Liên tiếp sập hầm vàng: Khai thác trái phép còn phổ biến, nhức nhối

Đình Thắng (thực hiện) Thứ ba, ngày 30/08/2016 13:00 PM (GMT+7)
Xung quanh câu chuyện các vụ sập hầm vàng diễn ra gần đây, PV NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường-TNMT).
Bình luận 0

Liên quan tới vụ việc tại Mà Sa Phìn (Văn Bàn, Lào Cai), ông Thanh cho biết, UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập Đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai dẫn đầu, chỉ đạo khắc phục hậu quả và xác định nguyên nhân vụ sập hầm vàng này.

Vụ sập hầm vàng mới đây ở Mà Sa Phìn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có chỉ đạo như thế nào, thưa ông?

img

Hiện trường vụ sạt lở ở bãi đào vàng Mà Sa Phìn. Ảnh: T.L

Công tác quản lý khoáng sản còn tồn tại những hạn chế nhất định, như công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản của các bộ liên quan và một số địa phương theo quy định của Luật Khoáng sản còn chậm; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ; một số địa phương việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa kiên quyết, dẫn tới tình trạng này diễn ra kéo dài mà không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận xã hội”.

Ông Lại Hồng Thanh

- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nắm bắt được thông tin ngay khi báo chí phản ánh và đã liên hệ Sở TNMT để theo dõi diễn biến vụ việc. UBND tỉnh Lào Cai đã thành lập Đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND tỉnh này dẫn đầu và đại diện lãnh đạo các Sở liên quan đến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả và xác định nguyên nhân nên chưa có thông tin chính thức.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 23.8 của UBND huyện Văn Bàn, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 19.8 trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa trên diện rộng, một số nơi mưa to, lũ lớn tại các suối Nậm Xây Nọi, Nậm Xây Luông, đến đêm 19.8, tại khu vực Mà Sa Phìn đã xảy ra sạt lở đất khu vực lán trại của công nhân làm cuốn trôi 2 người và làm bị thương 4 người.

Qua liên hệ và báo cáo trực tiếp của lãnh đạo Công ty cổ phần Vàng Nhẫn, tổng số người chết được xác định là 7 người (trong đó 2 người của công ty) và có 4 người bị thương. Như một số báo đã nêu, thông tin chính xác về số người chết, người bị thương của vụ sạt lở còn khác nhau. Do đó, để có thông tin chính thức, cần đợi kết quả báo cáo của Sở TNMT sau khi Đoàn công tác  của tỉnh kết thúc đợt kiểm tra.

Ông đánh giá thế nào về công tác quản lý các mỏ khoáng sản nói chung và mỏ vàng nói riêng của cơ quan chức năng ở Lào Cai?

- Lào Cai là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều mỏ khoáng sản có quy mô lớn so với cả nước (vàng, đồng, sắt, apatit...); tổng thu ngân sách từ khoáng sản của tỉnh đứng thứ hai cả nước (chỉ sau Quảng Ninh). Do đó, UBND tỉnh Lào Cai đã xác định công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo Sở TNMT, các sở liên quan thực hiện khá bài bản.

Theo đó, UBND tỉnh đã lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền; trên cơ sở Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản quản lý khoáng sản trên địa bàn, các chỉ thị, đề án nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có giấy phép cũng như chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khoáng sản vàng. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, ngày càng có hiệu quả.

img

Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường-TNMT).

Cũng như một số địa phương khác ở khu vực miền núi phía Bắc, dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao. Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn, nhất là khu vực Mà Sa Phìn đã diễn ra từ những năm trước đây nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm như báo chí đã phản ánh.

Tình hình khai thác khoáng sản hiện nay khá phức tạp. Ông có thể đánh giá về công tác quản lý của địa phương cũng như của bộ ngành liên quan đối với việc quản lý các mỏ khoáng sản nói chung và mỏ vàng nói riêng trên địa bàn cả nước?

- Thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan (TNMT, Công Thương, Xây dựng, Tài chính...) cũng như UBND cấp tỉnh, công tác quản lý khoáng sản nói chung đã đạt được nhiều kết quả đáng kể; đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này; góp phần đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, đến nay cơ bản đã hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản; lần đầu tiên Thủ tướng ban hành chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đã có 14 quy hoạch của cả nước cho 40 loại khoáng sản, trên 80 quy hoạch khoáng sản cấp tỉnh đã được phê duyệt; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản ngày càng chặt chẽ, tình trạng cấp phép khai thác tràn lan tại một số tỉnh cơ bản được khắc phục…

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem