“Lệnh cấm” đánh bắt của TQ trên Biển Đông: Vô nghĩa với ngư dân ta

Ngọc Thọ - Đình Thắng - Hồng Đức - Cảnh Thắng - Hữu Anh Thứ sáu, ngày 03/03/2017 06:00 AM (GMT+7)
Ngay sau khi Trung Quốc “ban hành” lệnh cấm đánh bắt cá, ghi nhận của PV NTNN tại các địa phương cho thấy ngư dân ta vẫn ra khơi bình thường. Cơ quan chức năng khuyến cáo, thời gian tới dù đánh bắt vùng biển nào: Vịnh Bắc Bộ hay vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, ngư dân nên đi theo tổ, đội để bảo vệ lẫn nhau.
Bình luận 0

Ngư dân vẫn đánh bắt bình thường

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 27.2 đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12 giờ ngày 1.5 đến 12 giờ ngày 16.8. Trước thông tin này, PV NTNN đã liên lạc với các cơ quan chức năng quản lý về khai thác thủy sản tại các địa phương cũng như ghi nhận thực tế.

img

 Đóng tàu lớn để vươn khơi đánh bắt tại Biển Đông. Ảnh: Đăng Lâm

Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 27.2 đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12 giờ ngày 1.5 đến 12 giờ ngày 16.8, Sở NNPTNT Nghệ An đã yêu cầu Chi cục Thủy sản Nghệ An ra thông báo đến các huyện, thành, thị ven biển như huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai khuyến cáo cho các ngư dân tham gia khai thác đánh bắt hải sản trên biển được nắm rõ lệnh cấm khai thác hải sản của Trung Quốc từ ngày 1.5 đến 16.8 không khai thác qua phía đông đường phân định tại Vịnh Bắc Bộ và không vượt qua các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển.

 Theo tìm hiểu của PV Báo NTNN, trong tổng số gần 4.000 tàu thuyền của Nghệ An, hiện có trên 1.300 tàu khai thác xa bờ công suất trên 90CV với nghề chụp mực, cá, vây ánh sáng, lưới rê tầng đáy... Nhờ việc chuyển đổi nghề, đầu tư thuyền to, máy lớn mà tỷ trọng sản lượng khai thác vùng khơi chiếm gần 60% với nhiều sản phẩm có giá trị như mực, tôm, cá thu.

“Lệnh cấm” vô lý

Với hải phận rộng lớn, tài nguyên biển của Nghệ An được đánh giá là khá phong phú, với trên 267 loài cá, trong đó 62 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá biển trên 80.000 tấn, nhiều loài có giá trị như cá chim, cá thu, cá hồng, cá nục, 20 loài tôm với trữ lượng 610 - 680 tấn... Để khai thác tiềm năng hải sản biển, đội tàu trên địa bàn tỉnh này phát triển theo hướng giảm dần loại tàu thuyền có công suất dưới 20CV, số tàu có công suất lớn khai thác xa bờ tăng khá nhanh phục vụ cho đánh bắt vùng khơi nhằm giảm dần hoạt động khai thác ven bờ và vùng lộng.

Tại Hà Tĩnh, trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh (Sở NNPTNT Hà Tĩnh) cho biết: “Qua báo chí tôi vừa nắm được thông tin Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Trước sự việc này các địa phương có ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển như Hà Tĩnh đang chờ Tổng cục Thủy sản hướng dẫn lúc đó mới thực hiện phổ biến đến ngư dân. Quan điểm của chúng tôi là vùng biển truyền thống của ta, ta cứ đánh bắt bình thường.

Còn ông Lê Quang Tuyến-Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Năm nào cũng vậy, phía Trung Quốc ra lệnh cấm biển một cách rất vô lý. Đây là cái lệnh phi lý, nhằm làm khó dễ cho ngư dân Việt Nam. “Do đó, Chi cục sẽ làm công văn gửi xuống các địa phương trong tỉnh, khuyến cáo bà con bám biển theo các mô hình tổ đội liên kết sản xuất trên biển, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong khi đánh bắt, trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, Chi cục đang chờ thông báo của Tổng cục Thủy sản về vấn đề này để Chi cục làm văn bản gửi đến tất các địa phương trong tỉnh hướng dẫn cách thức đề phòng khi ngư dân ra khơi, tránh xảy ra những sự cố ngoài ý muốn” - ông Tuyến nói.

Cũng trong ngày 2.3, PV NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), ông Trung nói: Chúng ta quản lý khu vực phía Tây còn Trung Quốc quản lý về phía Đông của đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc xác định phạm vi phân định và xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Tàu thuyền bấy lâu nay của ngư dân ta đánh bắt ở đâu thì cứ việc tiếp tục đánh bắt ở đấy.

Không có giá trị pháp lý

Ngày 2.3, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã ký Tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo đó, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam khẳng định quyết định đơn phương trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành cái gọi là “lệnh cấm” đánh bắt cá với cả ngư dân trong nước lẫn các nước khác trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam nói chung và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam nói riêng. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc và coi lệnh áp đặt này là vô giá trị.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kêu gọi ngư dân và đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tiếp tục ra khơi bám biển, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong đánh bắt thủy hải sản; bình tĩnh, tỉnh táo, kiên trì đấu tranh, tránh xung đột để không làm gia tăng căng thẳng trên các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân khai thác thủy hải sản tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong Công văn số 15 vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Phía Trung Quốc đơn phương thông báo quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ 12 giờ ngày 1.5 đến 16.8. Theo đó, phạm vi cấm đánh bắt cá từ 12 độ vĩ Bắc đến vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền biển của Việt Nam. Đây là hành động phi lý của phía Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam”.

img

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng. Ảnh: HNC

Có biện pháp hỗ trợ ngư dân bám chắc biển

"Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm luật pháp Việt Nam bởi đây là vùng biển của Việt Nam. Chúng tôi kịch liệt phản đối lệnh cấm vô lý này. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn ngay quy chế cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời phải có biện pháp tích cực hỗ trợ bà con ngư dân bám biển đánh bắt hải sản để bà con yên tâm đánh bắt khai thác sản xuất, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc" - Chủ tịch Hội Nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng.

img

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Ngọc Thọ

Lệnh cấm khiến tình hình phức tạp

"Quyết định đơn phương trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng... Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

Đình Thắng - Ngọc Thọ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem