Cụ thể, HVN được niêm yết lần đầu trên UpCOM vào ngày 3.1.2017 với mức giá tham chiếu 28.000 đồng/CP. Ngay ngày đầu chào sàn, HVN đã tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp lên mức giá 45.000 đồng/CP và đạt đỉnh ngay phiên giao dịch thứ 3 ở mức giá 49.300 đồng/CP. Sau đó là một chuỗi ngày giảm giá đến thời điểm hiện tại.
Vỡ mộng với hãng hàng không... “Sorry Airlines”
Thống kê trong 3 tháng cổ phiếu HVN lên sàn UpCOM, với tổng cộng 59 phiên giao dịch thì chỉ có 20 phiên tăng giá (gồm 3 phiên tăng trần), 4 phiên đứng giá, còn lại là 35 phiên giảm giá. Thế nên, trong giới đầu tư chứng khoán khu vực phía Nam, HVN không còn là cái tên được gọi là “Hãng Hàng không Quốc gia - Vietnam Airlines” nữa mà được thay thế bằng cái tên khá hài hước - Hãng hàng không ...“Sorry Ailines”, khi nhắc đến mã cổ phiếu này.
Vì sao HVN không được như kỳ vọng của giới đầu tư và liên tục giảm sàn về gần với mức giá tham chiếu ngày chào sàn đầu tiên (3.1), ở mức 28.000 đồng/CP?
Trước hết, việc Vietnam Airlines đặt ra mục tiêu thận trọng về kết quả kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận sau thuế 1.186 nghìn tỷ đồng, giảm 52% so với năm 2016, do lo ngại giá nhiên liệu tiếp tục tăng, khiến nhà đầu tư cổ phiếu này không khỏi lo lắng.
Thực tế, trong năm 2016 vừa qua, chính giá nhiên liệu tăng cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận hãng hàng không này bị bào mòn khá nhiều. Cụ thể, trong báo cáo tài chính năm 2016 của HVN, hãng hàng không này đạt doanh thu thuần đạt 70.089 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.103 tỷ đồng (tăng trưởng 161%). Trong đó, riêng quý 4/2016, HVN đạt doanh thu thuần 16.800 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lỗ thuần là 444 tỷ đồng so với khoản lãi 79 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là giá nhiên liệu tăng 17%.
Kế đến, việc Techcombank gần như “tháo chạy” khỏi Vietnam Airlines vào hồi đầu tháng 3 vừa qua khiến thị giá cổ phiếu HVN liên tục giảm từ vùng giá 40.000 - 41.000 đồng/CP về vùng giá 31.000 - 33.000 đồng/CP. Dĩ nhiên, giới đầu tư chứng khoán khá nhạy cảm trước thông tin này vì dù sao Techcombank cũng là một cổ đông lớn của HVN khi nắm 2,08% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến HVN liên tục “đỏ sàn” những phiên giao dịch gần đây nhất, về gần sát mức giá 28.000 đồng/CP của ngày chào sàn cách đây 3 tháng, có lẽ phần lớn xuất phát từ đánh giá của khá nhiều công ty chứng khoán liên quan đến việc thị phần HVN có thể sẽ sụt giảm về mức 40%.
Cụ thể, theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) thì thị phần năm 2017 của HVN có thể giảm về mức 40% do sức ép cạnh tranh từ Vietjet Air (hiện tại thị phần của HVN là 43% và Vietjet Air là 42%), trong khi giá vé máy bay giảm và giá nhiên liệu có thể tăng sẽ tác động giảm tỷ suất lợi nhuận nên HSC đánh giá triển vọng căn bản của cổ phiếu HVN không quá khả quan...
Ngoài ra, HSC cũng dự báo doanh thu thuần HVN năm 2017 đạt 84.017 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.119 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng sẽ giảm 20% xuống còn 1.695 tỷ đồng. Dù vậy, những kết quả kinh doanh này cũng khá cao so với kế hoạch mà Vietnam Airlines đặt ra trước đó cho năm 2017.
Nhà đầu tư trông chờ gì ở Vietnam Airlines?
Thực tế, dù Vietnam Airlines đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận sụt giảm so với năm 2016 nhưng một số chỉ tiêu khác lại tăng. Chẳng hạn, hãng hàng không này tiếp tục đặt mục tiêu phục vụ khoảng 21,7 triệu lượt hành khách, tăng 5,3% so với năm 2016 (khoảng 20,6 triệu lượt hành khách).
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm của Hãng Hàng không Quốc gia không phải chỉ là tăng số lượng hành khách mà còn là về các chính sách điều hành và phát triển để giữ vững thị phần. Cụ thể, theo một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), vấn đề hiện tại của Vietnam Airlines trong giữ vững thị phần là nên điều chỉnh để cạnh tranh với chính sách giá của Vietjet Airlines (VJC) hay xem xét việc đẩy mạnh dịch vụ hàng không giá rẻ với thương hiệu Jetstar Pacific Airlines (mã JPA). Tuy nhiên, đây có lẽ là vấn đề “đau đầu” với Vietnam Airlines khi phải lựa chọn giữa 2 hướng đi này.
Thực tế, việc cạnh tranh về chính sách giá với Vietjet Air sẽ rất khó khăn bởi hiện tại chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Vietnam Airlines cao gấp nhiều lần so với Vietjet Air. Cụ thể, nếu năm 2016 khoản cho phí này của Vietnam Airlines là 5.500 tỷ đồng thì của Vietjet Air chỉ là 650 tỷ đồng.
Còn nếu đầu tư mạnh vào Jetstar Pacific thì cũng chưa chắc đã thắng thế bởi trong chiến lược đầu tư hiện tại, Jetstar Pacific định hướng phát triển đội bay lên 24 chiếc Airbus A320 vào năm 2017 và 30 chiếc vào năm 2020. Tuy nhiên, so với Vietjet thì không là gì vì Vietjet đã ký kết đặt hàng 20 tàu bay A321 NEO, dự kiến được giao hàng từ 2017 - 2020. Chưa kể, Vietjet còn ký kết mua 100 tàu bay B737, dự kiến sẽ có khoảng 200 tàu bay vào năm 2023 - gấp đôi số lượng tàu bay hiện tại của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, với giới đầu tư thì mong muốn nhất vẫn là việc Vietnam Airlines nhanh chóng thoái vốn nhà nước thì cổ phiếu HVN mới có đà tăng trưởng mạnh.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của HVN vẫn rất cô đặc với 86,16% vốn do Bộ Giao thông Vận tải nắm giữ, cổ đông chiến lược là tập đoàn ANA Holdings Inc. sở hữu 8,77% vốn và các cổ đông khác giữ 5,07% vốn. Sau khi Techcombank thoái vốn, tỷ lệ free float (số cổ phiếu tự do giao dịch trên thị trường) của HVN tăng lên 26,3 triệu, tương đương 2,14% vốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.