Lễ Tỏn cộ

Thứ hai, ngày 07/06/2010 09:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lễ "Tỏn cộ" là một tập tục đẹp của đồng bào Thái đen đã có tự ngàn đời. Người Thái quan niệm khi người chết đi, linh hồn (phi) sẽ tiếp tục sống trên mường trời trong các "đẳm đoi", tức là nơi ở của các linh hồn cùng họ tộc.
Bình luận 0
img
Chuẩn bị lễ vật cho lễ “Tỏn cộ”.

Bởi vậy lễ vật, ngoài thể hiện tình cảm sâu nặng của con rể với bố mẹ vợ, còn có ý nghĩa giúp cho bố (hoặc mẹ) vợ có thêm thực phẩm, phương tiện, lễ vật để linh hồn có thể lên mường trời được thuận lợi.

Lễ "Tỏn cộ" do con rể cùng vợ làm từ nhà riêng rồi mang sang nhà bố mẹ vợ. Nếu vì hoàn cảnh quá khó khăn, con rể cũng phải cố làm bằng được lễ này cho đám tang của mẹ vợ để thể hiện lòng biết ơn với người mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng người vợ thân yêu của mình.

Lễ vật gồm ba mâm cỗ. Một mâm hoa quả (không thể thiếu chuối), bánh, rượu, gạo, tiền, hương. Mâm thứ hai có một con vịt, một con gà mổ sạch để cả lòng, tiết. Mâm thứ ba là một con dê, nếu không có dê thì thay bằng lợn chừng 30kg.

Dê (hoặc lợn) mổ sạch, riêng bốn chân từ khuỷu xuống móng, chỏm đầu và bờm để nguyên lông, ruột làm sạch rồi thổi phồng lên quấn quanh thân. Các mâm lễ vật được xếp lên một chiếc thang bằng tre, hóp với ý nghĩa như một chiếc cầu lớn.

Trong lễ vật bao giờ cũng có "chỉa giao cộ" tức là giấy giao cỗ, thực chất là điếu văn được viết trên một sải vải mộc trắng, phía dưới cắt hình đuôi én. Nội dung kể về công ơn to lớn của bố (mẹ) vợ đã sinh hạ, tần tảo sớm hôm, nuôi dạy người vợ của mình trở thành cô gái đảm đang, hiền thảo; lòng thành dâng lễ vật, dặn dò phải cẩn thận tránh mọi rủi ro trên đường tới mường trời và nhớ tìm anh em họ mạc ở "đẳm đoi".

Cái thang để lễ vật do con rể và anh em của mình đến giúp khênh, phía đầu thang buộc vải trắng làm cầu dẫn cỗ kéo dài ra phía trước. Cầu bằng vải này dài tối thiểu 30 sải, khi làm xong lễ "Tỏn cộ" được thu mang về.

Khi cỗ gần đến nhà bố mẹ vợ, người nhà ra đón đỡ cầu vải đội lên đầu thể hiện lòng tôn trọng, lúc này người nhà bên con rể rót mời anh em họ hàng bên vợ ra đón mỗi người một chén rượu để tỏ tình thân ái. Khi đến chân cầu thang, người nhà của con rể thu quấn cầu dẫn cỗ lại, chủ nhà đón cỗ đặt dưới chân linh cữu.

Cỗ do con rể mang đến, sau khi cúng xong được chế biến mời họ mạc và bà con bản mường đến chia buồn. Còn "chỉa giao cộ" được treo trong nhà táng sau lễ hoả táng và chôn cất người quá cố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem