Đó là nhận định của PSG-TS Vũ Trọng Khải (ảnh) - chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn xung quanh trào lưu nông dân tham gia mạng xã hội youtube, facebook để giới thiệu và bán nông sản.
Thời gian gần đây xuất hiện không ít tài khoản trên youtube, facebook thực hiện các livestream, hoặc đăng hình ảnh, clip giới thiệu các mặt hàng nông sản tới người tiêu dùng. Những tài khoản này đều do chính nông dân lập nên. Ông nhận định như thế nào về điều này?
- Điều này quá tốt, thể hiện trình độ của người nông dân ngày càng được nâng cao, sự sáng tạo của người nông dân không có giới hạn. Nông dân bây giờ quá giỏi, dùng internet thành thạo, tự họ có thể lập tài khoản, kết bạn trên mạng xã hội facebook. Tôi được biết, đã có nhiều nhóm nông dân liên kết với nhau xây dựng các diễn đàn, hội, nhóm bao gồm cả công khai lẫn “kín” để cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và mua bán nông sản.
Nhiều nông dân tuy đã 50-60 tuổi, có thể không làm được clip, không chụp được ảnh đẹp, nhưng nhờ sự hỗ trợ của con cháu, họ sẵn sàng xuất hiện trên livestream để giới thiệu về bản thân, quảng bá các mặt hàng nông sản đặc sản hay thậm chí chỉ là những món ăn, cảnh đẹp quê hương mình. Điều đó cho thấy, tư duy của bà con đã thay đổi rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải ai lên mạng bán hàng cũng thành công, thưa ông?
- Đúng như vậy. Vì nếu chỉ nhìn qua hình ảnh, hay xem livestream, nhiều người tiêu dùng chưa tin vào chất lượng của mặt hàng đó, cũng không ít người mua hàng online đã bị lừa, nhận hàng chất lượng kém xa so với hình ảnh trong livestream hoặc ảnh chụp. Vì thế, muốn bán được hàng, phải đảm bảo chất lượng, phải có cam kết rõ ràng để gây dựng uy tín, thương hiệu.
Tuy nhiên không phải ai lên mạng cũng bán hàng thành công, thậm chí còn bị kẻ xấu lợi dụng uy tín để trục lợi. Trong khi bản thân người nông dân trình độ và sự nhạy bén còn hạn chế, không thể theo kịp những đối tượng có “kinh nghiệm” thường xuyên lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để lừa bán hàng qua mạng xã hội, làm mất uy tín của cả nông dân và doanh nghiệp - những người làm ăn chân chính.
Hình ảnh và livestream bán sầu riêng của một chủ tài khoản trên Facebook thu hút nhiều người quan tâm
Ông có hay mua hàng qua mạng không?
- Tôi cũng thường xuyên mua hàng online và thường mua các món ăn truyền thống, đặc sản vùng miền như cá kho Vũ Đại. Chỉ cần trao đổi vài câu là cá kho đã được chuyển về tận nhà. Tôi thấy việc giao dịch rất thuận tiện, chất lượng sản phẩm tốt.
Như ông vừa nói, bán hàng online dần trở thành xu hướng phổ biến, đem lại nhiều tiện ích, vậy làm thế nào để người nông dân có thể tận dụng tối đa lợi thế từ mạng xã hội để tiêu thụ nông sản?
- Thực tế cho thấy, chỉ sợ kẻ xấu giỏi công nghệ thông tin hơn nông dân, lập ra những tài khoản giả mạo để lừa khách hàng.
Do đó, tôi cho rằng, để giúp người nông dân có thể tham gia “chợ ảo” này, Luật An ninh mạng phải bổ sung sửa đổi làm sao đó để bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân và cả doanh nghiệp, chứ hiện nay Nhà nước đang thả nổi, ai thích bán gì thì bán, không ai quản lý. Mua bán với nhau chỉ dựa vào niềm tin.
Một trong những điều quan trọng của Luật An ninh mạng là chống gian dối, hàng giả. Luật phải nhắm vào cái này để không chỉ bảo vệ nông dân mà bảo vệ cả các doanh nghiệp làm ăn chính đáng. Nhiều đối tượng lừa đảo cứ thấy mặt hàng nào bán chạy là nhảy vào làm giả, từ bao bì cho tới logo, giống y hệt sản phẩm uy tín để hưởng lợi bất chính.
Sự phát triển nào cũng nảy sinh vấn đề. Nhưng chúng ta phải giải quyết vấn đề đó bằng tư duy khác chứ không thể bằng tư duy cũ. Nhà bác học Anhxtanh đã nói: Không thể giải quyết một vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề đó. Muốn làm tốt, phải nghĩ khác đi, phải tập trung lực lượng chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chắc chắn youtube hay facebook sẽ sẵn sàng phối hợp với Nhà nước để chống hàng gian hàng giả.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.