Mùa sơn tra, mỗi ngày thu tiền triệu
Cây sơn tra được người dân Tỏa Tình trồng trên các sườn núi cao. Từ những diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay diện tích trồng sơn tra toàn xã đã lên tới 140ha. Quả sơn tra ăn có vị ngọt chát, lẫn vị chua nên rất được chị em ưa thích dùng ăn vặt. Ngoài ra, quả sơn tra còn thường được dùng ngâm rượu, giúp tăng cường sự co bóp của cơ tim, đồng thời làm giảm sự kích thích cơ tim, tăng sự tuần hoàn ở mạch máu tim và mạch máu não...
Ngoài bán quả tươi, một số hộ cũng đã chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra để phục vụ nhu cầu đa dạng của người mua như: Sơn tra khô, mứt sơn tra… Vụ sơn tra năm nay, người dân Tỏa Tình trúng lớn vì sơn tra không chỉ được mùa mà còn được giá. Mỗi ngày thu hoạch, bà con có thể bỏ túi tiền triệu.
Cây sơn tra được trồng trên núi cao, cho thu nhập khá. Theo đánh giá của ông Mùa A Dề - Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, sơn tra sẽ là cây thế mạnh trong xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương.
Về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, ông Lò Văn Cương cho biết hiện đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện và ở các tỉnh lân cận đặt vấn đề về việc thu mua sản phẩm quả sơn tra của bà con, có doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu để xây dựng dây chuyền sản xuất rượu sơn tra ngay tại địa phương. |
Mặt trời vừa mới qua đỉnh núi, 5 người trong gia đình chị Mùa Thị Cở ở bản Lồng đã lên nương thu hái sơn tra. Thoăn thắt chọn quả, phân thành từng loại bán cho thương lái, chị Lò Thị Cở vừa phấn khởi cho biết: “Năm nay sơn tra cho năng suất, chất lượng cao hơn, quả ít bị sâu, mã quả đẹp. Từ đầu mùa đến giờ, gia đình thu hoạch đến đâu là thương lái đến tận vườn mua đến đó, không phải mang ra Quốc lộ 279 bán lẻ như trước nữa. Sơn tra quả to đẹp, giá cao nhất là 13.000 đồng/kg, quả loại vừa giá cũng được 10.000 đồng/kg, thấp hơn nữa là 5.000 – 6.000 đồng/kg. Mỗi ngày mình bán hơn 1 tạ quả, thu về từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng”.
Theo chị Cở, vụ thu hoạch sơn tra thường từ tháng 7-9 hàng năm. Ước tính đến cuối vụ, gần 2ha sơn tra của nhà chị sẽ cho thu khoảng 7 tấn quả, với giá bán như trên, gia đình chị sẽ có thu nhập hơn 50 triệu đồng. Sơn tra vốn là cây có sức sống mãnh liệt, công chăm sóc không nhiều, khí hậu ở xã Tỏa Tình quanh năm mát mẻ nên cây sơn tra sinh trưởng, phát triển rất tốt, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 40-55kg quả.
Người có công đưa cây sơn tra về trồng trên đất Tỏa Tình là ông Lý A Vư ở bản Hua Sa A. Cách đây 20 năm, ông Vư đã trồng thử nghiệm cây sơn tra và nhận thấy sơn tra rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không cần phun thuốc hay bón nhiều phân mà lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô, lúa nương. Ông Vư đã mạnh dạn đầu tư trồng tập trung hơn 2ha sơn tra.
Ngoài trồng trên nương, ông Vư còn tận dụng cả phần đất ngoài vườn, xung quanh nhà để trồng, nhờ đó năm nào cây sơn tra cũng đem về cho gia đình ông một khoản thu nhập ổn định từ 50-70 triệu đồng.
“Nguồn thu từ cây sơn tra đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, có tiền mua xe máy, mua sắm các vật dụng, trang trải cuộc sống gia đình và cho con cái ăn học đầy đủ. Bà con trong bản học theo, bây giờ nhà ai cũng trồng loại cây này để vươn lên xóa đói giảm nghèo” – ông Vư cho biết.
Nâng trái rừng thành sản phẩm hàng hóa
Sơn tra quả to đẹp, giá cao nhất là 13.000 đồng/kg, quả loại vừa giá cũng được 10.000 đồng/kg, thấp hơn nữa là 5.000 – 6.000 đồng/kg. Ảnh: V.D
Đánh giá về chất lượng sơn tra năm nay, anh Vũ Thanh Hải, một thương lái ở Phú Thọ cho biết: “Chỉ vùng cao Tây Bắc mới có sơn tra để bán. Sơn tra năm nay quả to, đẹp, những quả to tôi chọn đem về Hà Nội bán với giá không dưới 30.000 đồng/kg. Tôi thu mua tất cả quả to, nhỏ, về nhà sẽ phân loại, quả to bán cho các đầu mối, quả nhỏ sẽ phơi khô hoặc ngâm rượu để bán. Trung bình mỗi chuyến tôi nhập khoảng 7 tấn sơn tra, mỗi tuần nhập 2 chuyến”.
Trao đổi với PV, ông Mùa A Dề - Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết, hiện nay hầu hết các hộ trong xã Tỏa Tình đều trồng cây sơn tra. Hộ ít thì vài trăm gốc, hộ nhiều vài nghìn gốc, hiện tại diện tích sơn tra tại đây đạt trên 140ha, trong đó có khoảng 70% diện tích được trồng tập trung.
Những quả sơn tra được thu mua với giá khoảng 15.000 đồng/kg. Ảnh: I.T
“Riêng về vấn đề đầu ra, bà con không phải lo nghĩ vì thương lái đến tận nương thu mua, sản lượng còn lại người dân tự đem ra đường quốc lộ bán làm quà cho người qua đường. Nhiều hộ còn thành lập cơ sở chế biến sơn tra thành các sản phẩm hàng hóa như sơn tra khô, sơn tra ngâm rượu, có thể kéo dài thời gian bảo quản cũng như nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây rừng đặc biệt này” – ông Dề nói.
Trong khi đó, ông Lò Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết thêm, tổng diện tích sơn tra của huyện hiện đạt hơn 170ha, được trồng tập trung ở hai xã Tỏa Tình và Tênh Phông. Để phát triển bền vững cây sơn tra, huyện khuyến khích các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với nhân dân để sản xuất loại cây này theo chuỗi từ ươm mầm đến thu hoạch, thu mua sản phẩm.
Từ một “cây rừng” mọc tự nhiên trên núi, người dân xã Tỏa Tình đã phát huy lợi thế, biến thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cao. Theo như ông Mùa A Dề nhận định, diện tích đồi trọc, trong những năm tới đây sẽ phủ kín màu xanh sơn tra và sơn tra sẽ trở thành một trong những loại cây chủ lực, giúp người dân địa phương giảm nghèo, làm giàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.