“Bữa nào rảnh”, chớp mắt là 10 năm sau. Nhưng đối với người miền xuôi như chúng tôi, cái vui, cái ngon thì vẫn vậy, vẫn đặc biệt vô cùng.
Chỉ khác, lần này chúng tôi chưa có dịp gặp lại người bạn cũ để thực hiện lời hẹn cũ. Mà lời hẹn ấy được thực hiện bởi những người bạn mới, cư dân mới đến núi Cấm lập nghiệp. Anh Sĩ (chủ một homestay) dặn chúng tôi đi men theo con suối Thanh Long, nhưng ở khu vực Ô Tứk Sa trên cao.
Tới vị trí thuận tiện cứ thoải mái tận hưởng dòng nước mát thấu lòng, đổ từ trên núi xuống, tạo thành dòng thác Ô Tứk Sa.
“Nhưng mà, trải nghiệm câu cá núi trước đi, vui lắm!” - anh Sĩ rủ rê, nhiệt tình đưa cần câu cho chúng tôi, nhiệt tình kêu người ra bên hông núi đào trùng. Mồi có, cần câu có, thời gian có, thế là chúng tôi đi.
Chúng tôi lần tới một vũng suối nhỏ, bình lặng.
Nước trong veo, lười biếng ẩn mình dưới tảng đá. Mấy thanh niên địa phương dắt chúng tôi đi, khẳng định địa thế như vậy mới có cá nhiều. Còn mấy chỗ rộng rãi, nước chảy xiết, thì để dành tắm, chụp ảnh “check-in”, hoặc cho đám cá to vùi dưới đáy. Rồi họ có việc phải đi, để chúng tôi lại giữa dòng suối, kèm theo ánh mắt băn khoăn.
Họ nghĩ, chúng tôi sẽ ra về tay không như bao khách du lịch phương xa, chỉ uổng mồi trùng tươi mới vào bụng bọn cá núi.
Thậm chí, cả nhóm chẳng nhớ đem theo vật dụng đựng cá, chứng tỏ trong tâm thức, không nghĩ rằng sẽ câu được cá! Dân cố cựu bám núi, có khi còn muối mặt lúc đi câu. Gặp hôm ế, họ xách cần câu quày quả trở về, mồi hết, thùng rỗng.
Câu cá trên một dòng suối trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Họ vừa khuất dạng, bên này anh Đặng - người đi cùng đoàn với chúng tôi - hí hửng kéo cần câu lên, khoe chiến lợi phẩm là con cá chành dục (có khi gọi là dùng dục, cá suối) bé xíu như cá bống, mà hình dạng y hệt cá lóc. Chúng nửa quen nửa lạ, với cái vây pha màu đỏ.
Trong 15 phút đầu tiên, anh Đặng cho chúng tôi biết thế nào là “tay nghề sát cá” của mình. Cả chục con cá đói mồi lần lượt vướng vào lưỡi câu.
Cá to nhất bằng ngón tay cái, mọc cặp râu dài như cá trê. Cá nhỏ thì bằng nửa ngón út, bé xíu thấy cưng. Thậm chí, có con ham ăn đến mức, nuốt trọng mồi vào bụng, lấy lưỡi câu ra vất vả trần ai. Thi thoảng, anh để vuột mất mấy con cá to. Thấy mối nguy, cá quyết đoán buông mồi, lách mình xuống đất, hòa vào dòng suối mất hút, bỏ lại tiếng xuýt xoa tiếc rẻ của kẻ phàm ăn.
Tưởng “ngon ăn”, anh Giang - người còn lại trong nhóm - sốt sắng giành cần câu, thử nghiệm cảm giác câu cá trên núi. Anh cũng câu đúng chỗ, đúng cách, mà lạ lắm! Ngồi chờ tê chân, không con nào chịu ăn mồi, ngược lại còn dạt ra hết. Anh ngậm ngùi trả lại cần câu, chuyên tâm vào việc ghi hình.
Anh Đặng chia sẻ: “Kinh nghiệm khi đi câu cá núi là phải chọn địa điểm yên tĩnh, khuất ánh sáng, dòng nước không chảy xiết. Đặc thù của loại cá này là sống trong hốc đá, rất đói mồi. Chỉ cần động đậy mồi, chúng sẽ nhanh chóng bơi ra ăn, không cần “năn nỉ”. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào độ tươi mới của mồi, cách mắc mồi vào lưỡi câu, tay nghề từng người…”.
Thấy dễ, mà khó. Nghe khó, mà làm dễ ợt. Thú câu cá, bao giờ cũng tập cho con người tính kiên nhẫn, biết chờ đợi thời cơ. Còn thời cơ của đám cá chành dục là thức ăn từ khách phương xa. Tiếng trò chuyện rôm rả của chúng tôi, tiếng nước ầm ào đổ xuống, tiếng rừng cây xào xạc… chẳng ảnh hưởng đến chúng lúc chiều tà. Cần câu được kéo thả liên tục, cá ngày càng chật trong chiếc bọc ny-lon (dùng để đựng khẩu trang). Chúng tôi hồ hởi đếm, anh Đặng nhắc nhẹ: “Dân đi câu truyền tai nhau rằng, không nên đếm cá đã câu được”.
Giữa những lần buông câu ngắn ngủi, anh Đặng buông mình theo ký ức thuở xưa, gắn với tháng ngày thơ ấu đói khổ, ở miệt vườn sông nước.
Sau buổi học, anh lại xách đồ nghề đi câu cá, mò cua, bắt ốc. “Chiến lợi phẩm”, một phần anh bán lấy tiền xoay trở phụ giúp ba mẹ. Một phần, cho bữa cơm hàng ngày. Phần còn lại, thỏa tính hiếu động của cậu bé nhà quê, muốn ngụp lặn trong bờ ao, sông rạch nhà mình.
Một con cá chành dục dân câu được trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Theo người dân bản địa ở núi Cấm, cá chành dục giống như cá lóc nhưng có kích thước nhỏ hơn rất nhiều, con to nhất chỉ bằng nửa cổ tay người trưởng thành. Cá có đặc điểm là vây lưng, vây đuôi có viền ngoài màu hồng hoặc vàng. Cá có màu xám đen ở mặt lưng và nhạt gần xuống bụng.
Rồi anh lớn lên, bắt đầu gia nhập guồng xoáy rời quê, lập nghiệp xứ người. Một lần rời đi, là hàng chục năm đằng đẵng. Mỗi lần muốn trở về, phải đắn đo cân nhắc chuyện này, việc kia.
Muốn quay lại cảnh đắm mình mò cua bắt ốc ngày trước, thì tuổi tác, sức khỏe, tâm lý… cứ níu kéo. Mãi đến hôm nay, anh mới trở lại một phần của ký ức, nhớ lại cảm giác tỉ mẩn đi câu, tìm lại nụ cười vô tư mỗi lần câu được cá.
Đó chính là “chiến lợi phẩm” lớn nhất mà anh có được, ở độ tuổi trung niên.
Khi cảm thấy cá đã nhát mồi, chạy trốn biệt tăm, để lại dòng suối im lìm, chúng tôi trở về. Chỉ 6-7 con cá be bé thôi, nhưng mang lại niềm vui lớn lao cho từng người, vui đến mức tiếc nuối không nỡ rời đi. Rồi chúng tôi mượn chỗ làm cá, ướp chúng trong ơ đất nhỏ, kho liu riu trên bếp.
Bữa chiều hôm đó, mỗi đứa ăn 3 chén cơm, gắp nhín nhín từng chút cá. Quện trên đầu lưỡi là vị ngọt thơm, dai dai của thịt cá, vị cay mặn của gia vị, là cái đói của một ngày lăn lộn trên núi.
Ăn hết rồi, vẫn thòm thèm… Nhưng thôi, để dành nỗi thèm đó cho ước muốn: Một ngày, chúng tôi sẽ trở lại dòng suối, được chạm vào núi rừng, quên đi bộn bề thực tại đồng bằng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.