì?

Tập Thỏa Thứ tư, ngày 11/05/2022 06:05 AM (GMT+7)
UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống cầu ngư Nhượng Bạn và được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) trao bằng công nhận Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội này liên quan đến tục thờ cá voi, dân gian gọi là cá Ông.
Bình luận 0

Clip: Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh gắn liền với cộng đồng cư dân vùng ven biển.

Lễ hội cầu ngư kỳ vọng vào một mùa biển bội thu

Lễ hội cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ cá voi (cá Ông) có từ lâu đời, diễn ra ở nhiều vùng ven biển của nước ta. Tại các địa phương, nghi thức liên quan đến cá voi cùng được gọi khác nhau như: Lễ hội cầu ngư, Lễ hội nghinh ông, Lễ hội tế cá ông…

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 2.

Lễ hội được người dân xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tổ chức vào ngày 7/4 và 8/4 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ, biết ơn vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư (cá Ông). Ảnh: PV

Cá voi là một loài to lớn, được xem như đấng thần linh, sinh vật thiêng của biển cả, có bản tính hiền hòa thường che chở, giúp đỡ những ngư dân gặp nạn trên biển nên thường được nhằm làm chỗ dựa tinh thần cho ngư dân khi đi biển. Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức với mục đích cầu cho phong hòa vũ thuận, đánh bắt được nhiều hải sản, củng cố thêm sức mạnh cho ngư dân đi biển.

Trương truyền, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) từ khi thành lập làng Nhượng Bạn vào thời Trần. Tuy nhiên, theo căn cứ các bản sắc phong còn sót lại thì ít nhất Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn có từ thời Nguyễn, cách đây hàng trăm năm.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 3.

Ông Trần Kim Trọng (trú thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) thắp hương phần mộ cá Ông. Ảnh: PV

Hiện miếu Ngư Ông hiện lưu giữ 03 sắc phong thời Nguyễn giao cho xã Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh theo trước mà phụng thờ vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư. Theo các cao niên tại làng Nhượng Bạn cho biết, trước đây ngày 8/4 (âm lịch) cách hàng trăm năm về trước có 1 cá ông rất lớn chết và dạt vào bờ. Người dân đã an táng và lập đền thờ.

Thấy đền thờ cá voi rất linh thiêng, bà con ngư dân trước khi ra khơi thường đến đây để cầu mong bình an, thuận buồm xuôi gió khi ra khơi. Sau này, bà con trong làng đã lấy ngày mất của cá ông để làm dỗ và lập Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn để tỏ lòng biết ơn đối với loài cá linh thiêng này.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 4.

Nghi thức chèo cạn tại miếu Ngư Ông. Ảnh: PV

Lễ hội diễn ra trong hai ngày 07/4 và 08/4 (âm lịch) hàng năm. Ngày nay chương trình được tổ chức rất trang trọng, thu hút đông đảo cộng đồng người dân tham gia với cả phần lễ và phần hội.

Nói về một truyền thuyết khác về Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn, ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng Ban lễ nghi đền, miếu xã Cẩm Nhượng, cho biết: "Theo truyền thuyết, khi xưa vua Lê Thánh Tông đi thuyền rồng trên biển thì gặp bão tố được Đức Ngư Ông (cá voi) hộ giá vua vào đất liền an toàn. Sau khi vào bờ an toàn, vua Lê Thánh Tông đã lập miếu thờ và sắc phong cho cá voi vừa cứu sống mình là Nam Hải Ngư Trung Tôn Thần".

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 5.

Ông Hoàng Ngọc Lý, Trường ban hò chèo cạn rước ngư dân ra biển. Ảnh: PV

Theo ông Phương, miếu thờ Đức Ngư Ông rất linh thiêng, đã có nhiều câu chuyện được kể lại cá voi giúp đỡ, đưa thuyền ngư dân vào bờ khi thuyền gặp nạn. Không chỉ dân địa phương, nhiều ngư dân tại các tỉnh như: Quảng Bình, Nghệ An… khi đi qua vùng biển này cũng thường xuyên vào thắp hương để cầu bình an.

Theo tục lệ ở địa phương, Đức Ngư ông thường có tuổi đời lớn, xuất hiện chữ nhân (tiếng Hán) ở phần đầu cá. Còn Đức cậu hay Đức cô rất khó phân biệt, người dân dùng keo quẻ âm dương để quyết định. Nếu quẻ được 3 mặt tiền âm thì được gọi là "Đức Cô", còn 3 đồng tiền dương sẽ là "Đức Cậu".

Hiện nay, Miếu thờ Đức Ngư Ông rộng hơn 2.800m2, là nơi nơi chôn cất hàng trăm con cá ông. Hàng năm người dân nhớ ngày mất từng vị và thờ cúng như người thân ở trong gia đình.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 6.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có hò chèo cạn được du nhập dưới thời phong kiến, ngư dân hóa trang sặc sỡ. Ảnh: PV

Về cơ bản lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn ngày nay được tổ chức tương tự lễ hội xưa song có bổ sung một số yếu tố biến đổi trong công tác tổ chức cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Trước đây, việc tổ chức lễ hội do các giáp lo liệu. 

Còn ngày nay, ngoài cộng đồng dân cư, còn có sự tham gia của chính quyền xã trong công tác quản lý và tổ chức để lễ hội được tổ chức đúng thuần phong mỹ tục, đặc biệt là đúng pháp luật. Lễ hội xưa và nay đều được diễn ra tại miếu Ngư Ông.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 7.

Lễ rước trên biển và thả thuyền về biển. Ảnh: PV

Tối 07/4 (âm lịch), lễ yết cáo được tổ chức được tổ chức đơn giản, ấm cúng. Trong buổi lễ chỉ dâng hương đăng, hoa quả, trầu cau, rượu trắng, nước suối khoáng có các thành viên của chính quyền địa phương và ban tổ chức lễ tham dự.

Ngày 08/4 (âm lich) là lễ chính được tiến hành quy mô, bài bản hơn. Lễ hội gồm có 4 phần chính: nghi thức, tế lễ, lễ hội chèo cạn, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu đường. Lễ hội chính thức được tiến hành phía ngoài trời xong, ban lễ nghi rước thần vị Nam Hải Nhân Ngư lên thượng điện thắp hương nhằm báo đáp công ơn cá ông phù hộ cho ngư dân an lành, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, Nhân dân no ấm, mọi người hạnh phúc.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 8.

Nghi thức thả thuyền về biển trong Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn. Ảnh: PV

Sau đó theo thứ tự các đại biểu khách mời, chính quyền địa phương và người dân lần lượt vào thắp hương khấn vái cầu cho tôn thần luôn linh thiêng và phù hộ độ trì, bình an hạnh phúc trong tiếng gõ mõ của cụ từ.

Sau khi làm lễ trong đền, kiệu Hương Án được bà con rước rước quanh làng Nhượng Bạn rồi đưa xuống thuyền để đi xuống biển. Trên kiệu Hương Án, Ban tế lễ bố trí 1 chiếc thuyền bằng gỗ chở hoa tươi, trái cây, rượu… nhằm dâng lên các đấng thần linh, cá ông chết ở trên biển mà chưa được khâm liệm chu đáo.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Ông Nguyễn Hữu Phương - Trưởng Ban lễ nghi đền, miếu xã Cẩm Nhượng nói : "Lễ  hội cầu ngư Nhượng Bạn là dịp trọng đại của bà con ngư dân vùng biển nơi đây. Đến ngày lễ, tất cả các thuyền của ngư dân sẽ tập trung trước biển cửa miếu. Bà con ngư dân sẽ trang trí thuyền của mình thật đẹp bằng vải hình cờ nhiều màu sắc, bóng led màu và chuẩn bị lễ vật để dâng lên các đấng thần linh trên biển để cầu mong mùa màng bội thu, cá về đầy khoang.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 9.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn xuất phát từ nhu cầu cuộc sống cộng đồng, phản ánh ước vọng của con người. Ảnh: PV

Sau khi làm lễ ở miếu, kiệu Hương Án được rước lên thuyền. Ban tế lễ cùng các ngư dân sẽ di chuyển bằng thuyền trên biển và làm lễ, dâng lễ vật cho những cá ông chết ở trên biển mà chưa được thờ phụng".

Đi rước kiệu có 1 đoàn người hát, múa hò chèo cạn. Hò chèo cạn mô tả lại hoạt động đánh bắt trên biển của bà con ngư dân. Một nhóm (12 người) xếp thành 1 cái thuyền, trong đó có 1 người đứng đầu hò, một người đứng giữa thuyền và 10 người được xếp thành 2 bên tay cầm mái chèo.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 10.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu. Ảnh: PV

Người dẫn đầu đội hò thường là Trưởng ban đội hò chèo cạn, người này tay cầm cờ đỏ bắt nhịp, người hò chính; năm nay ông Hoàng Ngọc Lý, 67 tuổi làm Trường ban. 

10 thanh niên khỏe mạnh được chọn để cầm mái chèo, xếp thành 2 bên vừa thực hiện hành động chèo thuyền vừa hò phụ hoạ cho người chính. Người đứng giữa mặc áo nâu được xem là chủ thuyền, người này mô tả động tác của ngư dân như: kéo lưới, tát nước ra khỏi thuyền…

Lời ca trong hò chèo cạn có nội dung cầu mùa, đưa linh cho Cá Ông về với biển khơi. Lời trong hát khoan chèo cạn, hò biển chủ yếu là thể thơ lục bát với ngôn ngữ mộc mạc, vừa dung dị, trìu mến, vừa gắn với cuộc sống con người miền biển. Nội dung các câu hò thường được người dân làng nhượng bản sáng tạo ra trong quá trình đi biển, đánh bắt hải sản.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 11.

Lệ hội còn hướng con người trở về cội nguồn, về dân tộc, văn hóa. Ảnh: PV

Các câu hò giản dị, mộc mạc mà vui nhộn với nội dung cầu mong mưa thuận gió hoà, thuyền về đầy khoang cá tôm và trong quá trình đánh bắt được an toàn. Điệu múa trong hòi chèo cạn thường khỏe khoắn, nhịp nhàng, mô phỏng hoạt động đẩy thuyền, thả lưới của ngư dân.

Ông Trần Kim Trọng (trú thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) chia hay: "Tôi đi biển năm lên 10 tuổi, hiện đã hơn 50 năm. Các con cái tôi được ấm no, ăn học tử tế cũng nhờ biển mang lại. Lễ hội cầu ngư hôm nay là dịp để ngư dân chúng tôi biết ơn đến Đức Ngư Ông năm qua đã che chở, bảo vệ chúng tôi khi đánh bắt trên biển. Bên cạnh đó chúng tôi cầu mong Đức Ngư Ông sẽ giúp bà con ngư dân được mưa thuận gió hoà, thuyền về đầy ắp cá tôm".

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, có gì mà công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia? - Ảnh 12.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, và huyện Cẩm Xuyên trao bằng công nhận Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ảnh: PV

 Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, cho biết: "Lễ hội cầu ngư Ngượng Bạn đã có từ lâu đời, gắn với hoạt động tín ngưỡng của bà con ngư dân. Thông qua lễ hội này, ngư dân địa phương cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và an toàn khi đánh cá trên biển. Đây là một lễ hội độc đáo và được các cấp chính quyền, các ban, ngành quan tâm".

"Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vinh dự to lớn của địa phương, đồng thời khích lệ tinh thần bà con trong việc gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá mà lễ hội này có được" - ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem