Theo South China Morning Post, trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin tại lâu đài Brdo ở Slovenia tháng 6.2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã phá băng quan hệ Nga - Mỹ một cách ngoạn mục, thần kỳ.
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Vladimir Putin năm 2001 bất ngờ diễn ra rất vui vẻ, ấm áp.
Trước cuộc gặp này, quan hệ Nga - Mỹ rất căng thẳng. Ông Bush đã nhiều lần lên án cuộc chiến tranh của Nga tại Chechnya trong suốt chiến dịch tranh cử của mình năm 2000. Còn Putin, ông mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch của Washington để triển khai tên lửa đạn đạo ở Đông Âu đồng thời tỏ rõ sự không hài lòng khi Mỹ lên án hồ sơ nhân quyền tại Nga.
Theo đó, cuộc gặp giữa ông Putin và Bush bắt đầu bằng một lời chào lạnh nhạt và băng giá. Nhà lãnh đạo Nga dự định đi vào chương trình nghị sự chính ngay lập tức. Tuy nhiên, thật bất ngờ, ông Bush nghiêng người lại gần ông Putin và hỏi về cây thánh giá mà ông được mẹ tặng. Câu hỏi thú vị và bất ngờ khiến gương mặt căng thẳng của Tổng thống Putin giãn ra và trở nên tươi tắn. Để tập tài liệu sang một bên, ông Putin vui vẻ kể cho ông Bush nghe về cây thánh giá quý báu mà mẹ ông đã tặng cho ông.
Đó là một cây thánh giá bằng nhôm đơn giản mà bà Maria Ivanovna Shelomova, mẹ nhà lãnh đạo Nga đã tặng cho ông trong lần đầu tiên con trai rời Liên Xô tới Israel. Bà Maria dặn ông Putin mang theo cây thánh giá này tới cầu nguyện tại nhà thờ ở Jerusalem. Ông Putin đã nghiêm chỉnh thực hiện lời dặn của mẹ.
Nhiều năm sau đó, khi ông Putin đang gặp khó khăn trong sự nghiệp, gia đình ông lại gặp hỏa họa vào năm 1996. Trận hỏa hoạn xảy ra khi ông và cả gia đình đang đi nghỉ ở một căn nhà ven hồ ở ngoại ô St Petersburg. Ông Putin đã thoát ra khỏi nhà từ tầng 2 nhờ một sợi dây thừng nhưng bất lực nhìn mọi đồ đạc của mình bị lửa thiêu rụi.
May mắn thay, khi các nhân viên cứu hỏa tìm kiếm trong đống đổ nát, họ phát hiện ra cây thánh giá bên trong đống tro tàn. Điều đặc biệt là nó hoàn toàn nguyên vẹn. Tổng thống Putin rất vui mừng và từ đó ông càng quý trọng cây thánh giá hơn. Ông mang nó theo mình đi khắp nơi và xem nó như vật may mắn. Và cũng từ đó, công việc, sự nghiệp của ông Putin cũng trở nên suôn sẻ hơn nhiều. Hai năm sau sự kiện trên, ông trở thành Thủ tướng Nga.
Ông Bush đã lắng nghe câu chuyên một cách chăm chú và thích thú. Họ trò chuyện như những người bạn lâu năm. Cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã kéo dài tới 2 tiếng và khi họ xuất hiện trong cuộc họp báo, một số bất đồng giữa 2 nước đã được giải quyết. Ông Bush và ông Putin cũng kết thân từ đó.
Trả lời báo chí, ông Bush nhấn mạnh: "Tôi thấy ông ấy rất đơn giản và đáng tin cậy. Tôi có thể cảm thấy điều đó. Ông ấy là một người đàn ông hết lòng vì đất nước mình".
Về phần mình, ông Putin, sau cuộc gặp với ông Bush đã bắt đầu học tiếng Anh một giờ mỗi ngày và nghiên cứu văn hóa cũng như nền ngoại giao Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga muốn gây ấn tượng với người đồng cấp Mỹ trong lần gặp tới. Ông Putin nói rằng, ông muốn trực tiếp trò chuyện với ông Bush mà không cần phiên dịch đồng thời nhấn mạnh rằng, mối quan hệ cá nhân tốt đẹp có thể giúp giải quyết các vấn đề gai góc giữa 2 đất nước, Nga và Mỹ.
Ông Bush và ông Putin từng duy trì quan hệ thân thiết
2 năm đầu trong nhiệm kỳ của ông Bush, mối quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo Nga ngày càng khăng khít. Tổng thống Bush đã trở thành người bạn tốt nhất của ông Putin trong số các nhà lãnh đạo phương Tây. Họ đã gặp nhau 4 lần tại một trang trại của ông Bush ở Texas. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới nhà riêng của một nhà lãnh đạo nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa 2 vị tổng thống không dẫn tới nhiều sự thay đổi trong chính sách Nga, Mỹ vì sự phức tạp của mối quan hệ giữa 2 cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.
Kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo của Mỹ tới châu Âu và việc Washington tìm cách lôi kéo Ukraine khiến Tổng thống Putin thất vọng. Đến khi Tổng thống Bush gặp lại người đồng cấp Nga tại Slovakia tháng 1.2005 khi vừa giành chiến thắng một nhiệm kỳ thứ 2, 2 nhà lãnh đạo đã không còn nhìn nhau thân thiết nữa.
Thậm chí, trong cuộc họp báo chung, khi ông Bush chỉ trích sự thiếu tự do báo chí ở Nga. Tổng thống Putin đã ngay lập tức đáp trả bằng những lời chế giễu.
"Đừng giảng dạy tôi về tự do báo chí", ông Putin gay gắt đáp trả.
Hiện tỷ phú Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ và nhiều người dự đoán về một chương mới trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố muốn thiết lập quan hệ tốt với Nga đồng thời nhiều lần công khai ca ngợi Tổng thống Putin "thông minh và là một lãnh đạo tốt". Đáp lại, ông Putin cũng nhiều lần ca ngợi ông Trump và tuyên bố sẵn sàng bắt tay hợp tác với chính quyền Trump.
Liệu Trump có xuất sắc được như Bush để kết thân với Putin?
Tất cả những dấu hiệu trên có thể là "điềm lành" cho quan hệ Nga - Mỹ trong tương lai nhưng những sự kiện trong quá khứ cho thấy rằng, tình bạn giữa lãnh đạo 2 nước luôn dễ thay đổi và bấp bênh. Hai cường quốc có quá nhiều bất đồng, mâu thuẫn về mặt lợi ích quốc gia mà mối quan hệ cá nhân giữa 2 tổng thống khó lòng xoa dịu.
Tổng thống Putin nổi tiếng là một nhà lãnh đạo cứng rắn và nổi tiếng với các chính sách thực dụng sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi tình cảm cá nhân. Ông chắc chắn thích ông Trump hơn bà Hillary Clinton nhưng chắc chắn sẽ không khoan nhượng trước bất cứ điều gì chống lại lợi ích của Nga. Tượng tự, Trump cũng vậy sẽ đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu, như thông điệp tranh cử "Nước Mỹ trước tiên" của ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.