Lịch sử Công an có bao nhiêu lãnh đạo mang cấp hàm Đại tướng?

Lương Kết Thứ năm, ngày 07/02/2019 07:26 AM (GMT+7)
Sau khi ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an được Chủ tịch nước thăng cấp hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng, tính đến nay lịch sử của ngành mới chỉ có 4 trường hợp giữ cấp hàm cao nhất này.
Bình luận 0

img

Đại tướng Mai Chí Thọ (ảnh Bộ Công an).

1. Người đầu tiên có cấp hàm Đại tướng của lực lượng Công an nhân dân là ông Mai Chí Thọ (1922 -2007). Ông tên thật là Phan Đình Đống, quê Nam Định; tham gia cách mạng từ năm 1936; vào Đảng năm 1939; vào Công an nhân dân năm 1945. 

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII. Ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) từ 1986 -1991. Ông được thăng cấp hàm Đại tướng vào năm 1989.

img

Đại tướng Lê Hồng Anh khi còn công tác (ảnh IT).

2. Người thứ hai được phong Đại tướng trong ngành Công an là ông Lê Hồng Anh. Ông sinh năm 1949, quê Kiên Giang. Ông làm Bộ trưởng Bộ Công an từ 2002 đến 2011. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX, X, XI; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII.

Trường hợp ông Lê Hồng Anh khá đặc biệt, bởi trước khi trở thành Bộ trưởng ông không phải người trưởng thành từ ngành Công an.

Ông từng làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Năm 2002 ông làm Bộ trưởng Bộ Công an, được phong hàm Đại tướng vào năm 2005.

Năm 2011, ông giữ chức Thường trực Ban Bí thư. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) ông nghỉ hưu.

img

Đại tướng Trần Đại Quang (ảnh Bộ Công an).

3. Trường hợp thứ ba được phong hàm Đại tướng Công an là ông Trần Đại Quang. Ông sinh năm 1956, từ trần năm 2018. Đại tướng Trần Đại Quang có quá trình công tác và trưởng thành từ lực lượng Công an. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII

Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Thứ trưởng Bộ Công an.

Năm 2011, ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, được thăng cấp hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng năm 2012. Tháng 4.2016, ông được Quốc hội khóa XIII bầu giữ chức Chủ tịch nước; Đến tháng 7.2016, ông được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước. Tháng 9.2018, ông từ trần khi đang đương nhiệm.

img

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ảnh TTXVN).

4. Trường hợp thứ tư được thăng hàm Đại tướng là ông Tô Lâm (thăng hàm tháng 1.2019). Ông sinh năm 1957, quê Hưng Yên. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Đại tướng Tô Lâm là cán bộ trưởng thành trong lực lượng Công an, trong quá trình công tác ông từng giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4.2016, ông được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Tháng 7.2016, ông được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy tính đến nay, ngành Công an có 4 trường hợp lãnh đạo mang cấp hàm Đại tướng. Lãnh đạo cao nhất của ngành qua các thời kỳ gồm: ông Lê Giản, ông Trần Quốc Hoàn, ông Phạm Hùng, Đại tướng Mai Chí Thọ, Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, Thượng tướng Lê Minh Hương, Đại tướng Lê Hồng Anh, Đại tướng Trần Đại Quang, nay là Đại tướng Tô Lâm.

Ngày thành lập Công an nhân dân là 19.8.1945.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem