Lễ hội nhưng... đừng lố?

Thứ ba, ngày 08/02/2011 19:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thực ra người mình ăn Tết hàng năm đến một tháng rưỡi chứ không nghiêm chỉnh 7 hay 10 ngày Nhà nước quy định. Có thể nói ta mất đứt một tháng Giêng, người ở nhà máy, công sở nhưng hồn ở lễ hội.
Bình luận 0

Lễ hội (LH) nở rộ sau Tết. Ngay từ trước Nguyên tiêu trở đi, làng làng mở hội. Hàng năm nước ta có tới 7.966, trong đó có 7.039 LH dân gian, 322 LH lịch sử, 544 LH tôn giáo, 64 LH văn hóa du lịch, ngày hội văn hóa và 10 LH "nhập khẩu" từ nước ngoài.

Trước lạ sau quen, như Noel, Valentine - ngày Tình yêu đã thật sự thành LH với người Việt dù nhiều người chẳng theo tôn giáo nào. Trung bình mỗi ngày trên đất nước có 22 LH. "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", xem ra còn đúng dài dài. Thực ra người mình ăn Tết hàng năm đến một tháng rưỡi chứ không nghiêm chỉnh 7 hay 10 ngày Nhà nước quy định. Có thể nói ta mất đứt một tháng Giêng, người ở nhà máy, công sở nhưng hồn ở LH.

Biết làm sao được! Văn hóa là thế. Nó ăn sâu vào máu thịt, gốc rễ, truyền từ đời này qua đời khác. Tháng Giêng hàng hóa ế ẩm nhưng lòng người phơi phới, hy vọng. Đen bạc thường đỏ tình. LH thường gắn với tín ngưỡng và tôn giáo, dấu ấn của thời xa xưa khi lực lượng siêu nhiên vô hình vô ảnh nhưng có mặt khắp nơi, có thể ban phát tài lộc hay trừng phạt con người.

LH thờ cúng đủ loại thánh thần mà con người có thể cầu xin cái gì đó cho cuộc sống. Vì thế ngoài Trời, Phật, chúa Giê-su, đức A.La và thành hoàng, ông bà tổ tiên, người ta còn mở hội tế và rước Thần Cá, nhất là cá Ông (Ông Nam Hải), cá Quả để xin đánh cá bội thu, mở hội khai điền cúng tế ông Thần Nông để cầu mùa màng mưa thuận gió hòa…

Thờ Mẫu đối với người Việt có ý nghĩa lắm lắm! Thờ Mẫu là một nét đẹp và đặc sắc của truyền thống văn hoá Việt. Mẫu là hình tượng của Mẹ, sự sinh thành và bảo vệ cuộc sống. Bà Chúa Đại Ngàn là nguồn của Người, Mẫu Thoải (Thuỷ) là của Nước và Mẫu Địa là của Đất. Rồi từ Mẫu Đông Cuông đến Mẫu Âu Cơ, đó là hình tượng Mẹ của cộng đồng người Việt - Mường cổ trên một lãnh thổ đã có mênh mông núi non, đồng bằng và biển.

Mẫu gần gũi như chính Mẹ ta nên ta hay làm nũng. Người ta đã quen làm nũng Mẫu, đòi hỏi Mẫu cấp vốn làm ăn, yêu cầu Mẫu xe duyên gắn lứa. Đòi hỏi, nũng nịu Mẹ mà không vụ lợi, không cần biết xem những lời đòi hỏi ấy có được Mẹ chiếu cố hay không, tức là đã được thăng hoa tinh thần và tăng sức mạnh để sống.

Chẳng hề chi, có một nơi để nũng nịu, cũng đã là đại hạnh phúc. Phủ Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh được coi là một "nữ đại gia" thơm thảo cấp vốn hàng năm cho dân làm ăn, buôn bán. Cũng như Mẹ, Mẫu trường tồn. Thế hệ nào cũng có quyền lễ bái đòi mẹ cho bú, cho ăn, cho được hạnh phúc và yêu thương.

Những mỹ tục ấy đã gây cảm hứng cho dân bước vào năm mới. Nhưng đang còn không ít sự méo mó đến buồn cười. Chùa Hương là LH lớn nhất và kéo dài nhất nước. LH chùa Hương không nhạt đi theo năm tháng mà còn mỗi ngày một đông đảo người tham gia.

Nhưng LH chùa Hương năm nào cũng xảy ra trục trặc, ở giao thông, ở xây dựng, lễ bái. Người ta đang lúng túng không xử lý được giữa LH và du lịch. Nghĩa là, giữa lòng tin, niềm vui của nhân dân với lợi nhuận của những nhà tổ chức, những con kền kền ăn theo.

Hội Đền Trần cũng bị lợi nhuận bôi bác, khiến nhiều người có cảm giác đây là cuộc buôn thần bán thánh, mua quan bán chức. Hội làng nhiều nơi cũng bị yếu tố lợi nhuận chi phối tinh thần và bản sắc văn hóa, làm cho sai lạc đi. Nhân dân vốn là chủ của LH bỗng dưng trở thành khách hàng. LH nhưng xin đừng lố!

Ngày xưa hội làng thuần khiết, không ai vụ lợi, người tham gia hồn nhiên hơn bây giờ. Xin hãy giữ cho dân mãi mãi sự hồn nhiên ấy!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem