Liên kết trồng gừng xuất khẩu, dân nghèo Lục Khu hết “khát”

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 08/12/2020 10:24 AM (GMT+7)
Nhờ trồng gừng để làm gia vị xuất khẩu, vùng "đất khát" Lục Khu (thuộc huyện Hà Quảng, Cao Bằng) giờ đây đã đổi thay, đời sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc nơi đây không ngừng được nâng lên. Năm nay, vụ gừng ở Lục Khu vừa được mùa, vừa được giá nên bà con rất phấn khởi.
Bình luận 0

Trồng gừng lãi 6-7 lần so với ngô, lúa

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, ông Lưu Trọng Hính - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hà Quảng cho biết, khoảng 5 năm gần đây, vùng cao Lục Khu (tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã có những bước chuyển mình rõ rệt. 

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã từng ngày thêm no ấm nhờ trồng gừng làm gia vị và xuất khẩu.

Liên kết trồng gừng, dân Lục Khu hết “khát” - Ảnh 1.

Nhờ trồng gừng, gia đình anh Trương Văn Lần (xã Cải Viên, Hà Quảng) đã có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Ảnh: M.N

Theo ông Trần Văn Hiếu, Lục Khu là vùng núi đá, không có mạch nước ngầm, quanh năm chỉ phụ thuộc vào nguồn nước mưa nhưng do thời tiết mát lạnh nên sáng sớm thường có nhiều sương, giúp cây gừng phát triển tốt. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt, được thời tiết ưu ái nên củ gừng ở Lục Khu có hương vị đặc biệt. Gừng sau khi thu mua của bà con sẽ được chuyển về nhà máy chế biến, chiết xuất tinh dầu và xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Trước đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để phù hợp với địa hình và điều kiện thiên nhiên ở các xã Lục Khu, năm 2016, chính quyền huyện Hà Quảng đã vận động người dân khai hoang để phát triển trồng trọt, trong đó ưu tiên trồng gừng làm cây mũi nhọn.

Theo đó, để xây dựng vùng nguyên liệu gừng hữu cơ, huyện Hà Quảng đã xác định mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích lên 500ha và đến 2030 là 1.000ha. 

"Kế hoạch, mục tiêu cho chiến lược phát triển trồng gừng hữu cơ đã được huyện Hà Quảng đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện, và coi gừng là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện" - ông Hính nói.

Là lãnh đạo đơn vị tiên phong trong việc hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người trồng gừng ở Hà Quảng, ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường (Công ty DACE) cho hay, năm 2016, công ty đã đánh giá và trồng thử nghiệm gừng ở Lục Khu, nhận thấy vùng đất này có điều kiện tự nhiên rất phù hợp để trồng gừng hữu cơ.

Sau giai đoạn đầu trồng thử nghiệm thành công, Công ty DACE đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhiều hộ gia đình chuyển đổi sang trồng gừng và dần dần đã thành lập các tổ hợp tác để trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

Năm 2020, toàn huyện Hà Quảng trồng 150ha gừng, trong đó diện tích gừng được chứng nhận hữu cơ là 70ha. Sản lượng năm 2020 dự kiến đạt 2.000 tấn gừng củ.

Cũng theo ông Hiếu, do năm nay bị ảnh hưởng bởi khí hậu thất thường, mưa nhiều nên một số diện tích trồng gừng của người dân bị chết, dự kiến sản lượng chỉ đạt được khoảng 70%.

Ông Hiếu chia sẻ, nhờ hiệu quả kinh tế của cây gừng mà số hộ dân tham gia trồng gừng không ngừng tăng qua các năm, đến nay đã có trên 3.000 hộ trồng, chiếm 56% tổng số hộ dân tại Lục Khu, chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Tày, Nùng.

"Nhờ có công ty hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống và đảm bảo bao tiêu sản phẩm nên người dân rất yên tâm khi tham gia vào các tổ, nhóm trồng gừng. Đặc biệt là thu nhập của đồng bào ở đây cao gấp 6 - 7 lần so với cây trồng khác như ngô, lúa, lạc" - ông Trần Văn Hiếu chia sẻ.

Đánh thức vùng đất nghèo

Vùng Lục Khu nhiều năm nay vẫn được coi là nơi "khát nhất" của tỉnh Cao Bằng. Theo người dân Lục Khu, họ không chỉ khát về nguồn nước mà còn "khát" cả về đời sống vật chất. 

Anh Trương Văn Lần - người dân tộc Nùng ở xã Cải Viên, Hà Quảng, cho biết, ở Lục Khu, 4 mùa đất đai cằn cỗi, người dân chỉ biết trồng ngô, sắn, bởi vậy cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

"Năm 2016, cây gừng được đưa vào trồng thử nghiệm ở Lục Khu đã đánh thức cả một vùng đất bao năm nay chìm trong nghèo đói" - anh Lần chia sẻ.

Theo đó, gia đình anh Lần là một trong những hộ gia đình đầu tiên tham gia hợp tác trồng gừng hữu cơ và ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty DACE ở xã Cải Viên. Đến nay anh Lần có trên 2 sào trồng gừng hữu cơ, mỗi năm trừ chi phí, anh lãi 50 - 70 triệu đồng. 

"Cây gừng rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Lục Khu, quanh năm không phải lo nguồn nước vì gừng thích hợp với điều kiện khô hạn, một năm chỉ bỏ phân chuồng một lần" - anh Lần nói.

Tương tự, anh Trương Văn Đại - người dân tộc Nùng (xã Cải Viên, huyện Hà Quảng) cho biết, anh đã trồng gừng được 2 năm nay, năm đầu tiên đã cho thu lãi trên 50 triệu đồng, một số gừng già anh để làm giống cho năm sau. Sang năm nay, anh Đại đã mở rộng thêm diện tích trồng gừng.

Anh Đại nói: "Giá gừng năm nay được doanh nghiệp mua tại ruộng với giá 13.000 đồng/kg nên người dân vui mừng lắm. Đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là cây mang lại thu nhập khá cho người dân ở Lục Khu".

Ông Trần Văn Hiếu cho biết thêm, công ty đã ký biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện Hà Quảng về phát triển vùng trồng gừng đến 2025 đạt 500ha. 

Theo đó, sẽ ký kết hợp đồng liên kết giữa DACE và UBND xã, các nhóm hộ dân trồng gừng và hợp đồng hợp tác giữa DACE và hội phụ nữ, trung tâm dịch vụ nông nghiệp trong việc truyền thông, tập huấn, theo dõi giám sát trồng gia vị hữu cơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem