Ngay lời đề từ, tác giả đã “khuyến cáo” trước với người đọc: “Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn.” và chính vì sự rời rạc cố tình ấy nên trong “Ngược mặt trời” không tìm thấy nhân vật chính.
Câu chuyện xoay quanh một nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Nguyễn Chạc - nhân vật mang sứ mệnh kết nối và cũng là cái cớ, để tác giả đẩy các nhân vật của mình trực diện với ánh sáng mặt trời. Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết này đều có thái độ sống quyết liệt, tùy lúc mà đậm nhạt khác nhau theo lực nhấn nhá cảm hứng rất chừng mực của tác giả khi khắc họa.
Dạng cấu trúc tiểu thuyết rời rạc như thế không mới, một số nhà văn hiện đại và cách tân ở phương Tây - và cả Trung Quốc - đã từng áp dụng. Nhưng áp dụng cấu trúc “chẳng có cái nào ăn nhập tới cái nào” cho một không gian đa chiều, cho sự xáo trộn nhuần nhuyễn nhưng phức hợp các yếu tố thời gian, cho nhiều giọng văn trong một tiểu thuyết chỉ với khoảng 50.000 từ… thì đây là tiểu thuyết “rời rạc cố tình” đầu tiên mà tôi được đọc.
Một tiểu thuyết đã được viết không bằng những lề thói quen thuộc. Đọc, với sự “cảnh báo trước” của tác giả, làm người đọc vừa bị kích thích sự tò mò, lại vừa phải cẩn trọng với từng chữ từng dòng, vì sợ… “không thể kể lại giấc mơ một cách trọn vẹn”. Để rồi khi gập trang cuối cùng của cuốn sách lại, bạn sẽ thấy sự hấp dẫn ở đây không rời rạc bao giờ.
Thông tin xuất bản:
- Tên: Ngược Mặt trời
- Thể loại: Tiểu thuyết
- Tác giả: Nguyễn Một
- Số trang: 218
- Khổ sách: 12x20cm
- NXB Hội Nhà Văn và Cty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành
- Giá bìa: 48.000 đồng
Jinn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.