Liệt nửa người từ nhỏ vẫn có thể sinh con

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 18/06/2016 06:10 AM (GMT+7)
Dù thân thể quắt queo, chỉ còn cái đầu “ngọ nguậy”, nhưng bằng “phép màu”, người đàn ông vẫn có thể có con, đem lại niềm hy vọng cho cả gia đình.
Bình luận 0

Ca bệnh khó khăn

TS – bác sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Trung tâm Nam khoa Việt Bỉ (Hà Nội) chia sẻ, trong nhiều năm chữa bệnh vô sinh, một trường hợp khiến ông nhớ mãi là người đàn ông liệt từ nhỏ. “Hơn chục năm trước, tôi vẫn nhớ ngày một phụ nữ gần 70 tuổi đẩy một chiếc xe lăn đợi tôi ở phòng khám. Nhìn đằng sau, tưởng không có ai ngồi trên xe lăn, nhưng ra đằng trước mới thấy một “cậu bé” nằm dúm dó, chỉ có cái đầu nhô lên. Toàn thân cậu ấy hoàn toàn liệt, chân như hai que cời, teo tóp, nói ngọng, nhưng đôi mắt vẫn lanh lợi” – TS Vệ kể.

img

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ tư vấn cho bệnh nhân khám vô sinh tại Trung tâm Nam khoa Việt Bỉ. Ảnh:  Diệu Linh

Người phụ nữ tâm sự với TS Vệ, anh T.B - con bà bị liệt từ bé. Dù bà chạy chữa, chăm sóc thế nào cũng không thể thay đổi được nỗi đau đó. Không chỉ con trai không có tương lai cả 3 cô con gái cũng không lấy chồng. Nghe tin TS Vệ có thể giúp những người liệt nửa người đã lâu có cơ hội sinh con, bà cũng muốn thử, để gia đình bà có thể thêm hy vọng vào tương lai. TS Vệ đã thăm khám và kiểm tra tìm “con giống” trong cơ thể héo quắt của người đàn ông đó. Cơ hội tìm được “sự sống” rất mong manh. Đến lần thứ 5, thay vì lấy “con giống” ở mào tinh, ở tinh hoàn, TS Vệ đã khéo léo tìm kiếm ở ống dẫn tinh rất nhỏ và tìm được một ít “con giống”. Lúc đầu, xét nghiệm gen cũng cho thấy “con giống” không khoẻ. Nhưng sau đó, TS Vệ phát hiện, anh T.B đã dùng thuốc điều trị lâu năm, ảnh hưởng đến chất lượng “con giống”. Anh T.B dừng thuốc một thời gian, TS Vệ đã lọc được những “con giống” khoẻ mạnh để có thể thụ tinh nhân tạo.

May mắn, một cô gái đem lòng xót thương, chấp nhận lấy anh T.B và “sinh con” cho anh. TS Vệ đã tiến hành thụ tinh nhân tạo thành công, sau 9 tháng, một bé trai đã chào đời. “Những giọt nước mắt nghẹn ngào của người bà, nụ cười run rẩy của người cha khi đứa con được đặt vào lòng anh trên xe lăn khiến tôi nhớ mãi. Hy vọng đứa bé sẽ mang lại hạnh phúc, tương lai tươi sáng cho cả gia đình họ” – bác sĩ Vệ tâm sự.

Bị liệt, đừng mất hy vọng

TS Vệ cho biết, gần 10 năm nay, ông đã đem lại niềm vui cho hơn 10 trường hợp đàn ông bị liệt nửa người trong nhiều năm, mất khả năng sinh con theo cách tự nhiên. 

Một trường hợp khác là N.V Đ (Gia Lâm, Hà Nội) bị liệt nửa người hơn 20 năm. Năm 18 tuổi, Đ bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt hai chân. Nhưng sau đó, với nỗ lực vươn lên, Đ đã trở thành một vận động viên đua xe lăn và được một cô gái yêu thương, nhận lời làm vợ anh. Cách đây 15 năm, TS Vệ đã khám cho anh Đ. Ngặt nỗi, dù có “hoạt động” được nhưng anh Đ không thể nào “nhả đạn”. Số “con giống” của anh Đ cũng rất ít ỏi. Giấc mơ được làm bố mẹ của vợ chồng Đ cứ đằng đẵng mãi. Nhưng lúc đó, TS Vệ chỉ biết “an ủi”, chia sẻ với vợ chồng anh Đ chứ không thể giúp được.

Đến năm 2011, khi có đủ phương tiện, kỹ thuật, TS Vệ đã tìm đến tận nhà anh Đ xin được “khám lại”. TS Vệ chỉ biết anh Đ ở Gia Lâm nên tìm mãi không thấy, cuối cùng phải nhờ đến công an hộ khẩu mới tìm được. Đến lúc này, anh Đ cũng đã hơn 40 tuổi.

Kết quả xét nghiệm và tin tức tốt đẹp của TS Vệ đã khiến vợ chồng anh Đ mừng rơi nước mắt. Sau khi “bới tìm” được ít “con giống” khoẻ mạnh, TS Vệ đã thụ tinh thành công, giúp vợ chồng anh Đ sinh một cậu con trai khoẻ mạnh. “Kinh nghiệm điều trị vô sinh nhiều năm đã giúp tôi nhận biết rằng, người vô sinh do liệt nửa người sau tai nạn giao thông, sau phẫu thuật tiểu khung do chấn thương đứt niệu đạo sau, vỡ xương chậu bàng quang… trong tinh hoàn vẫn có "tinh binh". Kể cả những người không có khả năng hoạt động tình dục. Thậm chí, nhiều “con giống” di chuyển ở mào tinh, ống dẫn tinh, chỉ cần tỉ mỉ tìm kiếm, bác sĩ có thể đem lại hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng.

Quan niệm người liệt “không làm ăn” gì được coi như vô sinh là hoàn toàn không chính xác. Với các kỹ thuật hiện đại như hiện nay, những người bị liệt sau tai nạn hoặc liệt từ nhỏ cũng đừng mất hy vọng làm cha. Tuy nhiên, các bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Như vậy,   cơ hội lọc tìm được những “con giống” khoẻ mạnh để sinh con khoẻ càng lớn hơn” .

 TS Lê Vương Văn Vệ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem