Liệu có truy thu được gần 70 tỷ đồng tiền thuế của Uber?

Phi Long Thứ bảy, ngày 03/02/2018 12:49 PM (GMT+7)
Mặc dù phải nộp gần 70 tỷ đồng nhưng Uber mới chỉ nộp 13 tỷ và đơn vị này cũng không mở tài khoản tại ngân hàng ở Việt Nam khiến cho các cơ quan chức năng đang “lúng túng” chưa biết cách nào để truy thu thuế từ Uber.
Bình luận 0

img

Liệu có truy thu được gần 70 tỷ đồng tiền thuế của Uber (Ảnh: IT)

Trao đổi với Dân Việt, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, Uber có thể mở tài khoản ở đâu cũng được nhưng kinh doanh ở Việt Nam thì phải nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu như Uber không nộp thì cơ quan chức năng của Việt Nam có thể đưa ra tòa. “Vấn đề quan trọng là phải chứng minh được các khoản thuế này Uber phải nộp là đúng theo quy định của pháp luật. Thực tế, Uber cũng đang đối mặt với nhiều kiện tụng ở các nước khác liên quan tới câu chuyện cạnh tranh với taxi truyền thống và đặc biệt là vẫn đề thực hiện nghĩa vụ thuế với nước sở tại”, ông Doanh nói.

Cùng chung nhận định trên, PGS.TS. Đinh Trong Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng, hiện nay, nếu Uber đang hoạt động ở Việt Nam thì sẽ còn các khoản thu nhập tử Việt Nam. Do đó, việc cơ quan quản lý nhà nước sẽ dựa trên tài khoản của Uber để trừ đi khoản còn nợ thuế. Vấn đề là cơ quan chức năng phải nắm được các tài khoản mà Uber dùng để chuyển tiền ở Việt Nam ra nước ngoài, từ đó có thể khấu trừ. Nếu Uber vẫn trì hoãn thì có thể đưa ra tòa và khi đó sẽ xử phạt rất nặng. “Ngay từ bây giờ, tất cả các khoản mà Uber chuyển từ Việt Nam về thì ngành thuế hoàn toàn có thể giữ lại để yêu cầu Uber khấu trừ vào khoản thuế còn nợ”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trước đó,  việc truy thu thuế của Uber đã khiến cho Cục thuế TPHCM gặp lúng túng trong việc cưỡng chế. Liên quan tới vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai tiền thuế truy thu đối với Công ty Uber B.V Hà Lan là hơn 66 tỷ đồng. Đến ngày 31.12.2017, Uber đã thực hiện nộp thuế hơn 13 tỷ đồng.

Sau đó, để thực hiện việc cưỡng chế thuế, Cục Thuế TPHCM có quyết định gửi các ngân hàng tại Việt Nam đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền khách hàng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chuyển vào tài khoản của Công ty Uber.

Tuy nhiên, Công ty Uber không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Do đó, Tổng cục Thuế đang rà soát lại và có hướng dẫn về cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, chắc chắn cho Cục Thuế TPHCM thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trực tế, trước đó, Uber B.V đã liên tục trì hoãn đóng số tiền truy thu gần 70 tỷ đồng này vì lý do chờ cuộc làm việc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Một lý do nữa mà Uber cho rằng, họ không phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu là dựa trên cơ sở của Hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hà Lan.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chính thức về việc truy thu thuế của Uber B.V, trong đó khẳng định Uber B.V không được miễn thuế theo hiệp định chống đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và Hà Lan vì có cơ sở thường trú tại Việt Nam (là các lái xe). Đơn vị này cũng phải có trách nhiệm truy thu các khoản thuế của các lái xe mà đơn vị này chưa thực hiện khấu trừ thuế.

Theo Tổng cục Thuế, tổng doanh thu các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của Uber là 2.706 tỷ đồng, số thuế đã nộp là 76,877 tỷ đồng. Do Uber B.V là doanh nghiệp nước ngoài nên chỉ phải nộp 5% thuế trên tổng doanh thu từ 20% đã phân chia với các lái xe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem